1. Từng bước, từng bước, cơ bắp nổi vồng cuồn cuộn, da nâu, da đen, da vàng lung linh bốc khói. Đuôi quật trái, quật phải, quyết chiến không ngừng cùng lũ mòng bé mòng to à à bay theo chực kiếm chác trên lưng.
Những tấm lưng gầy trơ, đếm đủ mười hai đôi xương sườn đang co duỗi nhịp nhàng, đồng bộ cùng chuyển động của những hàng đốt sống gồ cao, oặn oẹo như con rắn to vặn mình trườn lên đỉnh dốc.
Dốc dài, cao. Trên ngó xuống hẳm sằm, dưới ngước lên trật ót! Vậy nhưng bầy bò nối đuôi nhau sắp hàng một cũng đủ rồng rắn vắt xuôi quá phần ba.
Ông Hưng đang đưa “trung đội” của mình vượt dốc hòn Ngang; con dốc lừng danh trong pho du kí… khẩu truyền của dân sơn tràng làm ăn xuôi ngược khu Tam Sơn. Dài, cao đã đành; nhưng khiếp nhất là nhiều đoạn tức ngược đến 40 - 45 độ.
Lên phải huy động cả tay lẫn chân mà bíu, mà đu, mà trèo chẳng khác khỉ trèo cây. Xuống cũng phải dọ dẫm từng bước một, ngoài chân tay còn phải hỗ trợ thêm… cái mông, trườn lết như con tắc kè! Chẳng trách nó được gọi bằng một cái tên nôm na mà y chang cấm trật: Dốc Lết!
Nói chuyện bò lết, người thì còn khả dĩ chứ bò thì sao có thể? Bò không thể bò, ấy là điều chắc chắn, cho dù ai cũng biết trên đỉnh hòn Ngang là một lòng chảo mênh mông có con suối chảy ngang bốn bề mươn mướt cỏ xanh. Ai cũng biết, bò được nuôi bằng cỏ ấy thì chẳng khác chi cắm ống thổi, chẳng mấy chốc mà hốt bạc! Vấn đề ở chỗ không lẽ… thuê trực thăng mà cõng bò?
Không ai điên đến mức thuê trực thăng đi cõng bò. Ông Hưng cũng vậy. Nhưng ông không phải loại người dễ thua cuộc. Kinh nghiệm người lính, khi cần cũng phải biết liều. Trận này, nếu thắng, xem như được cả thế giới, còn thua bất quá mất… cái mạng lính già là cùng!
Nhà bán. Đất bán. Vợ con không có. Không lên đỉnh hòn Ngang đóng chốt với “trung đội” bò của mình còn biết làm gì. Người lính cựu ngót năm mươi tuổi đầu, giỏi đánh giặc hơn kiếm tiền - ông Hưng chậm rãi kể. Lương hưu cựu sĩ quan thương binh cấp úy - gom hết mọi khoản - tháng cũng tròm trèm vài triệu. Thu nhập ấy không quá tệ nhưng hơi… nghèo.
“Tôi không sao. Lính tráng quen rồi. Đời lính chiến ăn bụi ngủ bờ lăn lộn hầm hào đạn bom chết sống đã giúp tôi nhận ra kiếp người còn khối thứ đáng giá gấp mấy bạc tiền. Ấy là cuộc sống, là sức khỏe. Ra khỏi cuộc chiến, rời quân ngũ dẫu chỉ còn chưa đến 70% cơ thể vẹn nguyên, tôi vẫn thấy mình là… tỉ phú nếu đem so với những đồng đội đã ngã xuống...”.
2. Đó là một lộ trình hoàn toàn bản năng. Bằng kinh nghiệm tuổi tác, kinh nghiệm lính chiến, ông Hưng biết khi đã tới điểm dừng của những suy đoán lí trí thì bản năng là cái quyết định.
