Doanh nghiệp vẫn thờ ơ với chống hàng giả

GD&TĐ - Hằng năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ hàng nghìn vụ và thu hồi hàng chục tấn hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn mác với quy mô, tính chất nghiêm trọng. 

Doanh nghiệp vẫn thờ ơ với chống hàng giả

Đáng nói là nhiều doanh nghiệp (DN) (có sản phẩm bị làm nhái, làm giả) vẫn không dám lên tiếng hoặc thờ ơ với chống hàng giả, hàng nhái vì sợ giảm sức mua của thị trường đối với sản phẩm của mình.

Liên tiếp phát hiện hàng giả, hàng nhái

Mới đây nhất, lô hàng gồm hàng nghìn bộ khoá giả đã bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ tại địa bàn huyện Cao Lộc khi đang trên đường vận chuyển vào nội địa.

Dù trên các ổ và chìa khoá đều ghi tên một thương hiệu lớn, nhưng thực chất toàn bộ số khoá trên đã được sản xuất, làm giả từ bên kia biên giới.

Tuy chưa xác định được chủ nhân của lô hàng, nhưng theo nhận định của cơ quan điều tra, sau khi vận chuyển về xuôi, những ổ khoá giả tiếp tục được thay vỏ hộp, dán nhãn mác giả rồi bán ra thị trường.

Qua phản ánh của các DN, còn rất nhiều sản phẩm bị làm giả, làm nhái như: Các loại quần áo, thiết bị lọc nước Kangaro, dầu gấc Vinaga, nước khoáng Lavie, Cocacola, thuốc lá Thăng Long, cùng các loại mỹ phẩm... mà người tiêu dùng rất khó để phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái...

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), những tháng đầu năm 2017, gần 5.500 vụ vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được phát hiện, xử phạt gần 16 tỷ đồng.

Trên địa bàn Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2017 lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 8.134 vụ về hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại, trong đó phát hiện 627 vụ hàng giả.

Cuối tháng Tư vừa qua, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra kho hàng mỹ phẩm tại quận Hà Đông và phát hiện gần 4 tấn mỹ phẩm gồm các loại dầu gội, dầu xả, dưỡng tóc, dưỡng da... không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Bao bì các sản phẩm chủ yếu ghi nguồn gốc tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc... Đáng chú ý, hộp đựng những sản phẩm trên đều được ghi chữ Trung Quốc. Qua xác minh bước đầu, số hàng trên được tập kết từ Móng Cái về Hà Nội sau đó đem đi phân phối ở các đại lý...

Đặc biệt, mới đây nhất (ngày 11/5), Đội quản lý thị trường số 5 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội 5 - Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra Công ty TNHH đồ câu cá Quang Uy Việt Nam (quận Long Biên, Hà Nội) và phát hiện khoảng 4 tấn thức ăn chăn nuôi thủy sản do Trung Quốc sản xuất.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty TNHH đồ câu cá Quang Uy Việt Nam không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh xuất xứ cũng như chất lượng của lô hàng...

Nhận định về thực trạng này, ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, việc làm giả, làm nhái sản phẩm gây nhiều hệ luỵ và ảnh hưởng xấu đối với người tiêu dùng. Song, điều trăn trở nhất là nhiều DN có sản phẩm bị làm nhái, giả không dám lên tiếng vì sợ giảm sức mua của thị trường.

Cần sự quyết liệt của các cơ quan chức năng

Có thể thấy, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian qua của các cấp ngành cho thấy tình hình đang diễn biến hết sức nghiêm trọng.

Tuy nhiên, chính ngành Hải quan và Công thương vẫn cho rằng, những con số trên chưa phản ánh hết mức độ nghiêm trọng của vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay.

Các cơ quan chuyên về chống buôn lậu, gian lận thương mại chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong đó, ông Đỗ Thanh Lam - Tổng thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - cho rằng, tuy DN là một trong những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất do tình trạng gian lận thương mại cũng như buôn lậu, nhưng sự vào cuộc của chính DN lại rất bị động.

Theo ông Lam, hiện tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng hoá vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra hết sức phức tạp và tinh vi. Bởi vậy các DN cần phối hợp chủ động hơn, tích cực hơn với các đơn vị thực thi công vụ chống hàng giả, hàng nhái để xây dựng thương hiệu của chính DN.

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái sẽ không đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự tham gia, phối hợp chủ động của DN. Mặt khác, theo phản ánh của các DN, việc xử lý các DN, đơn vị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất hàng giả, hàng nhái của cơ quan chức năng chưa quyết liệt, các thủ tục khiếu kiện phức tạp, rườm rà... nên không ít DN đã nản lòng.

Để DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại, cần có thay đổi cơ bản trong cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu của DN.                                                                                                                                     Chỉ khi DN Việt thực sự đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết, đặt uy tín và hình ảnh của mình làm trọng tâm, chắc chắn khi đó DN sẽ tích cực hơn trong phối hợp với cơ quan chức năng trong cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.