Đưa “Hội nghị Thượng đỉnh EU” vào bài kiểm tra
“Hội nghị Thượng đỉnh EU” là một hoạt động kiểm tra đánh giá cho điểm hệ số 2 của bộ môn Lịch sử dành cho các học sinh khối 9 Olympia sau khi được học về châu Âu và Liên minh châu Âu (EU).
Khác với hình thức kiểm tra thông thường, học sinh đã hóa thân thành các nguyên thủ các quốc gia EU để cùng họp bàn giải quyết các vấn đề như: Brexit, di cư, nợ công…
Trước khi bước vào “Hội nghị Thượng đỉnh EU”, học sinh phải tìm hiểu các vấn đề chung của châu Âu như: Lịch sử hình thành, vị trí địa lý, tình hình kinh tế, chính trị xã hội, bối cảnh lịch sử quá khứ và hiện tại… Sau đó được lựa chọn chủ đề bàn luận trong hội nghị: Kinh tế (nợ công), Đối ngoại (di cư, nhập cư); Chính trị (Brexit) và tình trạng di cư và nhập ồ ạt từ các nước kém phát triển đến EU.
Để trình bày về vấn đề này, học sinh phải tìm hiểu thực trạng đang diễn ra trên đất nước mình, từ đó đưa ra giải pháp thiết thực, hiệu quả đối với cộng đồng EU và của đất nước. Từ những kiến thức được học và tìm hiểu, học sinh mô phỏng lại gần giống như Hội nghị Thượng đỉnh EU với đầy đủ các nghi thức hội nghị và thành phần tham gia.
Cô Trần Vân Khánh - giáo viên Trường THPT Olympia – chia sẻ: Đây là một hình thức kiểm tra được học sinh rất hứng thú bởi không phải học thuộc những kiến thức trong sách giáo khoa và đa số sẽ quên ngay sau đó mà học sinh được chủ động tìm kiếm kiến thức và cập nhật được những vấn đề “thời sự” mà châu Âu đang gặp phải; đồng thời được nói lên ý kiến và quan điểm của mình trước các vấn đề đó.
Bên cạnh đó, với hình thức tổ chức nhập vai trở thành nguyên thủ quốc gia một nước, học sinh được rèn luyện, trải nghiệm tác phong của một chính trị gia, có ý thức trách nhiệm với những phát ngôn và hình ảnh của bản thân.
Hoạt động kiểm tra thú vị này không chỉ giúp học sinh có được những kiến thức hàn lâm sách vở, mà còn tiếp cận được các vấn đề “thời sự” của cộng đồng EU mà còn giúp các bạn rèn luyện các kỹ năng như: Khai thác và xử lý thông tin, viết luận, đàm phán, hợp tác, tranh biện…
Tăng hứng thú bằng hình thức đánh giá mới
Theo nhận định của cô Trần Vân Khánh, đa dạng hình thức kiểm tra đánh giá, trước hết sẽ tạo ra sự mới mẻ, thú vị cho học sinh. Đồng thời, giúp giáo viên có được những góc nhìn khác nhau đối với một học sinh và tạo cơ hội cho các bạn được thể hiện những điểm mạnh của mình, khám phá được những ưu điểm của bản thân, giúp các em tự tin, phát huy năng lực.
“Đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá cần được thực hiện song song với việc đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy như vậy mới có hiệu quả tích cực cho học sinh” - cô Trần Vân Khánh nêu quan điểm.
Nói về những sáng tạo trong đổi mới kiểm tra, đánh giá, thầy Trần Quốc Dân - thành viên Ban giám hiệu Trường THPT Olympia - cho rằng, đổi mới giáo dục đòi hỏi đa dạng hóa các hình thức dạy học. Quan điểm dạy học mới là phát triển năng lực, vì vậy việc kiểm tra đánh giá cũng hướng đến việc đánh giá năng lực của học sinh chứ không dừng lại ở việc kiểm tra kĩ năng và kiến thức.
Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá sẽ tạo ra các tình huống gắn liền với thực tiễn, giúp học sinh thể hiện khả năng vận dụng kiến thức được học cùng các trải nghiệm từ cuộc sống để giải quyết các tình huống thực tiễn; qua đó đánh giá một cách toàn diện về kiến thức, kĩ năng, thái độ và những giá trị hiện có của học sinh. Đây cũng là điểm khác biệt chính của kiểm tra đánh giá theo năng lực so với kiểm tra kiến thức và kĩ năng thông thường.
“Tuy nhiên, đổi mới kiểm tra, đánh giá đòi hỏi sự sáng tạo của giáo viên khi thiết kế các hoạt động của học sinh, đồng thời giáo viên cần phải biết cách đánh giá học sinh qua hoạt động và trong hoạt động. Trong một số môn học việc này tương đối khó khi các kiến thức thường được áp dụng một cách gián tiếp chứ không phải trực tiếp, khi đó cần có cách tiếp cận liên môn trong việc đánh giá.
Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ phát huy được tính tích cực và chủ động của học sinh khi các em được tham gia trải nghiệm trong các hoạt động phong phú và đa dạng, có tính thực tiễn cao. Đây cũng chính là những thuận lợi chính mà phương pháp đánh giá này mang lại khi học sinh được giải phóng khỏi các bài kiểm tra cứng nhắc” – thầy Trần Quốc Dân nói về những khó khăn cũng như thuận lợi khi thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá trong nhà trường.