Ngày còn làm lính trinh sát, bao lần chỉ bằng cái… thính mũi, ông Hưng phát hiện kịp thời lính PolPot bám theo mà không có bất cứ một suy đoán lí trí nào làm cơ sở diễn suy! Đó là một trực giác bản năng. Với lính trinh sát, những bài học sách vở, thao trường sẽ (gần như) vô dụng nếu không có bản năng tốt…
“Con đường máu” đưa “trung đội” lên “chiếm lĩnh” đỉnh hòn Ngang - theo kế hoạch táo bạo của ông Hưng - trông chờ cả vào con Nâu “thiếu úy” cổ leng keng lục lạc. Nâu là một con bò đực lai Sind thế hệ F3 trông vẫn còn dáng.
Gầy có gầy nhưng khung xương cao đến mét rưỡi, cổ bạnh đầu to, sừng vút nhọn cong đều lừng lững như sừng trâu mộng “chiến binh”. Mà đúng “chiến binh” bởi Nâu luôn đi đầu trong các cuộc giao tranh cùng lũ trâu bò khác bầy, chực dở lí kẻ mạnh mà thò cái lưỡi điêu toa toan liếm ẩu vào phần giang sơn xưa giờ vẫn thuộc quyền “trung đội” của Nâu! Không Nâu sẽ không có kế hoạch này.
Con Nâu như một trinh sát. Ông Hưng tin nó. Thắng, nó sẽ đưa được cả đàn lên đỉnh vinh quang. Thua, mình nó trả giá. Có thể bằng cả mạng sống của nó. Đã bảo, đây cũng là cuộc chiến.
Ngày phải gán cả đất, cả nhà đánh đổi quyền làm chủ một đàn bò hai mươi con ốm đói trơ xương với quyết tâm bằng mọi giá phải dựng nghiệp, làm giàu, ông Hưng biết mình đã thực sự bước chân vào một cuộc chiến mới. Nàng bảo, thì ra, cái đầu của anh chỉ tới vậy. Ông Hưng quyết - bằng mọi giá - phải chứng minh cái đầu ông không chỉ tới vậy.
Mày là một người lính, một sĩ quan mà! Chỉ một cái dốc thôi tao với mày sẽ vượt qua. Đâu gì ngăn cản được bước chân những người lính, phải không Nâu? Ông Hưng vụt đứng thẳng người lên, gân cổ hát. Giọng hát người lính cựu tuổi năm mươi, đục khàn đôi chút nhưng vẫn tràn trề khí lực.
Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/ Vực sâu thăm thẳm vực sâu nào bằng chí căm thù… Tiếng hát vang vang, chạy suốt đại ngàn, vọng hang hốc, va vào vách đá tạo nên vô vàn tiếng vọng đa thanh giao nhau tựa một dàn đồng ca đang hợp xướng giữa núi rừng.
Con Nâu lắc mạnh đôi tai, vụt ngẩng cao đầu. Lần đầu tiên nó nghe ông chủ hát! Vụt thu chân thẳng thớm trong một bộ dạng đàng hoàng dường như chẳng chút mệt nhọc, Nâu ta gân cổ kéo những tràng rống dài hơi liên tiếp. Ò.ò..ò... Ò.ò..ò... Tiếng rống của “trung đội trưởng”, giống ông Hưng, nghe cũng đầy khí lực, mắt long lanh…
…Đứng phanh ngực áo trên đỉnh hòn Ngang lộng gió, nhìn cảnh con bò cưng đuôi ve vẩy, cúi đầu soạt lấy soạt để món cỏ thượng đẳng không người chăn nào không mơ, ông Hưng biết mình đã thắng.
3. Nàng trẻ, đẹp. Nàng cũng có những ước mơ hướng thượng, có lòng khát khao, ngưỡng mộ với những người hùng của dân tộc, của đất nước, của một thế hệ. Nàng yêu những người lính, yêu mẫu đàn ông khỏe mạnh, quả cảm, biết phấn đấu, hi sinh vì lí tưởng. Vậy nên nàng chọn tôi.
Ngày tôi từ chiến trường về, nếu trừ đi phần cơ thể 30% thương tật thì - mọi thứ còn lại của tôi - coi cũng chất ra phết. Khỏe, đẹp trai, ăn nói có duyên, tác phong linh hoạt, tự tin, khí chất đàn ông lộ rõ.
