Đòi Hoàng gia cải tổ: Người biểu tình Thái Lan mong muốn gì?

GD&TĐ - Hàng chục nghìn người tham gia cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm gần đây ở thủ đô Bangkok, kêu gọi hạn chế quyền lực của Hoàng gia, nhấn mạnh đất nước thuộc về nhân dân, cho dù Thái Lan có luật nghiêm cấm xúc phạm hoặc nói xấu nhà vua, với hình phạt có thể tới 15 năm tù.

Cảnh sát Thái Lan tuần tra bảo đảm an ninh trước một cuộc biểu tình tại Tượng đài Dân chủ.
Cảnh sát Thái Lan tuần tra bảo đảm an ninh trước một cuộc biểu tình tại Tượng đài Dân chủ.

Cần nền dân chủ thực sự

“Chúng ta mơ về một chế độ quân chủ cùng tồn tại với nền dân chủ. Chúng ta phải đạt được điều này trong thế hệ của mình”, Anon Nampa, một luật sư nhân quyền và nhà hoạt động nổi tiếng phát biểu hôm 16/8 tại Bangkok trong một cuộc biểu tình lớn nhất kể từ cuộc đảo chính năm 2014 ở Thái Lan. Tại đây, hơn 10 nghìn người đã tụ tập xung quanh Tượng đài Dân chủ, được xây dựng để kỷ niệm sự kết thúc của chế độ quân chủ tuyệt đối vào năm 1932.

Các nhóm do sinh viên lãnh đạo đã tổ chức biểu tình hàng ngày trên khắp đất nước kể từ tháng trước, kêu gọi giải tán Quốc hội, viết lại bản Hiến pháp do quân đội soạn thảo và chấm dứt tình trạng quấy rối các nhà hoạt động. Họ cho chính phủ thời hạn tháng 9 để đáp ứng yêu cầu nếu không sẽ thổi bùng ngọn lửa phản đối - một mối đe dọa không hề nhỏ ở một đất nước vốn trải qua nhiều biến động.

Một phần được truyền cảm hứng từ các cuộc biểu tình phi tập trung ở Hồng Kông năm ngoái, sinh viên Thái Lan nói rằng, họ không có lãnh đạo và dựa vào mạng xã hội để tổ chức. Phong trào biểu tình đã lan khắp đất nước, tập hợp các nhóm lại với nhau, từ các nhà hoạt động LGBT đến các nhà bảo vệ môi trường cho đến những người ly khai Hồi giáo Mã Lai ở tận miền nam.

Sinh viên thắp sáng điện thoại của họ tại Tượng đài Dân chủ vào ngày 16/8/2020 tại Bangkok.
Sinh viên thắp sáng điện thoại của họ tại Tượng đài Dân chủ vào ngày 16/8/2020 tại Bangkok.

Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu cấp cao về Thái Lan tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Đây là một nhóm rất hỗn hợp. Nhưng khi bạn tìm hiểu điều gì thúc đẩy tất cả những tiếng nói khác nhau này, điểm mấu chốt là họ tin rằng Thái Lan cần một nền dân chủ thực sự”. Đối với một số người, yêu cầu này có nghĩa là đặt câu hỏi về truyền thống quân chủ của Thái Lan.

Nhà hoạt động sinh viên Panusaya Sithijirawattanakul trong cuộc biểu tình ngày 10/8 cho biết: “Trước đây, đã có những tuyên bố đánh lừa chúng ta khi nói rằng những người sinh ra trong gia đình Hoàng gia là hiện thân của các vị thần và thiên thần.

Với tất cả sự tôn trọng, hãy tự hỏi, bạn có chắc rằng thiên thần hay thần linh có tính cách này không?”. Cô đọc bản tuyên ngôn gồm 10 điểm thúc giục cải cách thể chế hoàng gia, bao gồm thu hồi Luật Phỉ báng hoàng gia hà khắc, cắt giảm ngân sách của chế độ quân chủ và cấm cung điện tham gia hoạt động chính trị.

