Lễ hội Cầu Mưa được tổ chức tại xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Người Thái trắng ở xã Mường Sang quan niệm rằng, thần linh cai quản mưa gió thương những đứa trẻ sinh ra không có cha (do mẹ sinh con ngoài giá thú), không có mái nhà che đầu, nên đã không làm mưa xuống khiến cho trời hạn hán. Vì vậy, dân bản phải làm Lễ cầu mưa, cúng lễ các vị chủ nước, chủ sông suối, để mời thần linh về nghe nguyện vọng của bà con. Đồng thời, trách phạt những người phụ nữ đó đã không biết giữ mình.
Những lời cầu xin, trách móc được truyền tụng, đúc kết thành các bài cúng và các trò chơi dân gian trong lễ hội cầu mưa, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt của đồng bào dân tộc Thái. Đoàn hát thường đông tới 20 - 25 người. Ai cũng tự sắm sửa áo cóm, khăn piêu đội đầu tham ra lễ hội cầu mong may mắn, sức khỏe đến với gia đình và người thân. Việc tổ chức Lễ hội cầu mưa có ý nghĩa cầu sự may mắn, bình an, mùa màng tươi tốt.
Bà con xã Mường Sang đang tổ chức Lễ hội cầu mưa. |
Ông Lường Văn Út, một thầy Mo nổi tiếng ở bản Nà Bó 1, xã Mường Sang chia sẻ: "Để Lễ hội cầu mưa diễn ra suôn sẻ, bà con dân bản chúng tôi đã chuẩn bị khoảng 15 ngày trước đó. Chúng tôi phân công 1 người uy tín lên rừng chặt cây tre đẹp, dài 3,2m về làm cây vạn vật, vì cây này rất quan trọng trong ngày lễ".
"Chúng tôi phân công phụ nữ đồ xôi, hái rau, gói bánh chưng... còn thanh niên trai tráng thì mổ lợn, gà đặt mâm cỗ. Các già làng bắt tay vào chẻ tre, lạt đan hình tượng chim chóc, muông thú, lúa... để treo lên cây vạn vật tế trời đất. Mọi người cầu mong sức khỏe, may mắn, phát lộc phát tài đến với người dân trong bản", ông Út nói.
Đoàn cầu mưa ra mó nước cúng thổ địa, thần linh xin nước đựng vào ống tre. |
Đối với người dân tộc Thái trắng ở xã Mường Sang, Lễ hội cầu mưa là dịp trọng đại nhất trong năm. Trước ngày diễn ra lễ hội, mọi người đã chuẩn bị chu đáo những sản vật gắn với đời sống thường ngày như: Cơm lam, cá xông khói, gà luộc, gạo nếp, trứng gà, măng đắng...
Đặc biệt, trong lễ hội này không thể thiếu là cây vạn vật được trang trí bằng các con chim, con ve đan bằng nan; bên cạnh là những lồng nan đựng trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai và sản vật địa phương… Bà con quan niệm, đây là cách thể hiện tấm lòng thành kính của dân bản với trời đất, thần linh.
Việc tổ chức Lễ hội cầu mưa, nhằm mục đích củng cố và nâng cao hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của nguồn nước, đồng thời giáo dục con cháu về ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. |
Tại Lễ hội, dẫn đầu đoàn hát là bà Mẻ Mài (bà góa) làm người lĩnh xướng cùng các chị em trong bản đã lập gia đình ở tuổi trung niên và thầy mo đi cầu mưa. Sau đó, đoàn cầu mưa ra mó nước cúng thổ địa, thần linh xin nước đựng vào ống tre đem về đặt cạnh cây vạn vật.
Dân bản cử đại diện đóng vai ông Then (trời) ngồi ghế ở phía trên mâm cỗ và cây vạn vật, rồi dùng nước ban cho bà con. Sau đó, ông Then đi vòng quanh vảy nước lên những người dự lễ với mong muốn cho một năm mưa thuận gió hòa, bình an... Kết thúc buổi lễ dân bản cùng nhau ca hát, múa xòe và tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống. Các hoạt động đã đem lại một bầu không khí vui nhộn nơi rẻo cao.