Độc đáo nghề lọc vàng từ rác

GD&TĐ - Firozabad (Ấn Độ), 'kinh đô buôn bán vòng tay thủy tinh', xuất hiện một nghề không ai ngờ tới là lọc vàng từ rác sản xuất vòng tay.

Khắp Firozabad, đâu đâu cũng có người bán vòng tay thủy tinh. Ảnh: Bbc.com
Khắp Firozabad, đâu đâu cũng có người bán vòng tay thủy tinh. Ảnh: Bbc.com

Càng lạ hơn là nghề này cực kỳ kén chọn người theo đuổi. Muốn thành công, thợ lọc vàng phải vừa cần mẫn hơn người vừa có duyên với may mắn.

“Thành phố thủy tinh”

Cùng với Uttar Pradesh, Firozabad thuộc bang đông dân nhất Ấn Độ, khoảng 832 nghìn người. Theo tư liệu lịch sử, nơi này từng là thành trì của Quốc vương Firoz Shah Tughlaq (1309 - 1388), Vương quốc Hồi giáo Delhi (1351 - 1388) và lừng danh là “cung điện pháo đài”.

Quốc vương Tughlaq thành lập Firozabad vào năm 1354. Theo nhà sử học Shams-i-Siraj, Firozabad rộng 3.000 mẫu Anh, lớn gấp đôi kinh đô có tường bao Shahjahanbad (ngày nay là Old Delhi). Nó được xem như kiến trúc kiểu mẫu để xây dựng pháo đài suốt thời trung đại.

Ban đầu, Firozabad không liên quan gì đến thủy tinh. Chỉ đến khi nó bị Đế quốc Mogul (1526 – 1857) xâm lược, cư dân ở đây mới biết đến các đồ dùng được làm bằng silicat này. Rất nhanh, họ đã học được kỹ thuật và thành thạo chế tác thủy tinh, làm ra từ chai, lọ đơn giản đến những chùm đèn lộng lẫy, sang trọng chỉ dùng trong cung điện.

Trong 2 thế chiến, vì Ấn Độ bị cấm nhập khẩu thủy tinh. Đến năm 1947, khi Ấn Độ giành được độc lập, nơi đây trở thành nhà cung cấp thủy tinh số 1 cho cả nước và dần trở thành “thủ đô thủy tinh” với sản lượng chiếm 70% toàn quốc.

Mặt hàng chủ đạo của Firozabad là vòng tay. Văn hóa tín ngưỡng Ấn Độ quan niệm, vòng tay mang đến may mắn cho phụ nữ, đặc biệt là cô dâu và phụ nữ đã kết hôn nên các chị em “xứ cà ri” luôn đeo rất nhiều vòng tay.

Trên khắp các đường phố Firozabad, đâu đâu cũng có cửa hàng, xe bán dạo vòng tay. Dưới ánh nắng ban mai, vô số các kiểu dáng và màu sắc vòng tay phô bày vẻ kiều diễm, bắt mắt.

Doc dao nghe loc vang tu rac o An Do 3.jpg
Nếu đủ kiên nhẫn và may mắn, thợ lọc vàng từ rác thủy tinh có khả năng đổi đời. Ảnh: Bbc.com

Sinh kế bất ngờ

Trong diện tích 2.362 km2 của Firozabad có tới 150 nhà máy sản xuất thủy tinh, tức là cứ mỗi 16 km2 lại có một nhà máy. Ngoài các nhà máy, Firozabad còn la liệt các xưởng nhỏ và lò tư nhân. Tuy nhiên, thay vì chế tác thủy tinh, một số người lao động lại phát hiện ra cách làm giàu khác là thu gom rác thải và nước thải từ các nhà máy, xưởng, lò sản xuất thủy tinh, lọc lấy vàng.

Phương pháp đánh bóng và trang trí sản phẩm bằng thủy tinh truyền thống của Firozabad sử dụng vàng nguyên chất. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều công đoạn và vật liệu được sử dụng trong quá trình chế tác đã tiếp xúc với vàng. Chúng bao gồm vải, hộp, chai… và cả nước. Sau quá trình sản xuất, tất cả những thứ này sẽ thành rác, bị xả xuống cống hoặc tập kết tại bãi rác.

“Với những ai không biết thì rác hay nước thải từ sản xuất thủy tinh chỉ là thứ bỏ đi. Nhưng với người biết, nó đích thực là mỏ vàng chưa được khai thác”, Mohammad Sultan, chủ cửa hàng bán đồ trang sức ở Firozabad giải thích.

Doc dao nghe loc vang tu rac o An Do 2.jpg
Phương pháp chế tác vòng tay thủy tinh truyền thống của Firozabad có nhiều công đoạn sử dụng vàng nguyên chất. Ảnh: Bbc.com

Khoảng 25 năm trước, ông Sultan từng làm thợ lọc vàng từ rác thải của ngành sản xuất thủy tinh. “Tôi ngâm chai lọ đựng vàng trong dung môi hoặc nhựa thông suốt nhiều giờ để cặn vàng rời khỏi chỗ bám, nổi lên bề mặt. Sau đó, tôi lấy vải sạch thấm lấy và phơi khô rồi đốt thành tro.

Tiếp theo, tôi trộn tro với vài loại hóa chất, trải lên đỉnh bếp lò được đắp lớp cát dày và nổi lửa. Sức nóng từ lửa làm lớp tro trộn hóa chất tan chảy thành chất lỏng. Khi chất lỏng này nguội đi, nó biến thành thủy tinh còn vàng thì chui qua lớp cát, đọng lại trên bề mặt bếp. Lúc này, tôi chỉ cần gạt bỏ lớp cát đi là lấy được vàng”, ông kể lại bí quyết lọc vàng của mình.

“Lọc vàng từ rác thủy tinh nói thì đơn giản nhưng làm rất khó. Tôi phải mất cả mấy năm mới thành thạo”, ông Sultan nói thêm.

Tính đến nay, nghề lọc vàng từ rác và nước thải ở Firozabad đã hơn 80 năm tuổi nhưng chưa từng được ghi nhận như một nghề. Hầu hết người lọc vàng đều là “cha truyền, con nối”, và ai cũng giữ bí mật bí quyết gia truyền. “Đây là công việc đòi hỏi độ chính xác và kỹ năng đặc biệt cao, thêm cả một chút may mắn nên không có mấy người làm được”, ông Sultan cho biết.

Những thập niên gần đây, vì vàng tăng giá nhanh nên nhiều nhà máy và cá nhân đã thay vàng bằng các hóa chất khác rẻ tiền hơn nhưng một số người vẫn duy trì phương pháp truyền thống.

Thêm vào đó, người Ấn Độ còn hay dùng vàng làm nguyên liệu trang trí cho các sản phẩm bằng thủy tinh. Khi những sản phẩm này cũ, hỏng và bị vứt đi, chúng lại trở thành “mỏ quý” cho những người làm nghề lọc vàng từ rác.

“Nghề lọc vàng sẽ vẫn tiếp tục”, ông Sultan khẳng định. Trong lịch sử hơn 80 năm, nó đã giúp không ít cá nhân ở Firozabad trở thành triệu phú. “Chỉ cần chăm chỉ, kiên nhẫn và thêm một chút may mắn là bạn hoàn toàn có khả năng đổi đời”, Mohammad Kasim Shafi, một thợ lọc vàng từ rác thủy tinh cho biết.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.