Đảo Læsø thuộc vịnh Kattegat có những ngôi nhà niên đại lên tới hơn 300 năm và vô cùng độc đáo bởi phần mái siêu dày, có thể nặng tới 40 tấn, hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên.
Mái mặn… ăn được
Læsø rộng 101km2, cách đất liền gần nhất 19km. Thời Trung cổ, hòn đảo này nổi danh là nơi sản xuất và cung cấp muối. Phương pháp làm muối của Læsø là xây dựng lò nung, đun nước ngầm mặn (15% là muối) cho bốc hơi lấy muối khô. Dần dà, cây cối gần như bị chặt hết làm củi đốt.
Vào thế kỷ XVII, Læsø đã rơi vào tình trạng mất rừng. Vì không sẵn cây cối trên cạn để phục vụ nhu cầu làm nhà, người dân buộc phải “ló cái khôn” bằng cách tìm kiếm dưới biển. Họ phát hiện vật liệu không ngờ nhất: Zostera.
Zostera là loài cỏ biển phổ biến, phân bố rộng rãi khắp Bắc bán cầu, châu Úc, New Zealand, Đông Nam Á và Nam Phi. Người ta gọi chúng bằng nhiều cái tên như hải thảo, cỏ chình, cỏ rong… Theo nghiên cứu, zostera có tổng cộng 15 loài, mọc trong bãi cát cửa sông, bờ biển. Chúng sinh tồn nửa chìm nửa nổi hoặc chìm hoàn toàn, lá dài tối đa 2m, rộng 1cm, có hoa và quả.
Bờ biển Læsø cực kỳ phong phú zostera. Chúng mọc tràn lan khắp bãi cát ngập nước, nhờ sống thọ và sinh sôi nhanh mà chiếm lĩnh đáy nông vịnh Kattegat.
Rễ và lá zostera có thể ăn được. Từ rất xưa, thổ dân Seri, châu Mỹ đã thu hoạch zostera ăn tươi hoặc phơi khô, đóng thành bánh làm rau dự trữ cho mùa đông. Tuy nhiên, người Læsø không nhiều hứng thú với việc hái zostera làm thức ăn. Họ nhìn thấy ở phiến lá zostera dài như dải ruy băng, gợi ý một công dụng khác.
Mùa thu, zostera đạt độ dài và dẻo dai lý tưởng nhất. Cơn bão vừa qua, những người phụ nữ của đảo Læsø hối hả lập nhóm 40 - 50 người đi gặt zostera. Họ lôi từng bó từ dưới nước lên bờ, trải mỏng phơi nắng. Phải mất 6 tháng, zostera mới khô.
Lá zostera khô trở nên mềm dẻo, sạch sẽ vi tảo. Phụ nữ Læsø bện thừng, làm dây từ chính những chiếc lá zostera đã phơi khô để buộc chúng thành từng bó. Họ xếp các bó zostera lên mái nhà, dùng thừng buộc vào xà và phết bùn lên trên.
Lâu lâu, phụ nữ Læsø gia cố mái nhà một lần, bằng cách chồng thêm lớp cỏ biển và bùn mới. Một mái tranh zostera bao gồm vô số lớp cỏ biển và bùn, dày trung bình 1m và nặng từ 35 – 40 tấn.
Cỏ biển - vật liệu xây dựng xanh đang được quan tâm. Ảnh: Ecowatch.com |
Khung gỗ trôi biển
Vì thiếu gỗ rừng, người Læsø phải “săn” gỗ trôi trên biển làm nhà. Trong lúc đứng trên mái lợp zostera, phụ nữ Læsø tranh thủ quan sát tứ phía, tìm gỗ trôi. Đầu thế kỷ XX, toàn bộ các ngôi nhà của Læsø đều từ gỗ trôi và zostera. Đáng tiếc là vào thập niên 1920, vịnh Kattegat bị bệnh nấm tàn phá. Hầu hết zostera chết, kéo theo sự tàn lụi của nhà cỏ biển, gỗ trôi.
Hiện, Læsø chỉ còn đúng 36 ngôi nhà cỏ biển, gỗ trôi. Chúng đều có tuổi thọ hàng trăm năm, một số đã ngoài 300 tuổi.
Nghiên cứu tính năng xây dựng của zostera chỉ ra chất liệu này có khả năng chống cháy, chống mục. Mái tranh zostera có thể bền hàng trăm năm. Chưa hết, vật liệu “xanh” này còn không thấm nước, có tính cách nhiệt, thoáng khí.
“Mái zostera không chỉ tốt cho môi trường mà còn có lợi cho sức khỏe con người vì có tính năng tự điều hòa, bằng cách cho phép không khí ra vào. Nó giống như một kiến trúc biết thở”, kiến trúc sư Kathryn Larsen (Mỹ) cho biết.
Cỏ biển khô rất mềm dẻo, cách nhiệt, thoáng khí, chống thấm và chống cháy hoàn hảo. Ảnh: Thomas Kyhn Rovsing, Hjørnet/Alamy |
Kiến trúc tương lai?
Trên toàn thế giới, chỉ có Læsø sử dụng zostera làm vật liệu xây dựng. Từ thập kỷ trước, ông Larsen đã tích cực tìm hiểu và mày mò thử làm nhà cỏ biển, gỗ trôi. “Hầu hết các thông tin về nhà cỏ biển gỗ trôi đều bằng tiếng Đan Mạch. Nó khiến tôi không thể thỏa tính tò mò và quyết tâm phải học tiếng nước ngoài này bằng được”, ông chia sẻ.
Tại Læsø, bắt đầu từ năm 2012, cư dân quan tâm “hồi sinh” nhà cỏ biển, gỗ trôi. Người tiên phong là ông Henning Johansen. “Mặc dù theo truyền thống, phụ nữ mới là người gặt zostera, lợp mái, nhưng tôi vẫn muốn chính tay làm cho thỏa lòng yêu thích. Đối với chúng tôi, kiến trúc này là di sản và niềm tự hào”, ông Johansen nói.
Nhóm khôi phục nhà cỏ biển gỗ trôi của ông Johansen chỉ có 5 người, nhưng ai cũng tích cực. “50 năm trước, khi còn nhỏ, chúng tôi đều nằm lăn trên các đống zostera mềm mại mà ngủ ngon lành. Thế rồi nhựa xuất hiện. So với đợt nấm quét đáy vịnh, có vẻ như nhựa mới chính là thủ phạm xóa sổ nhà cỏ biển, gỗ trôi”, ông Johansen nói tiếp.
Sau thành công với mái nhà đầu tiên, ông Johansen tiếp tục với công việc “hồi sinh” nhà cỏ biển, gỗ trôi khác. Ông dự tính sẽ sửa sang cho 10 mái nhà nữa. Bà Larsen thì hy vọng giới thiệu mái zostera ra toàn cầu.
Vì có mặt ở nhiều vùng biển và sinh trưởng nhanh, zostera giàu tiềm năng là vật liệu xây dựng xanh bền vững. Nếu được tận dụng triệt để, cỏ biển này sẽ góp phần không nhỏ vào mục tiêu bảo vệ Trái đất.