(GD&TĐ)- Mỗi cán bộ đảng viên ngành giáo dục phải tự đổi mới từ trong nhận thức đến trách nhiệm trong công việc, không ỷ lại vào Bộ, vào đơn vị, mỗi người góp sức nhỏ của mình cùng toàn ngành đổi mới căn bản và toàn diện.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhấn mạnh tại buổi tọa đàm về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" do Học viện Quản lý Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 20/9 tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh, gdtd.vn |
Đồng nhất quan điểm với Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra: “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo”, PGS.TS Lê Phước Minh- Phó giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: đổi mới ở đây không phải chỉ để giải quyết những khiếm khuyết nội tại của ngành. Tác nhân thay đổi ở đây, Đảng đã chỉ ra, đó là thay đổi địa giới, chính sách và quan điểm chính trị khi mà công nghệ thay đổi, giá cả tăng lên, nguồn lực cạn kiệt, toàn cầu hóa, sử dụng nguồn lực ngoại lai, quy mô giảm…
PGS.TS Lê Phước Minh cho rằng: đây là xu thế toàn cầu hóa, khách quan mang lại, không phải ở tự thân đất nước Việt Nam có muốn hay không muốn thay đổi; Chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế do vậy xu thế chung đó của toàn cầu buộc chúng ta phải thay đổi, đổi mới về giáo dục. Đảng ta đã nhận thấy đến giai đoạn này là chúng ta cần phải tiến hành một cuộc đổi mới. Cuộc đổi mới này có mức độ sâu hơn, triệt để hơn trên nhiều khía cạnh hơn, hay nói khác đi là căn bản và toàn diện hơn.
Mục tiêu đổi mới ở đây không chỉ đơn thuần để giải quyết những vấn đề mang tính nội tại của ngành GD-ĐT như tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, chạy trường chạy lớp… ông cho rằng những quan điểm nhìn nhận mục đích đổi mới ngành GD-ĐT như thế là không đầy đủ...
Tuy nhiên cuộc cách mạng, thay đổi nào cũng có những cản trở chính, đó là: sợ thất bại, tâm lý chưa thực sự cần thay đổi, mất kiểm soát, mất tự do thoải mái- ngại khó ngại khổ, giảm lợi ích cá nhân, thiếu sự hỗ trợ hay nguồn lực tài chính, không muốn học hỏi thêm, sợ bất trắc.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh, gdtd.vn |
Trong lịch sử nền giáo dục, chúng ta đã tiến hành thành công nhiều cuộc cải tiến, nhiều cuộc đổi mới, nhiều cải cách, thậm chí, có những hoạt động, theo ông, có thể gọi là cuộc cách mạng đã vượt qua mọi thách thức trên. Ví dụ, từ hình thức tổ chức thi tuyển sinh ĐH-CĐ trước đây, 10 năm nay ngành giáo dục tổ chức thi tuyển sinh “3 chung”, bỏ thi theo lối cũ, ông gọi đây là cuộc cách mạng trong thi cử.
Tuy vậy, trong những lần thay đổi như thế, quy mô không toàn diện, chỉ dừng lại ở một mặt nào đó trong toàn ngành; cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo lần này đòi hỏi phải đồng bộ, toàn diện, có quy mô từ Trung ương đến địa phương, đòi hỏi sự thay đổi ngay từ nhận thức của mỗi cán bộ, Đảng viên toàn ngành.
TS Nguyễn Thành Vinh- Trưởng khoa Quản lý- Học viện quản lý giáo dục cho rằng: Bản chất của công cuộc đổi mới lần này là triết lý giáo dục; do vậy muốn đổi mới thành công phải làm cho hệ thông giáo dục phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu mới trong cơ chế mới của đất nước.
PGS.TS Lê Phước Minh |
Ông cho rằng, theo đó, cần đổi mới về tư tưởng giáo dục; cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục, SGK, đặc biệt là giáo dục phổ thông; đổi mới công tác đào tạo, sử dụng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn quản lý nhà nước về giáo dục; ưu tiên phát triển giáo dục vùng Dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định: đặc trưng cơ bản của đổi mới giáo dục là chuyển từ nền giáo dục phục vụ kinh tế kế hoạch hoá sang nền giáo dục vận hành trong điều kiện kinh tế thị trường trên cơ sở bảo đảm bản chất xã hội chủ nghĩa của giáo dục nước nhà. Đây là mô hình giáo dục chưa từng có trong lịch sử. Nó không được thiết kế và triển khai từ sách vở. Đó là quá trình tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế, từ quần chúng, từ thực tế và là quá trình do Đảng lãnh đạo.
