Dốc sức hỗ trợ trò vùng khó ôn thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Không chỉ dành nguồn lực để hỗ trợ HS lớp 12 tăng tốc ôn tập, các trường vùng khó còn sử dụng nhiều phương pháp giúp trò tránh nguy cơ trượt tốt nghiệp.

Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai) ôn tập buổi tối có sự hướng dẫn của thầy cô. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai) ôn tập buổi tối có sự hướng dẫn của thầy cô. Ảnh: NTCC

Tăng tiết dạy các môn thi tốt nghiệp

Thời điểm này, thầy và trò Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Đăk G’long (Đăk G’long, Đắk Nông) tăng tốc ôn luyện, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ngoài bám sát hướng dẫn của Bộ/sở GD&ĐT, nhà trường còn đưa ra nhiều giải pháp ôn tập để phù hợp năng lực học sinh. Đặc biệt, đối với học sinh yếu, sớm phân công giáo viên bộ môn sắp xếp thời gian ôn luyện vào buổi tối nhằm cải thiện năng lực, nắm vững kiến thức cơ bản trước khi bước vào kỳ thi.

Cô Lê Thị Anh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hơn 90% học sinh người dân tộc thiểu số, đầu vào không cao, một số em nhận thức chậm. Do vậy, từ đầu năm học, chúng tôi đã tăng tiết dạy các môn thi tốt nghiệp; tư vấn cho học sinh phương pháp học đồng thời phân loại để có cách dạy hiệu quả. Cùng đó, nhà trường tổ chức các đợt thi thử để đánh giá tình hình học tập của học sinh, trên cơ sở đó điều chỉnh phương pháp, thời lượng giảng dạy cho phù hợp”.

Với đặc thù đa số học sinh dân tộc thiểu số, gia đình nông dân, nhiều em phải ở trọ đi học, không có điều kiện học thêm nên Trường THPT số 1 Bắc Hà (Bắc Hà, Lào Cai) dồn toàn lực để hỗ trợ học trò cuối cấp. Theo đó, buổi sáng, học sinh học chính khoá; buổi chiều thầy cô dạy ôn thi tốt nghiệp, luyện đề, hướng dẫn kỹ năng làm bài thi. Buổi tối, các em tự ôn bài dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Khánh Chi: “Để thuận lợi cho công tác ôn tập, chúng tôi vận động học sinh ở trọ, nhà gần trường buổi tối vào trường cùng học với các bạn bán trú. Theo đó, hằng tuần, học sinh học từ tối thứ 2 đến hết tối thứ 6; mỗi buổi trường phân công 3 thầy cô hướng dẫn. Học sinh căn cứ vào thời khoá biểu để chủ động đến lớp”.

Thời điểm này, nhà trường gấp rút hoàn thành chương trình, từ tháng 4 học sinh sẽ ôn tổng hợp lại kiến thức. Tháng 5, các em bắt đầu luyện đề đến ngày diễn ra kỳ thi. Để công tác ôn thi hiệu quả, Trường THPT số 1 Bắc Hà phân loại học sinh theo nhóm ôn thi đại học và tốt nghiệp để có mức độ giảng dạy phù hợp.

“Với nhóm ôn thi đại học, chương trình sẽ nâng cao, độ khó bài tập cũng tăng dần giúp học sinh có được điểm tốt. Nhóm thí sinh thi tốt nghiệp, nhà trường giúp các em nắm chắc kiến thức cơ bản.

Những học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp, trường thành lập lớp học riêng với từng môn để trò tham gia vào buổi chiều thứ 6 và thứ 7. Từ tháng 5 đến khi diễn ra kỳ thi, hằng ngày, thầy cô sẽ dành 1 giờ (từ 10 giờ 30 phút – 11 giờ 30 phút) để ôn luyện cho nhóm học sinh này”, cô Khánh Chi cho biết thêm.

Tiết học của cô trò Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Đăk G’long. Ảnh NTCC

Tiết học của cô trò Trường PTDTNT THCS & THPT huyện Đăk G’long. Ảnh NTCC

Tiếp sức thầy trò vùng khó

Để hỗ trợ học sinh lớp 12, đặc biệt học trò các trường vùng khó ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các trường chia học sinh theo nhóm năng lực, nguyện vọng ôn tập để có phương án, kế hoạch giảng dạy nhằm đạt hiệu quả tốt. Đồng thời, sở điều động giáo viên các trường vùng thuận lợi hỗ trợ thầy cô trường THPT vùng khó, trung tâm GDNN-GDTX, trường DTNT THCS – THPT ở huyện ôn tập; ôn miễn phí cho học sinh khó khăn.

Ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn, kiểm tra kế hoạch ôn tập của các trường theo 3 vòng. Theo đó, vòng 1 dạy đến đâu ôn cuốn chiếu đến đó; vòng 2 ôn tổng hợp và làm đề; vòng 3 luyện đề. Hiện toàn tỉnh bước vào vòng 2. Giai đoạn này, chúng tôi đề nghị các trường đánh giá năng lực để phân chia nhóm học sinh giảng dạy”.

Cùng với học trực tiếp, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn duy trì ôn luyện trực tuyến để học sinh có thể học lại những kiến thức bị hổng. Trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn mời chuyên gia từ Bộ GD&ĐT, các trường đại học về hướng dẫn, tập huấn phương pháp ôn tập cho giáo viên giảng dạy khối 12. “Mong rằng sự chuẩn bị kỹ càng từ sở, trường, thầy cô… sẽ giúp học sinh đạt kết quả cao, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng như mong muốn”, ông Hoàng Quốc Tuấn chia sẻ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh dự kiến có khoảng 9 nghìn thí sinh tham dự, trong đó tỷ lệ thí sinh người dân tộc thiểu số tham dự kỳ thi chiếm 30 - 32%. Hiện, các trường học trên toàn tỉnh Trà Vinh nỗ lực, tập trung cao độ để ôn luyện. Ông Thạch Tha Lai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết: “Đầu năm học, chúng tôi đã định hướng, tổ chức nội dung ôn tập cho thầy và trò các trường. Đặc biệt, chỉ đạo lãnh đạo nhà trường quan tâm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số và có giải pháp hỗ trợ cụ thể”.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ tháng 4, các trường tăng số tiết luyện đề, ôn tập lại kiến thức những tổ hợp mà học sinh dự kiến xét tuyển cao đẳng, đại học. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Trà Vinh tiến hành phân loại học sinh để dạy. Những em có học lực khá giỏi được tư vấn, định hướng để nâng cao kiến thức, xét tuyển đại học. Học sinh năng lực trung bình, các trường sẽ tập trung ôn kiến thức cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu thi tốt nghiệp THPT.

“Chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ học sinh lớp 12 ôn luyện. Đồng thời, lưu ý các trường DTNT quan tâm đến sức khỏe tinh thần để học trò yên tâm học tập; bữa ăn hàng ngày phải đủ chất dinh dưỡng giúp học trò có sức khoẻ ôn luyện trong giai đoạn quan trọng này”, ông Thạch Tha Lai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.