(GD&TĐ) – Những công nhân cảm tử vật lộn với việc đưa những lò phản ứng vào tầm kiểm soát tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại do động đất và sóng thần, sắp qua đời vì nhiễm phóng xạ - người mẹ của một trong những người lính cảm tử cho biết.
Được gọi là Fukushima 50, nhóm công nhân này gồm 300 kỹ sư, binh lính, lính cứu hỏa làm việc theo 50 ca, họ liên tục phải tiếp xúc với mức độ phóng xạ rất cao khi cố gắng ngăn chặn một thảm họa hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi - tâm điểm chú ý của cả thế giới trong thời gian qua - sau thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản |
Người mẹ của một trong những người thuộc Fukushima 50 thừa nhận rằng nhóm đã thảo luận về tình hình của mình và đã chấp nhận rằng cái chết là một khả năng sẽ xảy ra.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết thế giới cần các tiêu chuẩn an toàn quốc tế về điện hạt nhân vào cuối năm nay do lo ngại mức độ rò rỉ phóng xạ ở Nhật Bản tiếp tục tăng lên.
Hôm qua (31.3), Nhật Bản tiếp tục vật lộn để giành quyền điều khiển hệ thống làm mát trọng yếu tại 4 lò phản ứng bị hỏng của nhà máy điện Fukushima. Nỗi sợ hãi về nguy cơ rò rỉ phóng xạ ở phía đông bắc Nhật Bản đã tăng lên sau khi chất iodine được tìm thấy ở vùng nước biển gần đó đã cao gấp 4.385 lần so với mức giới hạn. Mức nhiễm phóng xạ trong nước ngầm bên dưới lò phản ứng số 2 đã đo được cap gấp 10.000 lần so với mức chính phủ cho phép.
Thành viên của đội Fukushima 50 đang làm việc |
Cơ quan năng lượng nguyên tử IAEA nói rằng giới hạn phóng xạ an toàn đã bay xa 46km và thúc giục chính phủ Nhật xem lại khu vực sơ tán nhân dân. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Naoto Kan cho biết hiện chưa có kế hoạch mở rộng vùng sơ tán so với bán kính 22km hiện tại, làm ảnh hưởng tới 70.000 người dân. Có một chính sách “ở trong nhà” cho 130.000 người nữa đang sống ở cách đó 35km.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng yêu cầu các đối tác thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới không “phản ứng thái quá” khi giới hạn nhập khẩu thực phẩm một cách không cần thiết.
Đã gần 3 tuần trôi qua kể từ sau thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra khiến 27.000 người thiệt mạng hoặc mất tính, làm 2,5 triệu người lâm vào cảnh vô gia cư và làm hỏng nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Được cho là thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất, chính phủ Nhật ước tính cần khoản quỹ khẩn cấp 75 tỉ bảng để cứu hộ và tái thiết.
Phương Hà (Theo Telegraph)