Độc đáo trang trại nông nghiệp trên... không

Độc đáo trang trại nông nghiệp trên... không

Nhưng cũng chính tại đây, doanh nghiệp trang trại rau quả sạch đô thị Terre de Monaco xuất hiện. Bằng cách tận dụng các khoảng trống sân thượng, họ cung cấp rau quả sạch cho cả nước. 

Nhỏ nhưng giàu nhất

Công quốc Monaco nằm ở châu Âu và thuộc diện có chỉ số GDP bình quân trên đầu người cao nhất thế giới (thống kê năm 2017 là 166.726 USD/người/năm).

Người dân Monaco cũng có tuổi thọ cao nhất thế giới, 90 tuổi. Bất chấp mật độ dân cư dày nhất hành tinh, 20.370 người/km, tỷ lệ thất nghiệp bằng 0. Đời sống cư dân khá giả đến mức không có người nghèo. Các sòng bạc hợp pháp mở khắp nơi. Du lịch phát triển rầm rộ. Chỉ riêng lợi nhuận từ du lịch và thuế sòng bạc đã chiếm 25% tổng thu nhập quốc nội.

Ngoài 2 nguồn kinh tế trên, Monaco còn thịnh vượng nhờ công nghiệp chế tạo mĩ phẩm, hóa chất, điện tử, đóng tàu, xây dựng... Do tiếp giáp với biển Địa Trung Hải, chiếm một đoạn bờ biển Côte d’Azur có khe vịnh nước sâu, nó luôn la liệt các siêu du thuyền lớn nhỏ cập bờ.

Có điều, quá giàu sang trong khi đất đai eo hẹp cũng lắm bất tiện. Từng mét đất đều bị tận dụng để xây dựng. Gần như toàn bộ diện tích đất liền của Monaco bị bê tông hóa. Những tòa nhà cao tầng liền kề san sát. Làm sao để trồng cây xanh trong thành phố không hở ra khoảng đất trống nào?

Vào năm 2016, người mẫu kiêm cựu vận động viên quần vợt gốc Thụy Điển, Jessica Sbaraglia (31 tuổi) đề xuất dự án làm các trang trại rau quả trên sân thượng.

Cô thành lập doanh nghiệp nông nghiệp đô thị Terre de Monaco, tích cực vận động cư dân Monaco đồng ý mang đất lên sân thượng, biến khoảng trống bê tông trên cao thành vườn rau xanh tốt, cây ăn trái xum xuê.

Những sân thượng màu xanh

Các “trang trại” sân thượng có mặt trên toàn quốc.
Các “trang trại” sân thượng có mặt trên toàn quốc.

“Lúc đầu, ai cũng cười nhạo, bảo rằng dự án của tôi thế nào cũng thất bại”, Sbaraglia nhớ lại. “Tôi biết mình sẽ phải cố gắng hết sức nếu muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người”.

Đầu tiên, Sbaraglia nhiệt tình phân tích thời thế. Cô khẳng định Monaco cũng phải bắt nhịp xu hướng du lịch sinh thái. Mọi người đều cần có ý thức trách nhiệm về môi trường. Ngoài việc có mật độ cư dân đông đúc, Monaco còn thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi ngày. Lượng khí thải liên tục tăng vùn vụt.

Thuận tiện cho Sbaraglia là từ năm 2006, Hoàng thái tử Albert II của Monaco đã quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và khắc phục sự mất mát đa dạng sinh học.

Công quốc Monaco cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 phải thành công giảm thiểu một nửa hiệu ứng nhà kính, và đến năm 2050 là trung hòa khí CO2.

Kế tiếp, Sbaraglia bắt tay vào xây dựng “trang trại nông nghiệp trên không”. 450 m2 sân thượng của khối chung cư dưới bóng Tháp Odéon cao 170m được sử dụng. Cô chia nó thành từng ngăn, trồng đủ các loại rau xanh và cây ăn trái. Luống cà tím, bí xanh nhanh chóng phất ngọn. Những bụi dâu tây, cây mơ trổ bông, đậu trái.

“Tôi được hưởng vô số hương vị tươi mát từ khu vườn”, Sbaraglia hạnh phúc. Tôi muốn mọi người ở Monaco cũng được thưởng thức những rau quả hữu cơ, tự nhiên như thế”.

Từ vườn sân thượng đầu tiên, Sbaraglia mở rộng diện tích. Đến nay, cô có tổng cộng 5 trang trại (bao gồm cả trang trại siêu tí hon dưới mặt đất, chỉ rộng đúng 30 m2), nâng tổng diện tích lên đến 1.600 m2.

“Ngày càng nhiều người hứng thú với ‘trò chơi sinh thái’ của tôi”, Sbaraglia vui vẻ. “Có điều, chưa phải tất cả các mái nhà ở Monaco đã được tận dụng. Vẫn còn những khoảng trống có thể trồng cây”.

Thu hoạch ấn tượng

Với 1.600 m2, Terre de Monaco của Sbaraglia sản xuất 5 tấn rau quả sạch mỗi năm. Cô bán chúng cho các nhà hàng, khách sạn gắn sao Michelin trên khắp công quốc. Belle Époque năm sao là một trong các khách hàng thường xuyên của Terre de Monaco. Mùa nào thức nấy, họ biến rau quả sạch thành những món ngon thượng hạng.

Kỳ thực, Sbaraglia chỉ là một trong nhiều người ở Monaco chung tay góp sức thúc đẩy sự phát triển của công quốc theo hướng bền vững. Dẫu lừng danh là nơi sa hoa, Monaco rất quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Cũng tại đất nước tí hon này, xuất hiện nhiều nhà lãnh đạo đặt tiêu chí “vì một ngày mai xanh” lên hàng đầu. Họ đang bằng mọi cách cân bằng hệ sinh thái, nghiêm ngặt kiểm soát và thực hiện các dự án “xanh”.

Từ trên đất liền đến dưới bến cảng, các quán ăn của Monaco đều sử dụng thực phẩm hữu cơ tươi sống địa phương. Ở đây cũng có khá nhiều tiệm chay, nổi bật nhất là nhà hàng món chay một sao Art Deco.

Các ban công được tận dụng làm không gian trồng cây. Nhiều người đóng góp sức lực và của cải, tái phát triển sườn đồi bị cháy trong nước thành rừng ô liu xanh tốt. Vào ngày quốc tế Rừng hàng năm (21/3), họ lại dạo quanh một vòng kiểm tra.

Tháng 1/2019, lệnh cấm nhựa có hiệu lực. Toàn bộ ống hút, cốc, đĩa, đồ nhựa dùng một lần biến mất khỏi Monaco.

Dưới bờ Côte d’Azur, hoạt động bảo tồn sinh vật được thực hiện nghiêm ngặt. Khách sạn Metropole mở chiến dịch Mr Goodfish, chủ trương chỉ phục vụ các món hải sản tự nhiên bền vững. Hàng năm, Tuần lễ Đại dương Monaco đều đặn tổ chức, thu hút chuyên gia bảo tồn từ khắp thế giới đến thảo luận, tìm kiếm giải pháp. Đất nước siêu nhỏ này cũng có một Bảo tàng Hải dương, nuôi giữ hơn 6.000 mẫu sinh vật biển.

Cũng tại Monaco, giao thông xe điện, hydro rất phổ biến. Điện tái tạo, nước tái sử dụng 100%. Toàn bộ cư dân nghiêm túc với mục tiêu phát triển bền vững, vì một Monaco xanh sạch đẹp hôm nay và cho con cháu mai sau.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.