(GD&TĐ) - Hôm nay 5/1 tại Hà Nội, Viện KHGD Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam”. Dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh, các đại biểu đại diện cho Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện trực thuộc Bộ GD-ĐT, các nhà khoa học, các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực GD.
Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo cán bộ quản lý, nhà khoa học về GD |
Báo cáo đề dẫn, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam, GS.TS Phan Văn Kha nêu, đất nước ta đã trải qua 25 năm đổi mới (1986 - 2011). Những thành tựu và kinh nghiệm đổi mới đã tạo ra cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều, sự nghiệp giáo dục cũng đạt thành tựu đáng tự hào: Tăng quy mô HS, SV, giảm tỉ lệ HS bỏ học và trẻ em thất học; Giữ vững chất lượng GD, đặc biệt ở một số địa phương và cơ sở đào tạo, chất lượng được tăng lên; Phát triển đáng kể CSVC; Tăng cường đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD cả về số lượng và chất lượng; Cải thiện đáng kể GD vùng khó khăn, GD dân tộc và GD cho các đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, giáo dục nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn: Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, đổi mới chậm, cơ cấu GD không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; Chất lượng GD toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐ. Quản lí nhà nước về GD còn bất cập…vv.
Khắc phục, hạn chế khó khăn, nhân lên tiềm năng, thế mạnh đã đặt ra cho Ngành GD nhiệm vụ cơ bản và cấp bách là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng GD; Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại; Nâng cao chất lượng GD toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, GD truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội; Tiếp tục phát triển và nâng cấp CSVC - kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; Đề cao trách nhiệm của gia đình và xã hội phối hợp chặt chẽ với nhà trường GD thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn tới phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; Bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục; Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đào tạo trên tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD; Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, quản lý mục tiêu, chất lượng; Hoàn thiện cơ chế, chính sách XHH, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời; Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Rất nhiều ý kiến tham luận tâm huyết, có giá trị được trình bày tại HT |
17 tham luận báo cáo trước Hội thảo đã tập trung vào những vấn đề chung về đổi mới căn bản, toàn diện nền GD nước ta, nêu lên những suy nghĩ, kiến giải và đề xuất giải pháp đột phá nhằm đổi mới nền GD nước nhà.
Đồng thời cũng đi sâu phân tích, nhận định, đánh giá tình hình phát triển của các lĩnh vực KHGD Việt Nam, từ đó đề xuất những giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện công tác nghiên cứu khoa học trong từng chuyên ngành: Tâm lí học và GD học, Quản lí GD, GDMN, GD phổ thông, GD ĐH và nghề nghiệp, GD không chính quy, GD đặc biệt, GD dân tộc, đánh giá kết quả GD...
Trong báo cáo tham luận của mình, GS.TSKH Vũ Ngọc Hải đưa ra 3 giải pháp then chốt của đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam gồm: Thứ nhất, đổi mới triệt để tiêu chí phát triển GD; Thứ hai, Xây dựng, phát triển đội ngũ Gv và CBQL theo chuẩn; Thứ ba, Tái cấu trúc lại hệ thống GD quốc dân.
Còn PGS.TS Vũ Trọng Rỹ cho rằng: Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam bao gồm đổi mới cả tư duy (rà soát lại GD phổ thông, quan niệm đúng đắn về GD toàn diện, thay đổi quan niệm trẻ em hiện đại, coi trọng vị trí đội ngũ Gv) và hành động (thay đổi cơ cấu, đổi mới chương trình Gd phổ thông, đổi mới công tác đào tạo Gv và chính sách dành cho GV, xây dựng nhà trường kiểu mới).
Theo GS Trần Kiều, đổi mới là cả quá trình, bao gồm cả kế thừa và đổi mới. Quá trình đổi mới GD của chúng ta có cả một hệ tư tưởng chỉ đạo. Do vậy, đổi mới không manh mún, sai đâu sửa đấy mà tiến hành khá công phu, bài bản. Như quá trình đổi mới GD từ năm 1986, cứ sau 5 năm một lần được tổng kết, bổ sung. Tuy nhiên, chúng ta cần có chiến lược GD để làm điểm tựa thực hiện.
GS Trần Kiều nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong hơn 20 năm đổi mới và khắc phục những yếu kém, bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực GD, phải thực sự bắt tay ngay vào việc “Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” như Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ ra.
Về GD phổ thông, cần thực hiện định hướng hiện đại hóa, thể hiện xu hướng hiện đại hiện nay trên thế giới là tiếp cận theo năng lực, các thành tựu hiện đại của khoa học dựa vào ứng dụng phù hợp bản chất, trình độ HS. Hiện đại luôn luôn là tương đối. Phương pháp dạy học hiện đại phải theo hướng tích cực hóa. Về đội ngũ: GV phổ thông cũng phải đổi mới theo hướng hiện đại hóa nhà trường sư phạm (từ khâu đầu vào, đào tạo, đánh giá…), phải có chuẩn hóa nghề nghiệp và có động lực dạy học.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội thảo |
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS. TS. Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Ý kiến của các đại biểu đều đã chạm đến vấn đề căn bản, toàn diện, gợi mở nhiều vấn đề như năng lực, nội dung, chương trình.
Bộ trưởng đề nghị Viện KHGD chọn lọc các vấn đề hay có hiệu ứng để đăng tải trên tạp chí và Báo GD&TĐ, rút ra các bài học thành công, thất bại từ những lần cải cách trước, tham khảo kinh nghiệm các quốc gia để đưa ra giải pháp. Thực tế, GD phổ thông chưa thay đổi nhiều nhưng GD ĐH đang có những thay đổi lớn. Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta đang rất cần tổng kết lý luận, nghiêm túc nghiên cứu bài học lịch sử qua nhiều lần cải cách GD; Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về vấn đề đổi mới như tích hợp, thiết kế chương trình theo năng lực hay nội dung? Nếu không học quốc tế, chúng ta không tiến được nhưng máy móc sao chép là thất bại. Bởi GD gắn bó chặt chẽ với văn hóa dân tộc.
Việt Hoa