“Thất vọng với một nền dân chủ và một chính phủ thống trị bởi quân đội được chế độ quân chủ ủng hộ, những người biểu tình trở nên táo bạo một cách nguy hiểm, liều lĩnh đối mặt với các luật lệ hà khắc để tiếng nói của họ được lắng nghe”, Paul Chambers, cố vấn đặc biệt về các vấn đề quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Cộng đồng ASEAN tại Đại học Naresuan của Thái Lan nói.

Tuy nhiên, ngay cả những người đang kiểm tra giới hạn của các truyền thống đầy cấm kỵ cũng phải nhấn mạnh rằng, họ không cố gắng phá bỏ chế độ quân chủ. Một nhóm sinh viên cho biết trong một tuyên bố rằng, bản tuyên ngôn chỉ nhằm mục đích cho phép nhà vua “tiếp tục được người dân tôn trọng trong một nền dân chủ”.

Dòng người đứng trước cung điện Hoàng gia Thái Lan.
Dòng người đứng trước cung điện Hoàng gia Thái Lan. 

Quốc vương không được lòng dân?

Quốc vương hiện tại của Thái Lan, Maha Vajiralongkorn, dành phần lớn thời gian trong năm ở nước ngoài, thỉnh thoảng bay về nước như dự sinh nhật mẹ mình vào tuần trước. Kể từ khi lên ngôi vào năm 2016, sau cái chết của người cha được nhiều người tôn kính, đức vua Vajiralongkorn đã củng cố quyền kiểm soát tài chính và quân sự.

Với những thay đổi trong hiến pháp, ông đã khiến việc cai trị từ nước ngoài trở nên dễ dàng hơn, có được quyền giám sát trực tiếp đối với tài sản Hoàng gia. Crown Property Bureau, một danh mục đầu tư và bất động sản khổng lồ, trước đây do các cơ quan nhà nước quản lý. Mặc dù giá trị ước tính của nó không được công khai, nhưng tài sản của nó chỉ riêng ở thủ đô Bangkok ước tính trị giá 33 tỷ USD.

Vị vua 68 tuổi hoàn toàn trái ngược với cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người trị vì lâu nhất thế giới khi qua đời ở tuổi 88. Được cho là không được lòng dân từ khi còn là Hoàng thái tử và vướng vào một số vụ bê bối, đời tư của vua Vajiralongkorn đã trở thành đề tài ưa thích của các tờ báo lá cải quốc tế, bao gồm những vụ tình ái, từ chối nhận con đẻ và theo các bức điện ngoại giao bị rò rỉ, kể cả việc thăng cấp cho ái phi của ông là Foo-Foo lên chức Thống chế Không quân.

Đại dịch Covid-19 càng làm cho hình ảnh của ông sa sút trong mắt dân chúng. Việc Thái Lan bị phong tỏa đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã sâu sắc và khiến nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch trở nên khô kiệt. Hàng triệu người  đang thất nghiệp trong khi Thái Lan trong tuần này báo cáo tình hình kinh tế suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998.

“Tôi nghĩ Covid-19 và sự suy thoái kinh tế đã làm tăng thêm cảm giác thất vọng trong những người biểu tình. Nhưng tôi nghĩ nó liên quan nhiều hơn đến cách vua Vajiralongkorn đã cư xử với bản thân như thế nào” - Pavin Chachavalpongpun, một học giả Thái Lan sống lưu vong dạy tại Đại học Kyoto, nói.

Trong khi cung điện được nhiều người coi là vẫn tồn tại trên chính trường đầy biến động của đất nước, nó thường đóng một vai trò quan trọng như trọng tài. Kể từ năm 1932, Thái Lan đã trải qua hàng chục cuộc đảo chính thành công, với việc cung điện chính thức chấp thuận mỗi lần thay đổi chính phủ. Năm ngoái, đức vua Vajiralongkorn tán thành nhà lãnh đạo quân đội trở thành nội các của Thủ tướng Prayut Chan-ocha.

