“Nỗi oan” giá sách giáo khoa

GD&TĐ - Gần đây, bộ sách giáo khoa mới được gán mức giá hơn 800 nghìn đồng đã khiến dư luận dạy sóng. Tuy nhiên, trên thực tế số tiền này còn bao gồm cả vở viết, đồ dùng học tập...và sách giáo khoa vô tình đã gánh tiếng oan.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trả lại giá đúng cho bộ sách

Bộ sách lớp 1 của Trường tiểu học An Phong (TP. Hồ Chí Minh) được một phụ huynh chia sẻ có mức giá hơn 800 nghìn đồng ngay lập tức đã khiến nhiều phụ huynh đăng đàn lên án ngành giáo dục rồi quay lại so bì với thời tuổi thơ của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu chỉ là sách giáo khoa (có kèm cả sách bài tập), số tiền chỉ là 359.4 nghìn đồng. Trong danh sách có thêm bộ dụng cụ học tập, 1 cuốn sách tiếng Anh rất đắt tiền, 10 cuốn vở trắng và 1 cái bảng đen nhỏ (dùng để tập viết chữ). Học sinh nào đi học lớp 1 cũng cần bảng, vở viết và bộ đồ dùng. Nhà trường đã gộp cả để “mua giúp” phụ huynh và tiện in logo của trường lên vở học sinh.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Chúng ta cần nhìn nhận giáo dục đang thay đổi. Mọi cải tiến đều hướng tới việc mang lại cho trẻ sự thoải mái và thuận tiện nhất. Ngày xưa, bài học nào học sinh cũng phải tự tập chép vào vở rồi mới làm. Ngày nay, sách bài tập sẽ chép sẵn ra, tạo hình rõ ràng để các con chỉ cần nhìn vào đó và làm bài tập. Điều này đã khiến bài học hấp dẫn hơn, thú vị hơn với trẻ rất nhiều. Các bố mẹ luôn lấy “sách tây” ra so sánh, nào là bài học thú vị hơn, nào là tranh ảnh đẹp… Vậy nhưng khi SGK của Việt Nam làm như vậy, tại sao không đón nhận?.”

Không thể phủ nhận giá trị của sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong quá trình dạy học. (Ảnh minh hoạ.)
Không thể phủ nhận giá trị của sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong quá trình dạy học. (Ảnh minh hoạ.)

Mua sách - toàn quyền của phụ huynh

Sách giáo khoa là tài liệu cung cấp kiến thức, được biên soạn với mục đích phục vụ công tác dạy và học trong nhà trường, là tài liệu học tập không thể thiếu đối với học sinh. Ngoài sách giáo khoa, các loại sách bổ trợ và sách tham khảo cũng là những tài liệu hết sức quan trọng, giúp người học tự học, tự nghiên cứu, khám phá kiến thức. Nếu biết sử dụng các loại sách tham khảo, bổ trợ một cách khoa học sẽ đem lại kết quả học tập tốt hơn.

Theo chia sẻ của bà Hứa Thu Huyền – Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội): Nhằm giúp học sinh có đủ sách giáo khoa, sách bổ trợ và đồ dùng học tập đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT phục vụ năm học 2020-2021, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch phát hành SGK, chỉ đạo các tổ khối chuyên môn nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, rà soát danh mục sách, thiết bị theo khối lớp, tham khảo ý kiến của ban đại diện cha mẹ học sinh về việc thống nhất sử dụng một số loại sách tham khảo, bổ trợ (nếu cần), sau đó tổng hợp về bộ phận thư viện để ra thộng báo gửi đến PHHS đăng ký mua sách trên tinh thần tự nguyện, đồng thời căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 để dự kiến số lượng đăng ký sách giáo khoa lớp 1.

Cùng với đó, GVCN làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn để phụ huynh nghiên cứu, lựa chọn và tự nguyện đăng ký mua sách cho con hoặc học sinh có thể tận dụng sách cũ còn dùng được hoặc tự mua tại các hiệu sách. Tuyệt đối không ép buộc phụ huynh phải đăng ký mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho con tại trường.

Bộ phận thư viện nhà trường chịu trách nhiệm tổng hợp số lượng đăng ký SGK của các khối lớp về Phòng GD&ĐT để kịp thời cung ứng đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh. Do vậy, tại trường Tiểu học Giang Biên, công tác cung ứng, phát hành SGK, tài liệu, đồ dùng học tập cho HS hàng năm đều được phụ huynh đồng tình ủng hộ.

Có con vừa vào lớp 1, chị Nguyễn Lan Anh (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có con lớn năm nay lên lớp 4 và con thứ hai vào lớp 1. Từ phương diện phụ huynh, tôi nhận thấy, cùng với SGK, các loại vở bài tập chính là những tài liệu bổ trợ rất thiết yếu, giúp giáo viên và học sinh tiết kiệm được thời gian và tăng hiệu quả tiết dạy. Những cuốn sách bổ trợ (vở bài tập) với những hình ảnh sinh động, gần gũi, giúp các con dễ dàng nhận biết và tiếp nhận kiến thức lại tiết kiệm được thời gian và kinh phí. Gía mỗi cuốn sách bổ trợ cũng chỉ hơn 10 nghìn đồng nên tôi thấy rất hợp lý và hữu ích.”

Bà Nguyễn Thị Thuý Minh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng: “Để bộ sách giáo khoa sử dụng được nhiều lần, HS không trực tiếp làm bài tập vào sách giáo khoa mà có thể sử dụng vở bài tập cũng rất tiện lợi và phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh. Hệ thống bài tập trong vở được thiết kế tương đồng với nội dung bài tập trong SGK với những kênh hình sinh động, đa dạng và dễ hiểu, giúp các em hứng thú trong quá trình học tập. Việc sử dụng vở bài tập trong các tiết học hoặc HS sử dụng ở nhà rất thuận lợi và tiết kiệm được thời gian và chi phí...”

“Khi bạn đào tạo một học sinh, ngoài các bài học theo sách giáo khoa, trẻ rất cần được rèn luyện khả năng tự học để tự tìm kiếm kiến thức trong các sách tham khảo. Tìm kiếm thông tin, tự học, tự khám phá là khả năng rất quý để đạt đến thành công. Nếu chỉ luôn đóng khung việc học trong sách giáo khoa, học sinh sẽ học một cách thụ động và mệt mỏi, thiếu hứng thú. Rèn khả năng tự học cho học sinh cần phải tiến hành từ lớp 1.

Đọc sách, đọc tài liệu là một năng lực cần đào tạo từ sớm, đặc biệt từ khi sách được thiết kế thể hiện bằng hình. Điều đó sẽ giúp các con yêu quý sách, thích đọc sách và dễ dàng hình thành thói quen làm việc với sách. Nếu không chú trọng việc đó mà tìm cách hạn chế trẻ, sẽ đến lúc chúng ta cảm thấy vất vả vì trẻ không có khả năng này.”, TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