Đây là quốc gia Đông Nam Á thứ ba quyết định dời đô trong những năm gần đây.
Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa cho biết, thủ đô mới Nusantara của nước này sẽ đóng vai trò là trung tâm, biểu tượng cho bản sắc quốc gia cũng như một trung tâm kinh tế mới bên cạnh trung tâm Jakarta đã giữ vai trò này kể từ khi đất nước độc lập. Dự luật về việc dời đô do Quốc hội Indonesia phê chuẩn cũng cho biết đây sẽ là chương trình hành động ưu tiên của quốc gia trong 10 năm tới.
Điều này có nghĩa việc xây dựng và di chuyển thủ đô mới của Indonesia sẽ được hoàn tất trong một thập kỷ. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đang kỳ vọng thủ đô mới sẽ trở thành một “siêu trung tâm” thân thiện với môi trường, có tỷ lệ phát thải carbon thấp để có thể hỗ trợ phát triển tốt cho các ngành như dược phẩm, y tế và công nghệ, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững bên ngoài đảo Java.
Tên thủ đô mới của Indonesia là Nusantara, một từ cổ trong ngôn ngữ bản địa Indonesia được dùng để chỉ toàn bộ quần đảo này nói chung. Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người nỗ lực cho kế hoạch thay đổi thủ đô cũng chính là người đã đề xuất ra tên gọi này. Thủ đô mới Nusantara được quy hoạch có diện tích 561,8 km vuông, cách thủ đô hiện tại là Jakarta khoảng 2.000 km về phía Đông Bắc.
Về mặt hành chính, thủ đô mới Nusantara sẽ có chính quyền trực thuộc trung ương như 34 tỉnh của Indonesia, trong khi đó thủ đô hiện nay là Jakarta sẽ vẫn tiếp tục là trung tâm về tài chính và thương mại của đất nước. Người đứng đầu thủ đô mới Nusantara sẽ được bổ nhiệm trong vòng hai tháng kể từ khi Dự luật được thông qua ngày 18/1.
Cũng theo Dự luật này, các đại sứ quán nước ngoài và đại diện của các tổ chức quốc tế tại Jakarta hiện nay được kỳ vọng sẽ cùng di chuyển tới thủ đô mới Nusantara trong vòng 10 năm kể từ khi việc chuyển đổi có hiệu lực và chính phủ Indonesia sẽ chịu trách nhiệm cung cấp đất cho các cơ quan nước ngoài này.
Việc dời đô khỏi Jakarta đã được Indonesia đặt ra từ nhiều năm trước do các vấn đề như ô nhiễm môi trường không khí, lũ lụt và tắc đường trầm trọng kéo dài. Nhiều đời tổng thống Indonesia đã đặt ra vấn đề này nhưng chưa có ai thực hiện được cho tới khi Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền. Kế hoạch dời đô này dự kiến được phê chuẩn vào năm 2019, tuy nhiên đã bị trì hoãn tiến độ do đại dịch Covid-19 bùng phát.
Siêu dự án dời đô của Indonesia ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 32,5 tỷ USD và con số này vẫn chưa được cập nhật kể từ khi đại dịch bắt đầu. Với việc chính thức phê chuẩn, Indonesia trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ ba thay đổi thủ đô của mình sau Malaysia và Myanmar trong lịch sử hiện đại, cụ thể là trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây.
Trước đó, Malaysia đã di dời tất cả các cơ quan chính phủ tới một thủ đô hành chính mới mang tên Putrajaya vào năm 2003, nằm ở ngoại ô Kuala Lumpur để tránh tình trạng tắc đường và chật chội.
Trong khi đó, thủ đô mới của Myanmar mang tên Naypyidaw (theo tiếng Burma có nghĩa là nơi ở của các vị vua) được chính thức chuyển đổi vào tháng 3/2006, nằm cách thủ đô cũ Yangoon khoảng 320 km về phía Bắc và có diện tích 7.054 km vuông.