Độc đáo Lễ hội Mường Xia

GD&TĐ - Lễ hội Mường Xia là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Thái, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Đền thờ Tư Mã Hai Đào ở xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa)
Đền thờ Tư Mã Hai Đào ở xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa)

Đây là dịp để nhân dân tri ân, tưởng nhớ công ơn của Tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công lớn trong việc đánh tan quân xâm lược, trấn ải biên cương, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân dọc biên giới miền Tây xứ Thanh.

Tích xưa

Mường Xia, thuộc vùng đất hai xã Sơn Thủy và Na Mèo (Quan Sơn). Vùng đất này là nơi đặt thủ phủ của Quan châu Xia, cai quản 16 mường nhỏ, và hai mường kết nghĩa là Mường Bén, Mường Xôi của tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào).

Ban đầu, Mường Xia có tên gọi là Mường Chu Sàn (Chu San), vì có sự chuyển giao quyền lực, cai quản vùng đất này từ nhà Tạo Mường Chu Sàn sang dòng họ Phạm của thầy đồ làng Bông Báo từ huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) lên, mà Mường Chu Sàn được gọi là Mường Xia (tức là mường mất).

Từ khi Quan Tư Mã xây dựng thủ phủ ở đây thì Mường Xia trở thành một mường giàu có, phồn vinh, trung tâm của cả vùng biên giới phía Tây rộng lớn.

Lễ hội Mường Xia gắn liền với vị thần Tư Mã Hai Đào - người có công bảo vệ biên cương, xây dựng bản mường nơi biên giới. Thời gian qua đi, song chuyện xưa, tích cũ vẫn còn đó. Sơn Thủy - Mường Xia gợi nhớ chiến công của vị Tướng quân Phò mã cùng với tín ngưỡng thờ thần trên mảnh đất này.

Truyền thuyết kể rằng, Tư Mã Hai Đào là con thứ hai trong một gia đình ở Mường Đào (nay thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước) nên được gọi là Hai Đào. Hai Đào mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, nên phải đi ở, chăn trâu cho nhà quan lang.

Hai Đào là một cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát, giỏi bắn cung, múa kiếm. Lớn lên, Hai Đào có dáng người cao lớn, tướng mạo phi phàm, tinh thông võ nghệ. Nghe tin triều đình mở hội thi võ, chiêu mộ anh tài cho đất nước, Hai Đào được theo quan lang lên kinh kỳ, dâng sớ tấu trình tham gia hội thi năm ấy.

Trên võ đài, Hai Đào liên tục thắng trận khiến cho bao người phải trầm trồ thán phục. Và cũng từ đây, chàng trai miền sơn cước đã lọt vào mắt xanh của công chúa con vua.

Chuyện đến tai, nhà vua cho đòi Hai Đào vào yết kiến. Thấy tướng mạo phi phàm của chàng trai, nhà vua đồng ý tác thành cho đôi lứa, rồi truyền thầy đồ vào dạy học cho phò mã. Nhờ vậy, Hai Đào trở thành người văn võ song toàn.

Lúc bấy giờ, tại vùng biên giới phía Tây xứ Thanh bị giặc giã cướp phá triền miên, làng bản xơ xác… khiến triều đình lo lắng. Trước cảnh quê hương điêu tàn, phò mã Hai Đào xin phép vua cha cho cầm quân đi dẹp giặc.

Vua sắc phong cho phò mã làm tướng, cấp lương thực, khí giới, ngựa đủ dùng. Hai Đào trở về quê hương, chiêu mộ thêm binh mường, rèn thêm vũ khí rồi chọn ngày lành, tháng tốt xuất quân.

Nhờ sự chỉ huy tài tình, mưu lược, quân Hai Đào đã giành chiến thắng trên toàn tuyến biên giới từ Tén Tằn đến Mường Xia, giữ yên biên ải. Nhân dân vùng Tén Tằn được trở về quê cũ yên ổn làm ăn, yêu quý vị phò mã tướng quân, nên họ gọi ông là Phò mã Tén Tằn.

Lập được công lớn, tướng quân Hai Đào được triều đình phong chức quan Tư Mã nên được gọi là Tư Mã Hai Đào. Đất nước yên bình, Quan Tư Mã cho dựng đồn canh ở biên giới Tén Tằn, chia đất được phong cấp cho binh tướng dưới quyền cai quản.

