(GD&TĐ) - Nếu bạn đọc với tốc độ nhanh cũng phải mất nhiều ngày mới xong gần 900 trang sách. Văn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thư thả, không vội được. Vì không gian thong thả lắm- Đội gạo lên chùa có gì mà vội.
Sau khi cắt gọt hơn 100 trang, còn 866 trang sách, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết trong 4 năm, viết và sửa chữa tới 5 lần. Chỉ riêng đọc bản thảo viết tay chữ nghĩa thẳng thớm, chân phương hơn 900 trang giấy của ông, biên tập viên Thanh Bình nhà XBPN cũng gật đầu thừa nhận: đọc nhiều lần để góp ý với tác giả sửa chữa cũng thấm mệt, đừng nói gì người viết ở tuổi 79. Nhưng, tiểu thuyết gia Nguyễn Xuân Khánh 79 tuổi từng nổi tiếng với Hồ Quý Ly, Mẫu Thuợng Ngàn, và hàng chục đầu sách dịch khác lại mới trình làng một quyển sách hay. Ông viết giản dị và lôi cuốn- Đội Gạo lên chùa.
Đó là một ngôi chùa ở làng Sọ, đích thị vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Trải qua hai cuộc chiến, những nhân vật đi cùng lịch sử của làng Sọ là những con người theo đạo phật,chỉ quen với ao quê, ruộng vườn, chân lấm tay bùn. Họ sống thuần phác. Nếu không có trận càn. Phía sau trận càn là những số phận phiêu diêu, những số phận của vị sư Vô Úy, của trò An, mà khi cuối sách nhân vật mới nhận ra “nhưng bây giờ tôi mới hiểu sống như vậy thật khó, và hiểu sống như vậy mới gần được đạo”.
Nhà Văn Nguyễn Xuân Khánh thời trẻ từng đi bộ đội, ông đi qua rất nhiều làng quê, nhưng làng Sọ trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, nhà văn rất dụng công và tài hoa, ông mô tả mùa rơm vàng, khi gấp sách lại rồi bạn đọc vẫn muốn giở sách ra xem lại. Một mùa hoa dẻ luôn vướng vào trong tâm khảm người đọc. Hình như đó là quê hương bản quán của ta chứ không phải chỉ có làng Sọ trong Đội gạo lên chùa. Hãy xem ông tả rơm “…rơm phơi trên đầu những bức tường đất thậm chí cả trên những mái nhà. Một thế giới rơm vàng thơm nức…’’ bất kỳ ai là nông dân hoặc chỉ là dân nghèo thành thị đọc văn của ông cũng mê đường quê vào mùa gặt. Ông tả thư thả như một họa sỹ chuyên vẽ tranh thiên nhiên. Nhưng trong thiên nhiên lại có cả âm nhạc của gió và nắng hanh. Quê hương thật đặc biệt trong mỗi nhân vật từ cậu bé An, đến nhân vật Rêu đều được ông dụng công xây dựng rất kỹ. Nhiều số phận ẩn hiện trong đối thoại,thấy rõ hàm ý của nhà văn, thấy rõ ông am hiểu văn hóa phật giáo. Có những trang sách vừa khơi gợi vừa để người đọc nghĩ ngợi thêm về phận người đau khổ trên thế gian nhưng theo cách lý giải của nhà phật thì như sư Vô Úy nói với trò: “có nghiệp thì phải trả. Trả xong, thầy sẽ về với con”. Khi tả về cái chết của nhân vật Rêu mà cái chết của cô gái trong sáng này khó chấp nhận cuộc sống trớ trêu cạm bẫy, đầy rẫy kẻ ác; những kẻ mạnh tay vẫn nhởn nhơ sống vô nhân tính trên cõi dương gian. Rũ bụi và ra đi như Rêu ở thời đất nước chưa thống nhất thì dễ hiểu,hơp lý và đó là cái chết tiếc nuối cái chết còn để lại sự sáng trong mãi còn. Nhưngngười viết còn hướng tới bạn đọc và cuộc sống trong tương lai sáng sủa hơn hy vọng hơn. Nhân vật An gần cuối sách, An thật khó mà để tóc dài lấy vợ. Người đọc sống với nhân vật Đội gạo lên chùa, với những người phụ nữ mà Nguyễn Xuân Khánh miêu tả thật kỹ, thật trân trọng và yêu quý nhưnhân vật Nguyệt, em Rêu, vãi Thầm, cái Huệ. Dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ thì người phụ nữ trong Đội gạo lên chùa thật sự là người phụ nữ điển hình của chịu thương chịu khó, sống vì gia đình, quê hương mà không nói to tát bao giờ .
Đội gạo lên chùa được mô tả thật kỹ, người viết am hiểu về chùa chiền, chọn một ngôi chùa làng Sọ để nói về nhiều phận người. Có những số phận trôi dạt được sư cụ trong chùa cứu độ và giác ngộ làm người.Và làm cách mạng giải phóng quê hương xứ xở. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết mở, chứ không khép lại những số phận tuổi trẻ, họ đi theo đạo phật và làm cách mạng . Nhiều nhân vật còn đọng lại sau những trang sách
Viết kỹ và công phu về một làng quê êm đềm, thơ mộng và khát vọng hòa bình. Người đọc cũng chưa muổn rời trang sách khi hình ảnh con đom đóm chẳng ai thắp trên mình nó mà đom đóm vẫn cháy sáng...“Kiếp nhân sinh là con đom đóm”. Vẫn biết phận người nhỏ bé mong manh như con đom đóm. “nhưng dù sao cũng là ánh sáng”. Bạn hãy đọc xem những số phận ánh sáng ấy lụi tàn ra sao, rực cháy ra sao, nếu có trên tay Đội gạo lên chùa.
*sách phát hành quý 2 /2011 - Nhà xb phụ nữ.
* bán tại 39 Hàng Chuối Hà Nội/giá 160.000đ
TPHCM: 16 Alexandre De Rhodes, quận 1.
Hoàng Việt Hằng