Người Thái đi biểu tình trong trạng thái ôn hòa.
Người Thái đi biểu tình trong trạng thái ôn hòa.

Cảnh báo người biểu tình

Trước đó, Thủ tướng Prayut Chan-ocha hứa sẽ khôi phục sự ổn định sau vài năm biến động. Nhưng nhiều người trẻ tuổi coi chính quyền của ông là thất bại trong việc phục hồi nền dân chủ, và thay vào đó cho phép các tướng lĩnh nắm quyền lâu sau cuộc đảo chính năm 2014.

Sau khi cuộc bầu cử năm 2019 bị cản trở bởi những cáo buộc bất thường, tòa án đã giải tán một đảng đối lập được các cử tri trẻ tuổi, tiến bộ ưa chuộng. Cảm thấy bị cản trở trước thùng phiếu, những người biểu tình đòi có một tiếng nói cho tương lai của đất nước đã tràn ra đường phố vào tháng Hai. Nhưng động lực của họ tạm thời bị chặn lại bởi các lệnh cấm bởi Covid-19.

Các nhà hoạt động nói rằng Thái Lan dưới thời ông Prayut được đánh dấu bằng sự trấn áp leo thang. Kể từ cuộc đảo chính sáu năm trước, tội phạm máy tính và những hành động phỉ báng hoàng gia được đưa vào luật và mang ra thực thi.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 13/8, Thủ tướng Prayut khẳng định, chính phủ đã bị hạn chế trong việc xử lý tình trạng bất ổn trong mùa hè này. Ông kêu gọi tất cả người dân “hãy nói không với chính trị thù hận và chia rẽ”. Trước đó, ông cảnh báo rằng những người biểu tình đã “đi quá xa” khi họ đề cập đến chủ đề về chế độ quân chủ. Nhưng những cảnh báo của ông đã không ngăn được họ.

Dòng chữ “Why Do We Need A King” ngày càng phổ biến trên Twitter được chiếu trên Tượng đài Dân chủ. Trong các bức ảnh liên quan đến sự kiện, người ta đã nhìn thấy những tấm biển với nội dung “Chúng ta cần có nền dân chủ thực sự” và “Đừng giả vờ rằng đây vẫn là một chế độ quân chủ lập hiến”.

Ba người nổi tiếng đã bị bắt và sau đó được tại ngoại vì liên quan đến các cuộc biểu tình gần đây. Hai người trong số họ, luật sư Anon và nhà hoạt động sinh viên Parit “Penguin” Chiwarak, cũng phải đối mặt với những cáo buộc liên quan tới Luật Phỉ báng hoàng gia.

Cảnh sát đã ban hành lệnh bắt giữ mới đối với sáu người biểu tình, bao gồm cả Anon và Panusaya. Họ sẽ bị buộc tội “dụ dỗ, tội phạm máy tính, vi phạm đạo luật kiểm soát dịch bệnh và sử dụng loa phóng thanh”, chỉ huy cảnh sát tỉnh Pathum Thani, Chayut Marayat nói với AFP.

Các cuộc biểu tình trước đó của Thái Lan đã bị dập tắt bằng vũ lực. Một số nhà quan sát lo ngại lịch sử sẽ lặp lại. Tổng tư lệnh quân đội quyền lực của Thái Lan Apirat Kongsompong lên tiếng chống lại “những kẻ thù ghét quốc gia”, trong một bài phát biểu vào đầu tháng này. Ông cho biết: “Covid-19 có thể được chữa khỏi, nhưng điều không thể chữa khỏi là những kẻ thù ghét đất nước. Bởi vì họ tiếp tục chế nhạo đất nước này”.
Theo Time

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).