Tuần nào cũng thấy các cô đi từ nhà qua đây lên dạy học cho học sinh trong buôn làng nên người dân nơi đây đã đổi tên con dốc này thành dốc Ba Cô. Các cô đi qua dốc không bị sao cả, người dân trong xã thấy thế nên đi theo, có người đi lại nhiều, thú dữ trong rừng không còn xuất hiện.
Dốc Ba Cô nằm giữa hai xã Yang Trung và Chơ Glong của huyện Kông Chro (Gia Lai). Đây là một trong những xã thuộc vào diện đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh. Trung tâm xã cách thành phố Pleiku trên trăm cây số, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Nói về dốc Ba Cô, người dân nơi đây kể về một giai thoại. Trước đây con dốc này rất nguy hiểm vì độ cao, quanh co, có nhiều thú dữ. Người dân gọi con dốc này theo tiếng Bahnar là dốc Hle nghĩa là con bò. Sau năm 1975, để đưa cái chữ lên với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành giáo dục đã cử một số giáo viên lên đây bám buôn làng, dạy học.
Khi đó có 3 cô giáo trẻ từ thị xã An Khê được nhận nhiệm vụ lên đây dạy chữ. Cứ mỗi tuần, các cô đi từ nhà lên dạy học cho trẻ em trong làng. Khó khăn thời đó thì trăm bề nhưng sợ nhất vẫn là đi qua con dốc này. Hoang vu, thú dữ, thỉnh thoảng gặp cả cướp nên người dân ở đây không dám qua con dốc.
Lần đầu tiên do các cô chưa hiểu hết sự nguy hiểm của con dốc, 3 cô đi lên cùng nhau mà không có người dẫn đường. Đến lưng chừng dốc khi đó các cô thấm mệt, lại đói và khát, 3 cô đã ôm lấy nhau khóc. May mắn khi đó gặp được mấy anh bộ đội đưa các cô lên trên bản, chứ không ngồi đó qua đêm thì sẽ làm mồi cho thú dữ.
Từ đó, tuần nào cũng thấy các cô đi từ nhà qua đây lên dạy học cho học sinh trong buôn làng nên người dân nơi đây đã đổi tên con dốc này thành dốc Ba Cô. Các cô đi qua dốc không bị sao cả, người dân trong xã thấy thế nên đi theo, có người đi lại nhiều, thú dữ trong rừng không còn xuất hiện.
Những giáo viên không quản nguy hiểm cõng chữ lên vùng cao
Ngày đó đường vắng vẻ, chỉ có thú rừng làm bạn. Những câu chuyện người đi trên rừng bị thú dữ ăn thịt thời đó nghe như cơm bữa. Chỉ có tình yêu nghề, lý tưởng của thanh niên mới thúc đẩy chúng tôi vượt qua nỗi sợ hãi và vất vả để bám trụ..."
Nghe câu chuyện về dốc Ba Cô, ai cũng xúc động, chúng tôi quyết định leo lên con dốc để đi tìm những nhân chứng về thời kỳ đó. Dốc Ba Cô bây giờ đã được làm lại bằng phẳng hơn, đường đã bớt quanh co, cây cối cũng không còn um tùm như xưa.
Đến xã Chơ Glong, chúng tôi may mắn gặp được ông Đinh Kriu (61 tuổi), ông là một trong số ít học trò còn lại từng được 3 cô giáo ngày xưa dạy.
Trong 3 cô, ông giờ chỉ nhớ được tên cô giáo Ghi. Ông kể: Sau giải phóng, các cô giáo đã vượt rừng đi bộ từ thị xã An Khê để vào Chơ Glong dạy học, với quãng đường chừng 60 km đường rừng núi. Vất vả, nguy hiểm thời đó thì khó diễn tả hết bằng lời, chỉ có tình yêu nghề, yêu quê hương đất nước, các cô mới có thể vượt qua. Giờ nhớ lại, tôi vẫn thương mến các cô.
Khi đi học ông khoảng hơn 20 tuổi, các cô cũng chỉ hơn ông có dăm bảy tuổi. Ông gần nhà nên đi học còn dễ, các cô ở xa lên đây dạy học là một điều thần kỳ. "Để chúng tôi đi học, các cô còn lên rẫy làm việc cùng bố mẹ chúng tôi. Thời đó trong làng không ai biết đọc, biết viết" - ông Kriu xúc động kể.