Còn ông, thấy Mường Xia có núi Pha Dùa bao quanh thung lũng rộng lớn, có sông Luồng, suối Xia tụ hợp, thuận lợi cho việc trồng cấy lương thực và có bãi quần ngựa luyện quân và từ đây có tuyến đường bộ sang đồn Tén Tằn, cơ động bảo vệ cả tuyến dài biên giới. Vì vậy, ông đã chọn Mường Xia để xây dựng thủ phủ và sống đến cuối đời.

Từ khi Quan châu Xia xây dựng thủ phủ, người dân bỏ mường đi trước kia đều lần lượt quay về khiến Mường Xia trở nên trù phú. Đêm đêm, dưới những nếp nhà sàn đầm ấm của người Thái nơi đây rộn ràng nhịp chày khua luống, tiếng khèn gọi bạn dưới chân núi Pha Dùa lại hòa cùng lời khặp ngọt ngào, thiết tha của những đôi lứa trao duyên nơi bến sông, đầu bãi.

Dưới sự cai quản của Quan châu Xia, tình hữu nghị giữa hai quốc gia có chung biên giới, hai dân tộc Việt - Lào anh em ngày càng trở nên thân thiết.

Sau khi quan Tư Mã Hai Đào qua đời, người dân Mường Xia an táng ông vào núi Pha Dùa “làm thần thiêng sông núi”, giữ cho cả Mường Xia được vía yên, vía khỏe…

Nghi thức rước kiệu, dâng lễ tại Lễ hội Mường Xia năm 2023.

Nghi thức rước kiệu, dâng lễ tại Lễ hội Mường Xia năm 2023.

Di sản văn hóa đặc sắc

Trải qua những biến đổi thăng trầm của lịch sử, cùng với sự tác động của gió núi, mưa rừng, tuy nhiên, những dấu ấn về công trạng của Quan Tư Mã vẫn còn được lưu giữ qua bản Thái cổ.

Nhân vật “Tư Mã Hai Đào - Phò mã Tén Tằn” đã đi vào lịch sử. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Mường Xia vẫn được các thế hệ người dân truyền lại đến ngày nay.

Trò chuyện với Báo GD&TĐ, ông Lữ Văn Tiên - Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy - cho biết, Mường Xia là một lễ hội văn hóa đặc sắc, tái hiện sự hình thành lâu đời của vùng đất gắn với lịch sử hình thành từ Mường Chu Sàn.

Truyền thuyết về tình yêu của đôi trai tài gái sắc nơi núi Pha Dùa và những phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Thái đất Mường Xia.

Đồng thời, lễ hội còn thể hiện sự tri ân công đức của các thế hệ người Mường Xia đối với vị thần có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, xây dựng vùng đất này trở nên phồn thịnh.

“Theo truyền thống, Lễ hội Mường Xia diễn ra trong cả 2 ngày (mùng 9 và mùng 10 tháng 2 âm lịch), gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ, là những lễ nghi được thể hiện tại 5 điểm thờ cúng, gồm: Đền thờ thần Tư Mã; địa điểm đặt Hòn Đá Vía để cầu mong thần giữ cho Mường Xia được vía yên, vía khỏe; Xứa Tú Nặm - núi Pha Dùa để xin thần mở cửa cho nhân dân vào Mường Xia xem hội; Sần Cuống Xộp Xia để cúng lễ cho binh lính của thần bị tử trận.

Và cuối cùng là tại Sần Phiềng Phay - cúng cho người lính của thần bị hổ ăn thịt trong khi làm nhiệm vụ”, ông Tiên thông tin.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, nếu như phần lễ là phần đạo, thể hiện sự linh thiêng và trang trọng của cộng đồng gửi tới vị thần thiêng, thì phần hội chính là phần đời, phần hiện thực. Ở đó mọi người thể hiện sự hòa đồng, không phân biệt dân tộc, giới tính, tuổi tác và vị trí trong xã hội.

Các trò chơi dân gian diễn ra trong lễ hội là dịp để dân các bản làng thi thố tài năng, thể hiện sự khéo léo, nhanh nhẹn, tài trí và năng khiếu nghệ thuật thông qua một số trò chơi, như: Hát khặp, đánh trống chiêng, nhảy sạp, tung còn, tó mác lẹ, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, khua lóng, Khặp, múa Chá, cà kheo (nam, nữ)…

“Lễ hội Mường Xia mang trong mình những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức, được chắt lọc và vun đắp qua nhiều thế hệ. Tham gia vào lễ hội, người ta được thỏa sức sáng tạo, được hóa thân, hòa mình vào nền văn hóa Thái với lịch sử qua nhiều thế kỷ. Được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp như được sống lại với Mường Chu Sàn xưa.

