Những người hâm mộ tài năng của nhà văn lúc nào cũng có cơ hội đến thăm tòa lâu đài - bảo tàng của ông trên một ngọn đồi ở Port Marly, ngoại ô Paris, với nhiều điều độc đáo.
Một cá tính dữ dội
Theo hồi ức của những người đương thời, Alexandre Dumas là người đầy nhiệt huyết, đam mê, luôn tìm cách đạt được mục đích của mình. Ngoài ra, ông được coi là kẻ lãng tử, mê gái, sành ăn và thiên tài không những ở Pháp mà còn ở tất cả các nước ông đã kịp đến thăm. Đó là sự thật.
Alexandre Dumas thích một cuộc sống vô tư, đầy khao khát, phiêu lưu và niềm vui. Là người cực kỳ yêu lao động, ông đã viết hàng trăm cuốn sách, gồm tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, tiểu luận, bài báo và bút ký.
Nếu tên ông được ghi trên tờ quảng cáo về vở kịch, thì các khán phòng sẽ chật cứng người xem. Chính nhờ ông mà đầu tiên là trên các sân khấu của Pháp, và sau đó ở tất cả các nhà hát châu Âu, văn học cổ điển đã nhường chỗ cho văn học lãng mạn.
Ngoài khả năng làm việc phi thường, Alexandre Dumas là người có tinh thần yêu tự do, vì vậy ông không những tham gia vào các cuộc cách mạng và biểu tình của Pháp mà còn của Ý. Trong thời gian đi du lịch ở Nga, người ta đã cử một điệp viên mật đi cùng ông để hàng ngày báo cáo cho Sa hoàng Alexander II về tất cả các hành động và cuộc gặp gỡ của Dumas, vì nhà vua sợ tính cách nổi loạn của nhà văn.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì ở Nga nhà văn đã gặp gỡ một số chiến sĩ cách mạng Tháng Chạp. Nhờ đó, ông viết cuốn tiểu thuyết “Thầy dạy đấu kiếm”, nguyên mẫu của các nhân vật chính trong tác phẩm là chiến sĩ cách mạng Tháng Chạp Ivan Annenkov và Polina, vợ ông.
Trong cuộc đời, dù làm bất cứ việc gì, Dumas cũng tỏ ra hết sức đam mê, và ý tưởng xây dựng tòa lâu đài của riêng mình cũng không phải là một ngoại lệ.
Không sợ trở ngại
Khi muốn điều gì đó, Alexandre Dumas luôn tìm mọi cách để đạt được. Điều này cũng xảy ra với việc xây dựng lâu đài Monte Cristo. Khi các cuốn tiểu thuyết “Ba chàng lính ngự lâm” và “Bá tước Monte Cristo” mang lại cho ông những khoản nhuận bút cao ngất, nhà văn bắt đầu mua đất gần thị trấn Port Marley.
Ông mơ ước được sống trong một ngôi nhà mà từ đó có thể nhìn thấy toàn cảnh Paris. Và ông đã thực hiện được ước mơ của mình, nhưng với một cái giá cực kỳ đắt.
Kiến trúc sư Pháp nổi tiếng Hippolyte Durand, người được Alexandre Dumas thuê, đã dứt khoát từ chối xây tòa lâu đài trên một đồi đất sét, do không một cái móng nào có thể đứng vững được.
Vì Dumas hiếm khi từ bỏ mục đích của mình, nên trong trường hợp này, ông đề nghị kiến trúc sư đào một hố móng sâu chừng nào chưa chạm tới sa thạch.
Là một người thực tế, nhà văn yêu cầu dưới tầng hầm của ngôi nhà phải có một nhà bếp lớn, phòng tắm hơi và hầm rượu. Toàn bộ dự án tiêu tốn của Dumas 200 nghìn franc, vào thời điểm đó, đây là một khoản tiền chưa từng thấy, bởi ngay cả những công trình trị giá 50.000 franc cũng được coi là quá đắt.
