Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được giảm thuế thu nhập

GD&TĐ - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phương án giảm thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp (DN) với DN vừa và nhỏ về mức 15% hoặc 17% (thuế suất phổ thông hiện hành là 20%). 

Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được giảm thuế thu nhập

Đây thực sự là một tín hiệu mừng đối với các DN vừa và nhỏ, nhất là với những nhóm DN khởi nghiệp, DN đang gặp khó khăn về vốn... Tuy nhiên, để chính sách thực sự “tiếp sức” cho DN thì rất cần sự sát sao từ phía cơ quan ban, ngành để giúp cho DN có thể dễ dàng tiếp cận những ưu đãi này của Nhà nước.

DN nên mừng hay lo?

Theo đánh giá của nhiều DN, một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp cho họ có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí kinh doanh, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhà Phát cho rằng: “Với DN nhỏ đang phải gồng gánh nhiều loại thuế phí khác nhau, giảm được đồng nào hay đồng đấy, dù ít hay nhiều đều có ý nghĩa không nhỏ với DN. Với DN chỉ có doanh thu vài chục tỉ đồng/năm, khoản tiền vài trăm triệu tới 1 tỷ đồng tiết kiệm từ việc giảm thuế sẽ được dùng để tái đầu tư sản xuất, bù vào giá thành sản phẩm, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho DN”.

Tuy nhiên, dưới một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, với những DN nhỏ, siêu nhỏ và DN khởi nghiệp, việc giảm thuế, thậm chí miễn thuế cũng không có ý nghĩa nhiều bởi nhiều DN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, kinh doanh không có lãi, thua lỗ triền miên. Ông Nguyễn Quyết Tiến - Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất, gia công và dịch vụ Việt: “Một DN nhỏ làm ăn phải nhiều năm sau mới có lãi. Thu nhập không có, vậy giảm thuế thu nhập để làm gì? Điều mà DN thật sự cần nhiều hơn là chính sách của Nhà nước về ưu đãi về đất đai, mặt bằng sản xuất, dịch vụ công… Chỉ khi có những hỗ trợ như vậy, DN làm ăn có lãi, việc giảm thuế mới thực sự tác động đến DN”.

Trước hai phương án của Bộ Tài chính là áp dụng thuế suất phổ thông được đưa ra từ 17% hoặc 15%. Mức thuế suất phổ thông đang áp dụng là 20% dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2016 - 2020 nhưng sẽ được bù đắp tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng vào tiêu dùng và đầu tư.

Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ nên chọn phương án giảm thuế xuống còn 15%, bởi phương án 17% chưa hỗ trợ được nhiều cho DN. Bởi hiện nhiều DN nhỏ và vừa đang có dấu hiệu “đuối sức”. Việc “tiếp sức” của Nhà nước qua thuế là rất quan trọng giúp DN có thể vượt lên.

Cần có quy định cụ thể

Có thể khẳng định, việc miễn giảm thuế cho DN nhất là DN nhỏ và vừa được xem là hành động “tiếp sức” không nhỏ từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào để phân định rõ ràng đâu là DN nhỏ, đâu là DN vừa. Bởi trong dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chưa được hợp lý và rõ ràng. Bởi với quy mô của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chỉ chênh lệch 1 vài tỷ đồng vốn cũng sẽ tạo khoảng cách lớn giữa các DN. Do vậy, việc áp dụng ưu đãi về thuế khi chưa có cơ sở phân định rõ ràng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN.

Nhiều DN cũng lo lắng, nếu ưu đãi thuế không đi kèm với những quy định cụ thể, minh bạch thì DN khó có thể tận dụng được hết những hỗ trợ của Nhà nước. Ông Ngọc cho rằng, đi kèm với chính sách miễn giảm thuế lần này, Bộ Tài chính cũng nên quy định rõ ràng nguyên tắc chi phí được trừ, chi phí nào không được trừ vào thu nhập tính thuế thu nhập DN. Việc quy định rõ ràng, chi tiết sẽ thuận lợi hơn cho DN trong việc hạch toán thu chi. Bởi để được hưởng các khoản ưu đãi về thuế, DN phải làm hồ sơ báo cáo chứng minh một số vấn đề như thu nhập, nhân sự, mặt bằng kinh doanh, đất đai… Các thủ tục này phức tạp và mất khá nhiều thời gian. Do đó, ông Ngọc kiến nghị các cấp ngành cần nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện để các biện pháp ưu đãi cho DN có thể đi vào cuộc sống.

Ở nước ta, hiện số DN nhỏ và vừa chiếm trên 90% tổng số DN đang hoạt động và đang giữ một vị trí không thể thay thế trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Vì vậy, chính sách giảm thuế là một trong những công cụ hỗ trợ đối với họ. Bởi hiện tại ở Hàn Quốc mức thuế suất dao động 10 - 20% tuỳ theo thu nhập; ở Pháp DN có doanh thu trước thuế dưới 7,63 triệu euro thì áp dụng mức thuế suất 15%, hoặc tại Trung Quốc dựa trên tiêu chí công nghệ, áp thuế suất 20% với DN công nghệ cao...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.