Những “ông chủ” cựu chiến binh
Nhiều cựu chiến binh ở tỉnh Quảng Bình tích cực tham gia các phong trào làm kinh tế giỏi góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điển hình như cựu chiến binh Lê Thanh Sơn (63 tuổi), ở thôn Văn La, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh). Rời quân ngũ trở về địa phương với cuộc sống thường ngày, nối tiếp truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Sơn đã quyết tâm phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
“Trở về từ quân ngũ, với điều kiện kinh tế còn khó khăn, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và trăn trở tìm hướng đi để phát triển kinh tế. Thế rồi tôi chọn con đường thành lập công ty xây dựng và vận tải, bởi đây là công việc phù hợp với nghề nghiệp tôi đã được đào tạo trong quân đội.
Với mục đích phát triển kinh tế gia đình, điều mong muốn nữa là tạo được công ăn việc làm cho công nhân, thu hút một số con em cựu chiến binh vào làm, mang lại thu nhập tốt hơn cho họ”, ông Lê Thanh Sơn bộc bạch.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, khi mới lập nghiệp, ông đã vay vốn để mua ô tô tham gia kinh doanh vận tải và có những bước khởi đầu thuận lợi. Năm 2000, ông thành lập Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Xuân Hòa, đẩy mạnh các hoạt động ở lĩnh vực xây dựng dân dụng và các công trình giao thông.
Đến nay, hàng năm công ty của ông Sơn thu về gần 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động, trong đó có nhiều lao động trẻ. Không những làm kinh tế giỏi, nhiều năm ở vị trí Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ở cơ sở, ông Lê Thanh Sơn giúp đỡ nhiều đồng đội phát triển kinh tế hộ, nhiều người thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Tiên phong trên “mặt trận” kinh tế
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình
Tương tự cựu chiến binh Lê Thanh Sơn, năm 1978 rời quân ngũ trở về quê hương, ông Lê Khương, cựu chiến binh xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch qua tìm hiểu, nhận thấy ở nhiều nơi mô hình nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã suy nghĩ và lựa chọn mô hình này để phát triển kinh tế gia đình.
Nói là làm, ông Khương đã xin phép chính quyền địa phương và mạnh dạn bắt tay vào khai phá vùng cát hoang, giá trị kinh tế thấp để xây dựng hồ nuôi tôm. Năm 2001, những hồ nuôi tôm đầu tiên đã được ông Khương xây dựng trên những bãi cát hoang sơ ở xã Nhân Trạch.
“Ban đầu thả nuôi mình gặp thất bại rồi chán nản, nhưng nhờ nghị lực của người lính, nên đã tạo động lực cho bản thân quyết tâm, cố gắng để vượt qua khó khăn. Xác định trong sản xuất sẽ còn gặp nhiều những khó khăn hơn nữa nhưng khó khăn trong chiến đấu mình còn vượt qua được thì từng đó là chưa nhằm nhò gì nên cứ động viên bản thân cố gắng vượt qua và những vụ mùa thành công dần dần đến”, ông Khương chia sẻ.
Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, dần dần ông Khương đã thành công với mô hình nuôi tôm trên cát. Đến nay, hơn 1 ha nuôi tôm mang lại cho ông Khương thu về gần 2 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Hà Văn Phường - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình cho biết, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã góp phần quan trọng, vận động cựu chiến binh đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, động viên nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trên mặt trận mới, các thế hệ cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình cùng nhau phấn đấu, vượt qua khó khăn.
Cũng trong 5 năm qua, từ các phong trào thi đua, hội viên cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình đã giúp nhau, cùng chia sẻ nguồn vốn từ quỹ hội không tính lãi, hoặc lãi suất thấp, hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật, phát triển sản xuất, kinh doanh... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.