Những vị khách không mời
Alexandre Dumas-bố nổi tiếng là người hiếu khách, nhưng ngay cả theo tiêu chuẩn của ông, mỗi ngày phải tiếp hàng chục vị khách không mời là quá nhiều.
Vào những ngày Chủ nhật, nhà văn thường mời khách đến nhà ăn trưa do mình tự tay nấu nướng.
Được Dumas mời đến dự bữa trưa là một niềm vinh dự, chính cuốn sách về nghệ thuật ẩm thực của nhà văn đã trở thành một bestseller thực sự.
Biết ông đã đi nhiều nước, ở mỗi nước ông lại học được cách nấu các món ăn dân tộc nên rất nhiều khách xếp hàng trước cổng nhà ông vào các buổi sáng. Chính Dumas là người đã đưa món trứng tráng hàu và súp gà gô vùng Normandy vào thực đơn của những người sành ăn.
Tất cả mọi thứ trong lâu đài của Dumas đều khiến các vị khách khâm phục: Từ khu vườn tráng lệ, trang trí nội thất của các căn phòng và tượng những con vật yêu quý của chủ nhân, đến khung cảnh tuyệt đẹp của sông Seine và Paris.
Họ sẵn sàng ngồi hàng giờ chờ chủ nhân xuất hiện để thưởng thức những món ăn kỳ ảo của ông, nhâm nhi ly rượu vang trong những vọng lâu hoặc hang động bí mật của khu vườn.
Cô đơn giữa mọi người
Để hoàn thành hợp đồng sáng tác với các chủ xuất bản, mỗi ngày Dumas phải nộp một bản thảo gồm 24.000 từ hay 500 dòng. Thật đáng ngưỡng mộ bút lực của tác giả, nếu bạn biết tất cả các bản thảo đều được viết bằng tay.
Để không bị phân tâm bởi khách khứa hàng ngày, nhà văn ra lệnh xây một cái tháp với phòng làm việc cùng các tiện nghi.
Vốn tính rất tò mò và muốn biết ai đến thăm mình nên Dumas xây tháp đối diện với mặt tiền của tòa nhà chính. Mỗi khi có một cỗ xe ngựa nào đó tiến đến, nhà văn nhìn ra ngoài cửa sổ để quyết định có nên ra đón khách hay không.
Nhưng thông thường, để tránh bị cám dỗ, ông đề nghị người hầu khóa ông lại trong phòng và chỉ mở cửa vào buổi tối.
Bị phá sản và bán nhà
Than ôi, những kẻ thường xuyên ăn bám và công trình xây dựng quá tốn kém đã làm Dumas sạt nghiệp. Nhà văn chỉ sống trong lâu đài của mình vỏn vẹn hai năm.
Nợ nần chồng chất buộc ông phải bán rẻ tòa lâu đài của mình. Tiếc rằng những người chủ sau không gìn giữ nội thất của ngôi nhà và họ đã sửa lại theo sở thích của mình.
Tòa lâu đài của Dumas đã qua tay nhiều chủ nhân, thậm chí có một thời gian nó biến thành nhà trọ cho các nam sinh.
Vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi dư luận phong phanh về việc phá hủy tòa lâu đài, không chỉ người Pháp mà cả cộng đồng thế giới đều phẫn nộ.
Nhờ có vua Maroc, người ta đã phục chế hoàn toàn các tấm gỗ chạm khắc ốp chân tường trong phòng khách phía Đông và lắp đặt hệ thống sưởi ấm hiện đại. Các nhà tài trợ từ các quốc gia khác nhau cũng đã đóng góp tiền để trùng tu lâu đài, hiện trở thành bảo tàng của Alexandre Dumas-bố.
Alexandre Dumas hưởng dương 68 năm, trong đó 45 năm ông dành cho sáng tác tiểu thuyết, kịch và tiểu luận. Ông đã sống một cuộc đời đầy ấn tượng và vô cùng phong phú với đông đảo những người hâm mộ tác phẩm của mình.