Những nếp sống, lối sống được hình thành trên những giá trị nhân văn; sự chân thành, mộc mạc, giàu lòng yêu thương là bản chất tốt đẹp của người dân nơi đây tạo nên những giá trị văn hóa trường tồn với thời gian, phù hợp với các điều kiện về tự nhiên - xã hội mà những nơi khác không có được.

Lễ hội cũng là dịp để mọi người được nghỉ ngơi và đoàn tụ, làm tan đi những muộn phiền trong cuộc sống, mang lại sự thanh thản và vui vẻ trong tâm hồn, củng cố thêm niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn”, ông Tiên tâm sự.

Ông Hà Văn Thông (dân tộc Thái) - người phụ trách, quản lý trông coi đền thờ thần Tư Mã - bảo rằng, khi bản có công to, việc nhỏ gì như đánh trống, khua chiêng, khặp… đều phải đến mời Thần. Theo quy định, lễ vật gồm: 5 mâm lễ, vải trắng, trầu cau, tiền, đồ trang sức…

“Mỗi khi trong Mường có con em đi bộ đội hoặc đi làm ăn xa, người thân đều mang áo của người sắp lên đường đến đền thờ thần Tư Mã Hai Đào dâng hương xin ngài phù hộ cho con em chân cứng, đá mềm, giữ cho vía yên, vía lành đi đến nơi, về đến chốn”, ông Thông chia sẻ.

Cũng theo ông Thông, có một điều lạ ở đây là tất cả những người xin được gửi, nhờ giữ vía tại đền thờ và “hòn đá Vía” của Mường đều bình an nơi trận mạc. Hiện nay, ở bản Chung Sơn vẫn còn nền móng nhà của gia đình thần Hai Đào ở khu sân hành lễ nhà thờ và móng thủ phủ nơi ông làm việc tại khu vực Trường THCS xã Sơn Thủy.

Ông Thông cho biết thêm, cuối tháng 2 vừa qua, huyện Quan Sơn đã tổ chức đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Mường Xia” và khai mạc Lễ hội Mường Xia năm 2023.

Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo huyện Quan Sơn tham dự lễ dâng hương tại Đền thờ Tư Mã Hai Đào, trong Lễ hội Mường Xia.

Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cùng lãnh đạo huyện Quan Sơn tham dự lễ dâng hương tại Đền thờ Tư Mã Hai Đào, trong Lễ hội Mường Xia.

Địa chỉ tâm linh vùng biên viễn

Ông Lê Văn Thơ, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn, cho biết, Đền thờ Tư Mã Hai Đào đang là một trong những điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch cộng đồng của huyện Quan Sơn. Những ngày diễn ra Lễ hội Mường Xia, không chỉ có cư dân Việt, mà cư dân Mường Bén, Mường Xôi nước bạn Lào cũng sang tham dự. Lễ hội Mường Xia và đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào từ lâu đã trở thành địa chỉ tâm linh để người dân khắp nơi đến thờ phụng, chiêm bái…

Trong Lễ hội Mường Xia, vật cúng tế không thể thiếu, đó là: 1 con trâu trắng, 4 con lợn, hơn chục con gà và 1 con vịt. Bởi quan niệm, trâu trắng được coi là “hồn, cốt” làm nên đặc trưng trong văn hóa, không những là yếu tố vật linh trong tín ngưỡng của người Thái xứ Thanh, mà trâu còn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của họ.

Lãnh đạo huyện Quan Sơn và lãnh đạo xã Sơn Thủy đón Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Xia.

Lãnh đạo huyện Quan Sơn và lãnh đạo xã Sơn Thủy đón Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Xia.

Đồng bào dân tộc Thái coi con trâu là một báu vật, vật thiêng của trời đã ban tặng cho con người. Nên, trong nghi lễ cúng tế của các lễ hội, họ coi con trâu trắng là lễ vật quan trọng không thể thiếu để tế trời, đất.

“Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Mường Xia trong thời gian tới, từ những giá trị của di sản này, huyện Quan Sơn luôn mong rằng UBND tỉnh, Cục Di sản văn hóa, Sở VH,TT&DL quan tâm phát triển lễ hội vùng biên giới Quan Sơn tổ chức cấp huyện hàng năm và cấp tỉnh 5 năm một lần”, ông Thơ thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