Lính mà! Nàng đã nhào vào tôi không chút đắn đo, mặc kệ chuyện chênh lệch tuổi tác đến hơn mười năm, mặc kệ những lời can ngăn từ phía các bà con, thân hữu có óc cẩn trọng và thực tế hơn. Tôi cảm động, rung động trước tấm chân tình mang màu sắc lãng mạn đến lí tưởng của nàng. Tôi cũng là người yêu cái lí tưởng. Chúng tôi thấy mình hợp nhau...
Nàng đang tuổi thanh xuân, có lí tưởng cách mấy, hướng thượng cách mấy cũng không thể nào lánh xa, từ bỏ những khát vọng rất người. Đó là cái khát vọng cho bằng chị bằng em. Khổ nỗi, nàng không bằng cấp chuyên môn, tôi không nghề nghiệp ổn định.
Thu nhập chính cả hai chỉ trông vào lương hưu. Vài triệu bạc lương tháng, tằn tiện chút cũng đủ thu xếp để ăn no mặc ấm. Thêm miếng đất địa phương cho. Thêm căn nhà chính sách. Với tôi, vậy cũng tạm... Nhưng nàng thì không.
Thì ra cái đầu của anh chỉ tới vậy… câu nói ấy buột văng khỏi miệng nàng khi những dồn nén đã lên tới đỉnh điểm. Nó phũ phàng nhưng trung thực. Trung thực tới mức đau đớn! Nó bao hàm trọn gói tất tật những gì nàng nghĩ, nàng muốn…
Quên, trước khi đi, nàng còn quay dặn với một câu: Hãy đem cái bản lĩnh của anh ra kiếm tiền, làm giàu đi! Nàng cười mỉa mai.
4. Tôi đã cất công lặn lội đến tận vùng Tam Sơn heo hút này để tận mắt chứng kiến huyền thoại về người thương binh, khởi nghiệp bằng một đàn bò ốm đói 20 con - đã trở thành “Ông chủ trang trại bò sữa Tam Sơn” giàu có nhất vùng chỉ sau vỏn vẹn 10 năm! Phải, chính cái ông Hưng què, Hưng thọt thương binh.
Cái ông Hưng từng bị vợ bỏ, từng đem cắm cả đất, cả căn nhà tình nghĩa đổi lấy một đàn bò cỏ ốm đói hai mươi con đến đám lái thịt chuyên mua bò phế thải cũng chê! Phải, chính cái ông Hưng trận mạc nhiều nên “điên điên”, nuôi mộng làm giàu bằng cách vượt dốc Lết, đưa bò lên đỉnh hòn Ngang mà chăn thả!
Tam Sơn là tên chữ, chứ dân địa phương vẫn quen gọi bằng cái tên nôm: Trại - bò - Hòn - Ngang! Cơ ngơi trang trại giờ nằm ngay trên cái thiên đường cỏ xanh đỉnh Hòn Ngang. Dốc Lết vẫn còn nhưng có điều giờ không ai phải làm con khỉ vừa đu vừa trèo mới lên đến đỉnh.
Băng qua con dốc Lết ám ảnh thuở nào là hệ thống cáp treo mười lăm phút cho một lượt xuống lên. Chuyển người, chuyển sữa, chuyển cả… bò giống, bê non, máy móc khí tài phục vụ cho cả một dây chuyền chăn nuôi, sản xuất và chế biến sữa qui mô. Cái khí hậu mát mẻ cùng món cỏ thượng đẳng đỉnh Hòn Ngang không ngờ lại thực sự là thiên đường cho con bò sữa trú chân.
***
…Người đàn bà ấy trở về. Xác xơ, tàn tạ nhưng nàng đã trở về. Khép nép, không dám ngồi vào bộ salon hàng nội thất Đài Loan cao cấp bóng gương. Tôi nhìn nàng. Nhìn kinh ngạc, trân trối đến ứa nước mắt…
- Sao em không về sớm hơn?
- Em ngại! Em thấy xấu hổ…
- Xin lỗi em vì tôi cũng đã sai.