Doanh nhân mê Truyện Kiều

GD&TĐ - Nghệ nhân - doanh nhân Lê Văn Kinh (thành phố Huế) và dược sĩ - doanh nhân Nguyễn Duy Như (Hà Nội) là hai nhà doanh nghiệp đặc biệt mê Truyện Kiều.

Nghệ nhân - doanh nhân Lê Văn Kinh
Nghệ nhân - doanh nhân Lê Văn Kinh

1.

Nghệ nhân - Doanh nhân Lê Văn Kinh sinh năm 1929 (Kỷ Tỵ), quê gốc Hà Đông, hiện sống tại số nhà 82, đường Phan Đăng Lưu, thành phố Huế. Ông là một trong những thợ thêu nổi tiếng trong và ngoài nước. Cho đến nay ông đã có trên 80 năm trong nghề, đào tạo hàng chục ngàn thợ thêu.

Bộ tranh thêu tay bài thơ Cáo tật thị chúng bằng 20 thứ tiếng của ông vừa xác lập kỷ lục Việt Nam. Năm 2016, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống. Hiếm có một người làm công việc kinh doanh lại say mê Truyện Kiều như ông.

Từ khi mới lên 6, cậu bé Lê Văn Kinh đã được ông ngoại là Tham tri Bộ Lễ - Nguyễn Văn Giáo kèm cặp chữ Nho. 15 tuổi, ông vào học trường Quốc Học Huế. 18 tuổi ông vào Sài Gòn học khoa Hóa. Học chưa được một năm thì được tin cha bị trọng bệnh, ông đành bỏ học về chăm sóc cha.

Năm 1956, cha của ông qua đời, lo xong tang lễ, ông thay cha quản lý cửa hàng thêu và gắn bó với nghề thêu cho đến tận bây giờ. Cũng như các cửa hàng thêu trong cả nước, cửa hàng của ông trước đây chủ yếu là thêu tranh phong cảnh. Nếu thêu chữ thì chỉ thêu một vài chữ Hán như chữ Tâm, chữ Phúc, chữ Nhẫn và một vài bài thơ tứ tuyệt của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Trương Kế…

Mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, ông có thêm một sự lựa chọn mới. Nguyên do là: Vào một buổi sáng mùa hè năm 1997, có một đoàn phóng viên Mỹ đến thăm cửa hàng thêu của ông. Khi nghe ông giới thiệu bức tranh thêu chữ Hán bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế, một vị trong đoàn bất ngờ hỏi: “Việt Nam cũng có nhiều bài thơ hay, sao ông không chọn thêu?”. Câu hỏi ấy khiến ông thao thức, trăn trở suốt mấy đêm liền.

Ông sực nhớ thời niên thiếu, ông ngoại thường ngồi bên bàn trà, rung đùi ngâm bài kệ Cáo tật thị chúng (Có bệnh báo với mọi người) của Mãn Giác Thiền sư: Xuân đi, trăm hoa rụng/ Xuân đến, trăm hoa cười/ Trước mắt, việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi/ Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai (bản dịch của Ngô Tất Tố).

Ông ngoại thường lấy câu Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài của Đại thi hào Nguyễn Du để răn dạy con cháu. Thế là ông quyết định thử nghiệm thêu bài kệ Cáo tật thị chúng và câu Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” bằng chữ quốc ngữ.

Chữ Hán là chữ tượng hình, khi thêu lên trông giống một bức tranh, còn chữ quốc ngữ phiên âm từ chữ latin rất khó lòng thêu thành tranh. Ông phải mất mấy tháng trời tập viết theo lối thư pháp Việt, rồi miệt mài cả năm trời để thêu.

Riêng chữ Tâm trong câu Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài ông viết đi viết lại đến cả trăm lần bằng thư pháp Việt và Hán. Ông nhận thấy nếu thêu chữ Tâm bằng chữ quốc ngữ đã không được đẹp cho lắm lại không thể lột tả hết ý của cụ Nguyễn Du. Thế là ông nghĩ ra cách lồng ghép chữ Hán với chữ quốc ngữ. Ông thêu chữ Tâm bằng thư pháp Hán to và đậm, dùng chữ Tâm làm tâm điểm của bức tranh.

