Tài gieo vần ở một số nhà thơ gần như thiên phú. Với họ vần tự tìm đến chứ không phải nhọc công tìm kiếm. Họ gieo vần như chơi, đặc biệt là ở kiểu thơ độc vận (toàn bài thơ chỉ gieo một vần). Làm thơ độc vận chẳng khác gì làm xiếc trên dây.
Thất ngôn bát cú có thể xem là hình thức sơ khai của thơ độc vận. Về thể thơ này, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là người có cách gieo vần đặc biệt nhất.
Trong số gần 40 bài thơ được người đời truyền tụng của bà thì có đến 5 bài bà sử dụng vần eo để gieo vần. Gieo vần eo rất dễ bị tắc tị bởi số từ có vần eo không nhiều, lại khó gắn kết với nhau. Ấy thế mà trong bài Quán Khánh bà chơi có mỗi vần eo: “Đứng tréo trông theo cảnh hắt heo/Đường đi thiên thẹo, quán cheo leo/Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác/Xỏ kẽ kèo tre đốt ngẳng ngheo/ Ba chục cây xanh hình uốn éo/Một dòng nước biếc cảnh leo teo/Thú vui quên cả niềm lo cũ/Kìa cái diều ai nó lộn lèo!”. Toàn bài 54 tiếng thì có đến 13 tiếng vần eo.
Thông thường thơ thất ngôn bát cú những tiếng cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 hiệp vần với nhau nhưng ở Quán Khách nữ sĩ đưa luôn vần eo vào tiếng cuối câu thứ 5. Riêng câu 1 và 2, mỗi câu có đến 3 tiếng vần eo. Thành thử đọc lên ta như nghe toàn vần eo, tạo ra một âm điệu hết sức đặc biệt.
Sau này, cụ Nguyễn Khuyến cũng có gieo vần eo trong 1-2 bài nhưng gieo vần eo theo kiểu Quán Khánh của Hồ Xuân Hương thì quả là độc nhất vô nhị.
Thơ thất ngôn bát cú chỉ cần tìm được bốn tiếng cùng vần là đủ, còn thể phú, văn tế, thơ trường thiên phải huy động rất nhiều tiếng cùng vần.
Ở thể loại văn tế, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một trong những người lập kỷ lục về cách gieo độc vận. Cả bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ngót 30 câu mà cụ chỉ sử dụng mỗi vần o để gieo: “... lòng dân trời tỏ... tiếng vang như mõ... ở trong làng bộ... mắt chưa từng ngó... nhà nông nghét cỏ... muốn ra cắn cổ... dê bán chó... ra tay bộ hộ... làm quân chiêu mộ... không chờ bày bố... dao tu nón gõ... đầu quan hai nọ... liều mình như chẳng có… tàu đồng súng nổ... xác phàm vội bỏ... gươm hùm treo mộ... hai hàng luỵ nhỏ... cho đáng số... mắc mớ chi ông cha nó... xiêu mưa, ngã gió... nghe càng thêm hổ... ở với man di rất khổ... trôi theo dòng nước đổ... dật dờ trước ngõ... nghìn năm tiết rỡ... một phường con đỏ... muôn đời ai cũng mộ... đủ đền công đó... một câu vương thổ...”.
Giảng bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cho học sinh đã hơn 30 năm tôi mới phát hiện điều đặc biệt này. Cách gieo độc vận đã góp phần tạo cho bài văn tế có một âm điệu hết sức thống thiết. Ta tưởng như nhà thơ viết liền một mạch, khi cảm xúc dâng trào vần điệu cứ gọi nhau đến. Chỉ riêng lối gieo vần độc đáo này Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng được người đời nể phục.
Vào đầu thế kỷ XX, thi sĩ Tản Đà là một trong những người đầu tiên mạnh dạn thể nghiệm lối thơ trường thiên độc vận. Bài Còn chơi dài 60 câu, tiên sinh chỉ chơi mỗi vần ơi: “Ai đã hay đâu tớ chán đời/Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi/Chơi cho thật chán, cho đời chán/Đời chán nhau rồi tớ sẽ thôi...”.
Đây cũng là một kiểu chơi ngông của thi sĩ. Mặc dù chơi độc vận trong bài thơ trường thiên như vậy mà đọc vẫn lôi cuốn, hấp dẫn không hề đơn điệu, nhàm chán. Phải có tài thơ đến mức nào mới làm được điều đó. Và hình như Tản Đà chỉ chơi trường thiên độc vận một lần duy nhất. Trong số thơ Tản Đà mà tôi được đọc chưa thấy có bài thứ hai.
Cũng làm theo lối trường thiên độc vận, Hàn Mặc Tử có đến 2 bài. Bài Bắt chước chỉ mỗi vần ao: “Để cho hoa lá thì thào/Để cho mây nước xôn xao/Quên câu thương nhớ rồi sao...”. Bài Tình quê chỉ mỗi vần ê: “Trước sân anh thơ thẩn/Đăm đăm trông nhạn về/Mây chiều còn phiêu bạt/Lang thang trên đồi quê...”.
Tuy vượt Tản Đà về số bài nhưng Hàn Mặc Tử chưa vượt được Tản Đà về số câu. Nguyễn Bính mới là người phá kỷ lục về số câu lẫn số bài. Xóm Ngự Viên của Nguyễn Bính dài 62 câu chỉ độc vần iên. Còn bài Xuân tha hương cũng của Nguyễn Bính ngót nghét 100 câu chỉ mỗi vần ong: “Tết này chưa chắc em về được/Em gửi về đây một tấm lòng/Ôi chị một em, em một chị/Giời làm xa cách mấy con sông...”. Phải có vốn từ ngữ phong phú đến mức nào mới gieo được 50 tiếng có vần ong suôn sẻ và tự nhiên đến như thế!