Giờ không một ai biết 3 cô giáo đầu tiên vượt con dốc dữ lên với học sinh vùng cao ở đâu. Chúng tôi đã cố gắng liên hệ nhiều nơi nhưng không một ai biết tin tức về 3 cô. "Thời đó, các cô lên đây cắm buôn làng được 2 năm rồi lại được luân chuyển nơi khác. Giờ đã 40 năm rồi, các cô chắc cũng người còn, người mất..." - một cán bộ về hưu cho biết.
May mắn khi chúng tôi gặp được một nhà giáo về hưu chỉ cho chúng tôi đến gặp 1 giáo viên từng tham gia cõng chữ lên dốc Ba Cô thời những năm 70. Cô Vũ Thị Lâm (SN 1959), cô là lứa giáo viên thứ 2 lên sau 3 cô giáo đầu tiên.
Cô Lâm quê ở Thanh Hóa, năm 1977, sau khi tốt nghiệp, mặc cho gia đình ngăn cản nhưng cô vẫn tình nguyện vào Gia Lai công tác.
Cô Lâm hồi tưởng: “Mặc dù chưa biết Tây Nguyên thế nào, nhưng đơn giản chỉ đi là đi thôi, đi theo lý tưởng của mình chứ không cần biết là khổ hay sướng.
Tôi về xã Chơ Glong dạy, trong hình dung tôi cũng không thể tưởng tượng ra là khó khăn đến vậy. Khi tôi về, con dốc cao và nguy hiểm đã mang tên dốc Ba Cô rồi. Vượt qua còn đường đèo dốc để đến với trường luôn là một thử thách và mạo hiểm.
Ngày đó đường vắng vẻ, chỉ có thú rừng làm bạn. Chúng tôi đi không bao giờ dám đi một mình, thường đi thành tốp 3, tốp 4. Những câu chuyện người đi trên rừng bị thú dữ ăn thịt thời đó nghe như cơm bữa. Chỉ có tình yêu nghề, lý tưởng của thanh niên mới thúc đẩy chúng tôi vượt qua nỗi sợ hãi và vất vả để bám trụ..."
Được biết, năm 1978, cô Lâm lên xã Chơ Glong dạy, cả trường lúc đó chỉ có 4 giáo viên. Cô dạy 2 năm lại được điều chuyển đi nơi khác, bao lần chuyển trường nhưng cô vẫn gắn bó với các bản làng, với các em vùng sâu, vùng xa.
Ngày đó trường được mấy anh bộ đội dựng lên bằng tranh tre. Xung quanh trường còn heo hút. Mỗi đêm để xua tan đi cái lạnh và sự sợ hãi các cô chỉ có ôm nhau ngủ. Những ngày đầu đến đây không có ai có thể ngủ được, chỉ ôm nhau ngồi khóc suốt đêm, trông cho trời mau mau sáng. Ngày thì bữa đói bữa no, chủ yếu ăn hoa quả trong rừng để cầm cự. Giờ nhớ lại cô Lâm vẫn còn gai gai trong người về thời kỳ vất vả đó.
Mặc dù không phải là nhân vật chính trong câu chuyện về dốc Ba Cô, nhưng cô Lâm vẫn luôn kể cho giáo viên trẻ và học sinh của mình về một thời kỳ khó khăn nhưng tự hào về nghề giáo viên trên vùng cao. Những giáo viên ngày đó đã tô đậm thêm hình ảnh về những câu chuyện cổ tích giữa đời thường về dốc Ba Cô.
Giờ về Chơ Glong đã thay đổi nhiều, trẻ em nơi đây không còn mù chữ. Dù là xã nằm ở vùng sâu, vùng xa nhưng bản làng nơi đây đã mọc lên nhiều ngôi nhà sàn kiên cố, trường học đã được đầu tư xây dựng khang trang.
Nhưng đối với người dân Chơ Glong khi đi qua con dốc Ba Cô vẫn luôn nhớ và tự hào về các giáo viên dưới xuôi lên đây gieo con chữ cho bà con mình.