Tuy nhiên, các thành tựu cơ bản của giáo dục trong thời gian qua chủ yếu là sự phát triển theo chiều rộng. Do vậy trước những thách thức nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, nguồn nhân lực, nhân tài của đất nước trong sự phát triển, Đảng đã đề ra một yêu cầu mới đó là đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân tại Đại hội XI.
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng mô hình “học suốt đời” (HSĐ) phù hợp với bước phát triển mới về chất của giáo dục Việt Nam. Hệ thống HSĐ đòi hỏi sự phá vỡ các quan niệm truyền thống về người dạy, người học, cách dạy, cách học, cách đánh giá. Nó cũng phá vỡ các giới hạn quen thuộc về tuổi học. Nó chuyển trọng tâm từ tri thức sang năng lực, trong đó ưu tiên là năng lực sáng tạo, áp dụng, phân tích, tổng hợp tri thức, năng lực làm việc theo nhóm, năng lực học cách học v.v...
“Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu là mô hình tăng trưởng theo chiểu rộng, mô hình này không đặt ra yêu cầu bức bách về HSĐ đối với người lao động. Trong những thập niên tới, khi chúng ta chuyển dần sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, giáo dục nhất thiết phải chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình HSĐ", TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định.
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến tham luận tại buổi tọa đàm. Ảnh, gdtd.vn |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhận định: công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo mới chỉ đang bắt đầu, còn ngổn ngang vô vàn công việc trước mắt để triển khai thực hiện. Do vậy phải làm từ đầu, làm ngay, từng bước một, không trông chờ đủ mọi điều kiện mới làm. Tuy nhiên, để tiến hành đổi mới thành công, trước mắt đòi hỏi cần sự chung tay góp sức của toàn ngành; mỗi tập thể, cá nhân đều phải ra sức phấn đấu.
Khẳng định rằng, đổi mới phải bắt đầu từ mỗi cá nhân cụ thể, công việc cụ thể chứ không phải từ việc làm to lớn nào khác; trong việc này mỗi Đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện tinh thần Nghị quyết của Đảng trước quần chúng.
Đồng thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tin tưởng và mong rằng: tập thể Học viện quản lý giáo dục cũng như các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục khác trong toàn ngành, phải chủ động sáng tạo trong công việc, phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm với tinh thần và trách nhiệm của Đảng viên, không trông chờ lãnh đạo trực tiếp giao trách nhiệm mới làm.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Đảng đã ra Nghị quyết với tinh thần chung “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, việc cần làm bây giờ là phân tích thực trạng, quá khứ để đánh giá, rút kinh nghiệm từ đó tìm ra giải pháp, hướng đi toàn diện nhất của ngành tạo bước chuyển mới, nhân tố mới hướng đến mục tiêu đề ra.
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp bàn về công cuộc đổi mới của ngành. Đồng thời mong rằng Bộ GD-ĐT tiếp tục nhận được các ý kiến về các vấn đề nội hàm của đổi mới căn bản toàn diện: về nhận thức, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, tổ chức quản lý, cơ sở trang thiết bị cùng nhiều vấn đề liên quan khác tham mưu, đóng góp cho ngành.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định: một trong ba khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 là: (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Định hướng phát triển kinh tế xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế ghi rõ: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo: "....Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội. Mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi. Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở với chất lượng ngày càng cao. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trong cả nước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm cơ chế tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tập trung đầu tư xây dựng một số trường, khoa, chuyên ngành mũi nhọn, chất lượng cao. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học. Tích cực chuẩn bị để từ sau năm 2015 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ. Nhà nước tăng đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục. Phát triển nhanh và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; mở rộng các phương thức đào tạo từ xa và hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên. Thực hiện tốt bình đẳng về cơ hội học tập và các chính sách xã hội trong giáo dục. |