Năm học 2016 - 2017 tiếp tục đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

GD&TĐ - Sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện Thông tư 30; tiếp tục triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học…, đó là nội dung đáng chú ý của đề xuất giải pháp trong báo cáo tổng kết năm học 2015 - 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 đối với giáo dục Tiểu học của Bộ GD&ĐT.

Năm học 2016 - 2017 tiếp tục đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

Thông tư 30 đã đi vào cuộc sống

Năm học 2015 - 2016, các trường tiểu học tiếp tục thực hiện Thông tư 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD&ĐT.

Triển khai quy định này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp như tiếp tục tuyên truyền trong và ngoài ngành Giáo dục thông qua các phương tiện thông tin truyền thông; tiếp tục tập huấn cho các tỉnh có nhu cầu; tập huấn cho hơn 4.000 hiệu trưởng tiểu học; kiểm tra, hỗ trợ những giáo viên còn lúng túng hay hiểu chưa đúng về Thông tư 30; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm; xây dựng tài liệu hỏi đáp về đánh giá học sinh;

Cùng với đó, đổi mới cách thức sinh hoạt chuyên môn để giáo viên cùng nhau rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn; giảm thiểu các công việc mang tính hành chính để giáo viên tăng thời gian tập trung đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh.

Về phía địa phương, khi triển khai Thông tư 30 đã tiếp tục chủ động tuyên truyền tới cha mẹ học sinh và cộng đồng; tập huấn cho giáo viên ; tổ chức sinh hoạt chuyên đề thông qua sinh hoạt chuyên môn theo cấp tổ, cấp trường; cấp cụm; đổi mới hồ sơ sổ sách; đổi mới công tác quản lý để hỗ trợ giáo viên đánh giá…

Tổng hợp từ báo cáo của 63 Sở GD&ĐT, cuối năm học 2015-2016 cho thấy: Thông tư 30 đã đi vào cuộc sống, hầu hết giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn, những quan niệm mới của quy định mới này.

Giáo viên đã thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của học sinh, nhằm giúp học sinh học ngày càng tiến bộ và học tốt hơn…. Cách đánh giá mới đã góp phần điều chỉnh cách dạy và học trong trường tiểu học.

Về phía học sinh đã bước đầu biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn;

Cán bộ quản lý, bước đầu đã quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện cho giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ học sinh phát huy tính tích cực trong học tập;

Góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm; khắc phục tình trạng chạy theo thành tích.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học với giáo dục tiểu học, trung học và GDTX, ông Nguyễn Mạnh Quân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên – đã nhận định: Tiếp tục triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đã giúp học sinh giảm áp lực và điểm số khi làm các bài kiểm tra thường xuyên.

“Giúp đội ngũ giáo viên có kĩ năng kiểm tra, đánh giá học sinh bằng nhận xét, năm học 2014 - 2015, Sở GD&ĐT đã bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học về phương pháp đánh giá, nhận xét về nhận biết đối với học sinh dựa trên thang nhận thức, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét đối với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy các môn chuyên biệt sau 1 năm triển khai thực hiện Thông tư 30.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ cốt cán cấp tỉnh, gắn với cơ sở, tăng cường kiểm tra, tư vấn hỗ trợ cơ sở, tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn đáp ứng yêu cầu” – ông Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ.

Sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện Thông tư 30

Nhận định về những tồn tại khi thực hiện Thông tư, theo Bộ GD&ĐT, việc đánh giá thường xuyên giáo viên còn có khó khăn vì sĩ số lớp học vượt quá quy định; vẫn còn cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh chưa hiểu rõ bản chất, vai trò mục đích đánh giá thường xuyên và định kỳ.

Vẫn còn cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh định kiến: Việc đánh giá học sinh chỉ thông qua điểm số thì mới chính xác; việc đánh giá thường xuyên học sinh bằng nhận xét, không chấm điểm, học sinh sẽ lười học hơn. Chưa thấy sự khác biệt giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.

Giáo viên còn khó khăn là mất nhiều thời gian để viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Khả năng viết nhận xét còn hạn chế. Công tác quản lí ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh.

Thừa nhận khi triển khai thực hiện Thông tư 30 trên địa bàn gặp một số khó khăn, ông Trần Hữu Tháp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi –- cho biết giải pháp của Quãng Ngãi là Sở GD&ĐT chỉ đạo các huyện thành lập tổ tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Yêu cầu từ cấp trường tổ chức sơ kết việc thực hiện Thông tư 30, tổng hợp ý kiến cần quan tâm về những khó khăn vướng mắc đang gặp phải; chia sẻ, đề xuất phương án giải quyết của đơn vị.

Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức 2 hội thảo để định hướng các phương án giải quyết. Cùng với các giải pháp đó, Sở GD&ĐT trưng dụng tổ mạnh lưới chuyên môn cấp tỉnh tham gia sinh hoạt cùng với các huyện, các cụm trường để cùng nhau chia sẻ và đề ra giải pháp hỗ trợ giáo viên

Về phía Bộ GD&ĐT, trong đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế trong báo cáo tổng kết năm học 2015 - 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 đối với giáo dục Tiểu học của Bộ GD&ĐT có đề cập đến việc sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện Thông tư 30; tiếp tục triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, cụ thể:

Chỉ đạo tránh thực hiện máy móc việc ghi chép nhận xét; giúp các cấp quản lý quy định hồ sơ hợp lý, khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử để giảm nhẹ sức lao động cho giáo viên tập trung vào hoạt động chuyên môn.

Trong quá trình thực hiện, được vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, sĩ số lớp học, vùng miền; thực hiện theo khả năng cho phép trong việc đánh giá thường xuyên để giúp đỡ học sinh nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