Nhờ nội dung có giá trị giáo dục sâu sắc của câu thơ và cách thể hiện sáng tạo, độc đáo của nghệ nhân mà bức tranh thêu Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài được nhiều khách hàng ưa thích chọn mua.

Riêng bức Cáo tật thị chúng thì thành công ngoài mong đợi. Một vị khách người Đức mua bức thêu này với giá ngất ngưởng khiến ông cũng phải ngỡ ngàng. Vị khách ấy còn thuê ông thêu thêm một bức Cáo tật thị chúng bằng tiếng Đức. Nhờ vậy mà ông mới nảy ra sáng kiến thêu Cáo tật thị chúng bằng 20 thứ tiếng.

Kể từ đó, xưởng của ông bắt đầu thêu thơ bằng thư pháp Việt kết hợp với thư pháp Hán. Ông không chỉ thêu Cáo tật thị chúngChữ tâm kia mới bằng ba chữ tài mà còn chọn thêu một số bài thơ, câu thơ hay của Hồ Chí Minh, Hàn Mặc Tử, Nam Trân, Bích Khê…

Riêng Truyện Kiều, ông phát hiện trong đoạn thơ Nguyễn Du diễn tả tâm trạng Thúy Kiều mong nhớ Thúc Sinh có một câu gợi hình chữ Tâm (chữ Hán) mà ông vô cùng tâm đắc. Đó là câu: Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời. Khi thêu, ông lại quyết định lấy chữ Tâm viết bằng thư pháp Hán làm nền cùng với ba ngôi sao nổi bật trên bầu trời. Ông còn nảy thêm một sáng kiến là số hóa, bằng cách biến chữ “nửa” thành ½ (một phần hai) và chữ “ba” thành số 3.

Điều làm ông cảm thấy hết sức hạnh phúc là sau khi hai bức tranh thêu Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tàiNửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời ra đời, một số vị khách không chỉ mua tranh mà còn mang tặng ông những tập sách Truyện Kiều quý hiếm. Chẳng hạn như tập Truyện Kiều - bản Nôm cổ nhất, xuất bản năm 1866 (do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm và chú giải, NXB Thời Đại).

Có người còn mang tặng ông bộ bình trà khảm hai câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Du: Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen. Từ bộ bình trà và hai câu thơ này, ông đã thêu thành bức tranh Mai hạc khá đẹp. Vì quá hâm mộ Truyện Kiều mà ông lặn lội ra Nghi Xuân thăm mộ Nguyễn Du. Ông đặt mua từ TPHCM bộ lịch in toàn bộ 3254 câu Kiều.

Năm nay (2017), Nghệ nhân - Doanh nhân Lê Văn Kinh đã 88 tuổi, nhưng trông ông vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn, phong độ. Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo những mặt hàng thêu mới. Cửa hàng của ông vẫn thường xuyên có khách trong và ngoài nước tìm đến mua tranh, tham quan và trò chuyện. Ông dự định sẽ tiếp tục chọn trong Truyện Kiều một số câu thơ hay để thêu thành những bức tranh thư phá

 

2.

Dược sĩ - Doanh nhân Nguyễn Duy Như nguyên là học sinh chuyên Toán, Trường chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa; nguyên sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội. Anh là một trong những người sáng lập Công ty TNHH Tuệ Linh, đồng thời là tác giả của một số công trình nghiên cứu về các loại thảo dược có giá trị.

Công ty của anh chế biến thảo dược bằng công nghệ sản xuất tiên tiến và cho ra đời những sản phẩm như: Giải độc gan Tuệ Linh, Giảo cổ lam Tuệ Linh, Cà gai leo Tuệ Linh, Dầu tỏi Tuệ Linh, Dầu gấc Tuệ Linh… có thể trị các bệnh như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, áp huyết, tiểu đường, thấp khớp…

Công ty TNHH Tuệ Linh của anh hơn một thập kỷ qua đã và đang góp phần chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người dân. Hiện Công ty TNHH Tuệ Linh đang mở rộng thị trường ra nước ngoài. Họ đã có văn phòng đại diện ở một số nước trên thế giới như Nga, Đức, Thụy Sĩ…

Trong một chuyến ra công tác Hà Nội, tôi tình cờ được gặp Dược sĩ - Doanh nhân Nguyễn Duy Như tại chung cư một người bạn. Tôi và anh tuy lệch nhau về tuổi tác nhưng nói chuyện rất hợp gu vì hai bác cháu đều rất đam mê Truyện Kiều.

