Đổi giờ làm việc, nhiều ý kiến trái chiều

GD&TĐ - Bộ LĐ,TB&XH đang hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), xin ý kiến nhân dân, các Bộ, ngành và chuyên gia để trình Quốc hội. Trong đó, vấn đề thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đang nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Giờ làm việc của nhiều tỉnh miền núi thường bắt đầu lúc 7 giờ sáng
Giờ làm việc của nhiều tỉnh miền núi thường bắt đầu lúc 7 giờ sáng

Bảo đảm kết nối thống nhất

Trên cơ sở tham vấn ý kiến một số chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ, nhà quản lý, công chức và NLĐ làm việc trong các cơ quan Nhà nước, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, NLĐ trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Cụ thể, phương án 1, bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định: Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để bảo đảm liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia. Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên thực tế đang xảy ra tình trạng thiếu sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan Trung ương và địa phương. Các cơ quan Trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương giờ làm việc mùa hè phổ biến là buổi sáng từ 7 giờ 00 đến 11 giờ 30; buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 00; mùa đông phổ biến là buổi sáng từ 7 giờ 30 đến 12 giờ 00; buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 00. Giờ làm việc tại Thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau.

Việc áp dụng khung giờ làm việc hiện nay được cho là chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương cũng như chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Ý kiến người trong cuộc

Chia sẻ ý kiến về thời gian làm việc, ông Lý Minh Dương, giảng viên Trường ĐH Thủy Lợi cho biết: Giờ giảng dạy của nhà trường bắt đầu từ 7 giờ sáng và buổi chiều, tiết học sau cùng sẽ kết thúc vào lúc 18 giờ 20. Như vậy, nếu đến 8 giờ 30 mới bắt đầu học thì đã bị chậm mất 2 tiết học, thời gian đào tạo bị xô lệch và kéo dài do không đủ giờ dạy và nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác. Đối với ngành GD-ĐT, thời gian làm việc như hiện nay mới có thể bảo đảm được chương trình đào tạo.

Hiện nay, việc quyết định thời điểm bắt đầu làm việc của doanh nghiệp do doanh nghiệp quyết định; của cơ quan hành chính do người đứng đầu cơ quan quyết định đúng theo thẩm quyền lãnh đạo, điều hành quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Có cùng quan điểm, chị Bế Thị Lương, công nhân Công ty Điện lực Cao Bằng cho biết: Hiện nay, giờ làm việc của công ty giờ mùa hè bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ. Khi được hỏi về việc nếu chuyển giờ bắt đầu làm việc từ 8 giờ 30 thì chị Lương cho rằng như vậy thì quá muộn, khi đó trời đã nắng nóng, ảnh hưởng đến năng suất và sức khỏe của NLĐ, đặc biệt không phù hợp với công việc những công nhân tại hiện trường. Vì vậy, giờ làm như hiện nay là hợp lý hơn.

Trao đổi về quy định thời gian làm việc, nhiều ý kiến khác cho rằng phải căn cứ vào điều kiện thực tế địa phương cũng như các yếu tố khách quan về thời tiết, khí hậu. Chẳng hạn, khu vực miền Nam trời nắng nóng nên giờ làm việc cần sớm hơn, trong khi khu vực miền Bắc, vào mùa đông khí hậu lạnh giá thì nên điều chỉnh muộn hơn. Bên cạnh đó, giờ làm việc cũng cần căn cứ vào môi trường làm việc ở thành thị hay nông thôn, tính chất công việc của mỗi ngành... Trong nền kinh tế mở gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, con người phát triển rất nhiều hình thức làm việc, trong đó đều chú trọng vào hiệu quả và năng suất công việc, vì vậy quy định này không nhất thiết phải đưa vào luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.