(GD&TĐ) - Để cho học trò của mình tiếp thu bài học một cách nhẹ nhàng mà sinh động, thầy giáo trẻ Phùng Hữu Kim Quân (Trường THCS Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã kỳ công xây dựng bộ giáo trình điện tử môn Địa lý dành cho học sinh cấp II.
Thầy giáo Kim Quân đang giới thiệu về bộ giáo trình điện tử môn Địa lý |
Bộ giáo trình đa phương tiện
“Các em học sinh trong trường thường hay phàn nàn với tôi về việc khó tiếp thu, khó hình dung trong khi học môn Địa lý. Còn hỏi những đồng nghiệp trực tiếp giảng dạy môn này, ai cũng bảo vất vả nhất là mỗi giờ lên lớp đều lỉnh kỉnh mang theo biểu bản đồ, đã thế công tác bảo quản cũng quá phức tạp”, thầy giáo Kim Quân cho biết.
Sau nhiều đêm trăn trở tìm cách khắc phục nhược điểm đó, cuối cùng Kim Quân đã bắt tay vào việc xây dựng một bộ giáo trình điện tử môn Địa lý nhằm đơn giản hóa việc dạy và học. Toàn bộ kiến thức Địa lý từ lớp 6 – 9 được anh gói gọn trong một đĩa CD.
Giới thiệu về bộ giáo trình này, thầy nói: “chỉ cần nhấp chuột mọi bảng biểu, sơ đồ, bản đồ sẽ hiện ra trước mắt học sinh. Thầy cô giáo đứng lớp chỉ cần giới thiệu và chọn những phần mình cần để giảng cho các em”. Đúng như anh nói, khi bỏ đĩa CD vào máy sau vài thao tác, anh đã cho chúng tôi thấy hệ Mặt Trời với đầy đủ các hành tinh đang chuyển động rất thật. Và nhìn vào đó ai cũng có thể hiểu được nguyên lý mà mọi biểu đồ thông thường không thể làm được.
Hiện tại, giáo trình này đang được Trường THCS Thủy Dương áp dụng vào giảng dạy và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả. Hơn 660 học sinh/22 lớp đã trở nên say mê với môn học Địa lý hơn. Thầy Kim Quân tâm sự: “ngẫm từ mình mà ra, thời còn là học sinh, tôi cũng không quan tâm nhiều đến môn này vì quá nhiều lý thuyết. Cho nên khi nảy ra sáng kiến, tôi không tiếc thời gian đầu tư vào xây dựng nó với mong ước sẽ lấy lại hứng thú cho các em học sinh”.
Trên cở sở sử dụng những phần mềm Corel Draw, Flash, phần mềm thiết kế Web, cắt cúp hình ảnh, bộ giáo trình điện tử là một tổ hợp nhiều chương trình có đủ các hình ảnh sinh động, trực quan như: phim, hình ảnh đồ họa, hình ảnh động... Tiếp xúc với giáo trình, tính tương tác được nâng lên rõ rệt. Chính những tiêu chí đó mà vừa qua Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trao Giải nhất Hội thi Thiết bị giáo dục cho thầy giáo trẻ Phùng Hữu Kim Quân. Ngoài ra, anh còn được cấp vốn cho việc nghiên cứu khoa học cấp tỉnh để hoàn thiện bộ giáo trình này.
Thầy giáo Trần Mau (58 tuổi), một người thầy giảng dạy lâu năm môn Địa lý chia sẻ: “có thể nói, bộ giáo trình của Kim Quân là một mâm cỗ mà người dạy chỉ cần dọn ra và chọn những món ăn cần thiết cho mình. Đem những thành quả này vào giảng dạy, tôi cũng rất bất ngờ về tính hiệu quả của nó”. Điểm đặc biệt của bộ giáo trình điện tử này là cách sử dụng đơn giản, những giáo viên lớn tuổi vẫn có thể sử dụng thành thạo.
Thầy Kim Quân cùng thầy giáo Trần Mau – người cung cấp lý thuyết cho anh hoàn thiện giáo trình |
Thầy giáo môn tin viết sách môn địa
Thầy giáo trẻ Phùng Hữu Kim Quân vốn là học sinh từng học tập tại Trường THCS Thủy Dương. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế với chuyên môn Tin học, Kim Quân đã trở lại trường xưa để nhận công tác. Khi được hỏi tại sao là một giáo viên dạy môn Tin học lại đi viết sách cho môn Địa lý, anh bộc bạch: “ý tưởng xuất phát từ cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ trong trường học. Tôi nhận thấy, các môn học khác thường được chú trọng, riêng môn Địa lý thì vẫn chưa có cuốn sách điện tử nào. Vậy là viết…”.
Bằng tâm huyết của một nhà giáo, Kim Quân dốc sức trẻ của mình để thu thập tư liệu. Trong quá trình viết sách, phần nào chưa làm được anh lại tiếp tục tìm tòi để hoàn thiện. Và phải mất hơn 3 năm sau, đến năm 2008 bộ giáo trình được đưa vào thực tế.
Bộ sách điện tử môn Địa lý được chia làm 2 dạng: một dạng có thể bỏ trực tiếp vào máy tính và dạng khác là dùng đĩa CD trình chiếu bằng đầu đĩa. Nhìn công trình khoa học của thầy giáo trẻ, ai cũng biết đó là một kho kiến thức mà không ai cũng làm nên được. Và đằng sau thành công đó, thầy giáo trẻ Kim Quân đã bỏ không biết bao công sức. Anh cho biết: “khi viết giáo trình, điều tôi cần nhất là thời gian. Suốt ngày cứ bận rộn với chiếc máy tính, nhiều khi vợ cũng buồn”.
Giấy khen trao cho thầy giáo trẻ Kim Quân về thành tích sáng tạo nên bộ giáo trình này |
Đằng sau sự thành công
Để có nhiều tư liệu thực tế tại địa phương mình, anh đã bỏ tiền túi mua rất nhiều thiết bị công nghệ như: máy ảnh, máy quay phim, máy scan ảnh… Thấy cái laptop của mình có cấu hình còn yếu anh lại “tậu” con mới để xử lý thông tin cho bộ giáo án tốc độ hơn. “Nói tôi không có thời gian cũng đúng, bởi hôm nay mình viết một chương trình thấy đẹp nhưng ngày mai thấy xấu lại đem ra sửa lại”, anh cho biết.
Thầy giáo Trần Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Dương không giấu được tự hào: “từ khi còn là học sinh trong trường, Kim Quân học hành rất nghiêm túc. Hiện tại, Quân là nòng cốt trong bộ môn Tin học, nhờ em mà nhà trường có được một bộ giáo trình độc đáo, khả năng thực tế tuyệt vời”.
Lê Hoàng
Theo thầy giáo trẻ Phùng Hữu Kim Quân, trong bộ giáo trình điện tử của anh, phần kiến thức cho học sinh lớp 6 là hoàn chỉnh nhất. Bao gồm: 600 hình ảnh, trên 70 phim và file động trực quan tương ứng với 27 bài giảng bám sát nội dung lý thuyết trong sách giáo khoa hiện hành. Hiện Kim Quân vẫn tiếp tục thu thập tài liệu, công cụ để bộ giáo trình tiện ích, hấp dẫn hơn với các em học sinh. |