Đọc "Về miền gái đẹp" của Đỗ Hữu Lực

Đọc "Về miền gái đẹp" của Đỗ Hữu Lực

(GD&TĐ) - Hành trình của người viết luôn là hành trình đi tìm cái đẹp, cái thực trong cõi nhân sinh để trưng ra những ý tưởng, những mơ ước về một điều bình dị, một đổi thay để cuộc sống đẹp hơn, con người nhân văn hơn. Đọc thiên phóng sự- ký sự “Về miền gái đẹp” của Đỗ Hữu Lực vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành vào  tháng 8/2011 này đã mang lại một sự mới mẻ nhẹ nhàng trong tư duy và cảm nhận về tình đời nhân thế.

Đọc 37 phóng ký sự là từng ấy câu chuyện chứa đầy nỗi niềm đau đáu của tác giả về những con người, những cảnh ngộ, những miền đất,…mà tác giả đã có thời gian trải nghiệm và dày công tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Có thể thấy, cuốn sách được thiết kế trang nhã, nội dung phong phú, hấp dẫn và đẹp như chính tên gọi “về miền gái đẹp”, đưa độc giả đến những câu chuyện, tiếp cận với những người thực việc thực sống động, hồn nhiên. Đỗ Hữu Lực dường như có biệt tài về khắc họa chân dung nhân vật bằng ngôn ngữ hình ảnh, phong cách báo chí qua cách anh chọn đề tài, viết tít, tiếp cận nhân vật và kết húc chuyện.

Từ những con người bình dân, giản dị như ông Oanh, chị Vinh, chị Sen (Bốn cánh tay chèo trống với đời), ông Hạnh (Đội cứu hộ “trên bến nghĩa tình”), ông Tiến (Buôn chó xuyên quốc gia) đến những người nổi tiếng như ông Lê Ngọc Ninh (Tiến sĩ rác), thần bài Phạm Văn Dục (“Thần bài” cuối cùng của nhà Vương), bí thư Kim Ngọc (Ông khoán hộ),…tất cả đều hiện lên chân thật và sống động. Bạn đọc cũng phát hiện ra cài duyên của Đỗ Hữu Lực thật hóm trong cách dẫn, đưa đẩy câu chuyện, dường như anh cứ để nhân vật “ngôn” trực tiếp với người đọc, thỉnh thoảng có “đò đưa” câu chuyện để tạo không khí, thêm dư vị, hấp dẫn bạn đọc.

Anh có sở trường viết về những người nổi tiếng, làm những công việc “khác người” có số phận không bằng phẳng, kiểu như: một thầy giáo bị trù dập vẫn cố gắng vươn lên khẳng định mình, một lâm tặc hối hận trả nợ rừng, hay ông “Khoán hộ” nổi tiếng,… Anh đã phát hiện ra bản lĩnh và trí tuệ ở những con người này, bản lĩnh không chịu chấp nhận hiện thực, luôn vượt lên hoàn cảnh và một trí ruệ, một cái tâm trong sáng luôn hướng tới cái đẹp, làm điều tốt cho xã hội.

 
Bìa sách

Đọc sách, độc giả lần theo bước chân phiêu du cùng tác giả không chỉ “về miền gái đẹp” mà được qua nhiều nơi, từ khe Dâng heo hút nơi Phú Thọ đến`Cô Tô đảo vắng bóng người, từ Vân đồn, cảng vắng điêu tàn đến cao nguyên đá Hà Giang, rồi phiêu du sang cả đất đại lục mênh mông để trò chuyện với người Kinh tộc lo giữ hồn Việt,…Phải thừa nhận, tác giả đi nhiều, nhiệt tâm với nghề báo, nhưng đi nhiều và dù có nhiệt tâm, nếu như trong anh không có cái “chất” phiêu lưu, lãng tử, đặc biệt trong anh không có “khiếu” văn chuẩn mực, đĩnh đạc, cẩn trọng được rèn rũa từ khi còn là anh giáo làng thì cũng khó cho anh lắm khi viết mà như đánh đu với con chữ, với sự kiện, nhân vật.

Cuốn sách hấp dẫn bạn đọc từ lời “giới thiệu” của Binh Nguyên về tác giả, về quá trình vươn lên để vượt xa hơn những giới hạn chật hẹp của đơn vị công tác, của tư duy manh mún,…để tác giả khẳng định bản thân và định danh văn nghiệp. Theo dấu chân tác giả phiêu du qua các miền đất là những câu chuyện đưa bạn đọc đến những cung bậc tình cảm khác nhau, buồn thương cho những cảnh đời (Mất tuổi thanh xuân đi tìm công lý, Bốn cánh tay chèo trống cuộc đời), ngưỡng mộ, khâm phục (Người thầy trong khe núi, Lâm tặc trả nợ rừng, Thầy giáo thợ cày, Mối tình Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang qua lời kể của người em út, Người chép sử Việt trên đất trung Hoa, Ông khoán hộ), hài hước mà đầy ngậm ngùi tiếc nuối (Vè sĩ Bút tre, Người mở tiệc nắng giữa đời).

Viết về cái lạ mà đẹp, thấm đẫm chất nhân văn trong tác phẩm báo chí thật rất khó bởi những quy chuẩn về hạn hẹp dung lượng con chữ, về chức năng đặc thù của báo khó cho phép người viết nhấn nha, dông dài cà kê. Nên đọc những phóng ký sự này, ta thấy đầy ắp những sự kiện, ngôn từ chắt lọc, đầy hình ảnh và dư ba cảm xúc. Viết báo mà như thế thật tinh tế, lôi cuốn người đọc, nhưng cũng thật khó thay, là chướng vật đo tốc độ của tư duy và khả năng của người viết, thử thách bút lực người viết.

Gấp cuốn sách lại, tôi vẫn miên man với dòng suy tưởng về những câu chuyện có thực mà Đỗ Hữu Lực đã kể có pha nhiều tiếc nuối về sự thiếu hoàn thiện, kết thúc nhiều khi không có hậu. Cũng phải thôi, báo chí là nêu sự kiện mà, sự kiện dù có chua chát, đau đớn như dao cứa lòng cũng đành chấp nhận, đôi khi điều đó cũng tốt cho độc giả, đặng mong chờ một kiến giải hợp lý. Tôi tin, Đỗ Hữu lực sẽ còn đi xa hơn nữa, đến những miền đất lạ, gặp nhiều chuyện, nhiều người cần viết hơn nữa, bởi trong anh vẫn còn nhiều lắm những khao khát, những ước mơ khám phá, chinh phục, trải nghiệm và hiến dâng cho nghiệp viết, như ánh mắt nhìn xa xăm, đắm đuối của anh trong ảnh trên trang bìa sách.

Đỗ Tiến Sỹ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