Nguyễn Duy Như tâm sự: Anh mê Truyện Kiều từ thời học phổ thông. Càng trải nghiệm anh càng mê Truyện Kiều hơn - đặc biệt là từ khi lăn lộn trên thương trường với Công ty TNHH Tuệ Linh. Chính Truyện Kiều đã góp phần giúp anh hiểu rõ hơn về giá trị của đồng tiền.

Anh thuộc nằm lòng những câu: Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền; Tính bài lót đó, luồn đây/ Có ba trăm lạng việc này mới xuôi; Định ngày nạp thái vu qui/ Tiền lưng đã có, việc gì chẳng xong; Có ba mươi lạng trao tay/ Không dưng chi có chuyện này trò kia; Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì; Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê

Anh nhận thức sâu sắc rằng: Đúng là đồng tiền có sức mạnh hết sức ghê gớm nhưng bản thân nó đâu có tội. Đồng tiền sạch hay đồng tiền bẩn là do con người làm ra nó và sử dụng nó. Nhiều tiền thì ai mà chẳng muốn. Nhưng làm tiền theo cách của Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh thì phải lên án.

Đại thi hào Nguyễn Du rất ghét những loại người này. Ông gọi Tú Bà bằng mụ với cái màu da “nhờn nhợt”, gọi Sở Khanh là thằng “mặt mo”, tóm gọn thần thái của Mã Giám Sinh chỉ trong một câu: “Ghế trên ngồi tót sổ sàng”… Từ đó, anh đặt mục tiêu phấn đấu cho công ty của mình phải làm giàu bằng những đồng tiền sạch, sản phẩm sản xuất phải đạt chuẩn, hiệu quả cao, giá thành thấp, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Vì “thương trường là chiến trường” nên phải luôn học hỏi. Không chỉ học qua sách vở mà còn học trong trường đời. Không chỉ học những doanh nhân thành đạt mà còn học cả những doanh nhân thất bại. Nguyễn Duy Như nói rằng: Anh hết sức căm ghét mụ Tú Bà nhưng một vài câu nói của mụ ta khiến cho anh phải suy ngẫm.

Chẳng hạn như câu mụ căn dặn Thúy Kiều (sau khi đã tìm được cách bắt Kiều tiếp khách làng chơi): “Người ta ai mất tiền hoài đến đây”. Phải thật am hiểu tâm lý của khách làng chơi đến mức nào mụ mới thốt ra được câu để đời đó. Câu này không còn là của mụ Tú Bà nữa mà chính là của Đại thi hào.

Bằng sự từng trải của mình, cụ Nguyễn Du đã có một lời khuyên vô cùng bổ ích đối với những ai dấn thân vào con đường kinh doanh. Sản xuất, buôn bán mặt hàng nào mà không sáng tạo, thay đổi mẫu mã thì hãy coi chừng! Ví dụ như ngành du lịch, nếu không chịu làm mới, không chịu thay đổi phương thức thì “Người ta ai mất tiền hoài đến đây”! Tôi thực sự ngỡ ngàng trước phát hiện độc đáo này của anh.

Nguyễn Duy Như nói thêm: Người làm kinh doanh phải biết tính toán giữa vốn và lời (như Mã Giám Sinh từng tính toán, trước khi làm nhục Kiều) “Cũng là vừa vốn, còn sau thì lời”. Nếu làm kinh doanh mà để cho “vốn liếng đi đời nhà ma” (như mụ Tú Bà từng kêu la khi biết Mã Giám Sinh đã “chung chạ” với Kiều) thì thất bại là cái chắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.