Từ lúc công tác ở quê hương Đồng Tháp - Sen Hồng, tôi đã có dịp tiếp xúc, gặp gỡ và trò chuyện với nhiều doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - những người bạn thiết thân luôn tâm huyết với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Những trao đổi, đề xuất, gợi mở thẳng thắn, thấu đáo giúp tôi có thêm nhiều góc nhìn sát thực, đa chiều và tổng quan trong quan điểm tiếp cận, chỉ đạo, điều hành. Chuyển tải tình cảm trân quý và cầu thị, mong rằng, bức thư này sẽ là cầu nối, là dịp tốt để chúng ta làm quen, gắn chặt kết nối, để tôi có cơ hội được chia sẻ, gửi gắm những tâm tư, ý tưởng, định hướng trên cương vị đảm trách một Bộ quản lý đa ngành.
Đầu thư, đại diện cho Bộ NN-PTNT, cùng với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi đến Quý Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp lời chào thiết thân, nồng ấm.
Dù đã gặp nhau hay chưa, chúng ta vẫn được sợi dây vô hình mang tên “Khát vọng Nông nghiệp Việt Nam” nối kết lại với nhau. Theo nhiều cách khác nhau, chúng ta đang cùng dựng xây và vận hành “hệ sinh thái nông nghiệp”, vì sự phát triển bền vững của ngành, vì sự thịnh vượng của đất nước.
Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực gắn bó mật thiết với nông nghiệp - nông dân - nông thôn, các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội nghề nghiệp vì sự đóng góp, dấn thân và tận hiến suốt thời gian qua.
Tôi mong muốn tiếp tục được đón nhận sự quan tâm, hợp tác, những ý tưởng hiến kế, đề xuất chính sách,… của tất cả quý vị. Không ai có thể biết tất cả, hiểu hết tất cả, làm được tất cả, mà không cần đến sự giúp đỡ từ những người chung quanh.
Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Điểm đến càng xa, càng khó, càng cần nhiều người siết tay đoàn kết, chung bước đồng hành. Sự chia sẻ, hỗ trợ từ những người bạn đồng hành sẽ tiếp thêm năng lượng, hun đúc quyết tâm.
Những thành tựu rất đỗi tự hào của ngành nông nghiệp trong thời gian qua đều ghi dấu ấn của quý hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp cả nước.
Những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra khắp thế giới không chỉ là sở hữu của một doanh nghiệp riêng rẽ, mà đã dần tích luỹ giá trị đại diện, tiêu biểu cho hình ảnh, thương hiệu, niềm tự hào quốc gia.
Những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đạt tầm cỡ khu vực, toàn cầu minh chứng cho tài năng, trí tuệ của một cộng đồng doanh nghiệp luôn năng động, đầy tâm huyết, giàu khát vọng, từng bước chinh phục những điều tưởng rằng như không thể.
Bao chuyến hàng sản phẩm nông nghiệp theo tàu lớn vượt đại dương, theo chuyến bay đường dài để đến với người tiêu dùng khắp thế giới, vừa mang đến lợi nhuận, uy tín cho doanh nghiệp, vừa góp phần tạo nên thu nhập cho hàng chục triệu nông dân trên những cánh đồng, cho hàng triệu công nhân ngày đêm vận hành dây chuyền chế biến nông sản, thực phẩm,…
Giá trị thu được không chỉ dừng lại ở những số liệu ghi nhận trong các bảng hạch toán tài chính như: doanh thu, lợi nhuận, số thuế góp vào ngân sách hàng năm…
Ngẫm nghĩ về tổng kết của người xưa: “Phi nông bất ổn - Phi công bất phú - Phi thương bất hoạt - Phi trí bất hưng”, tôi vẫn tâm niệm rằng, muốn phát triển bền vững, thịnh vượng, thì các yếu tố “Nông - Công - Thương - Trí” cần phải hoà quyện vào nhau, bện chặt lấy nhau. Đó chính là một phần của hệ sinh thái nông nghiệp.
Tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp gắn với quá trình chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” đến “kinh tế nông nghiệp”. Ngành nông nghiệp không chỉ đặt ra mục tiêu duy nhất về sản lượng, mà chú trọng đến mục tiêu tạo thêm giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng.
Tư duy “kinh tế nông nghiệp” dựa trên các đặc điểm, chỉ dấu của thị trường. Đầu vào sản xuất được quyết định bởi ba câu hỏi của kinh tế học: “Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai?”.
Tư duy “kinh tế nông nghiệp” quan tâm đến việc “đáp ứng nhu cầu thị trường cần, chứ không phải cung cấp mặt hàng chúng ta có”. Tôi hiểu cộng đồng doanh nghiệp chúng ta đang tiếp cận theo tư duy đó.
Nói đến tư duy kinh tế, phải nói ngay đến thị trường, phải nghĩ ngay đến vai trò, vị thế và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Mênh mông như biển cả, thị trường vốn dĩ là nơi tụ hội “trăm người bán, vạn người mua”.
Thị trường liên tục biến động và thay đổi. Năm trước thế này năm sau thế khác, tháng trước khan hàng tháng sau ùn ứ, thậm chí chỉ trong một ngày, có khi sáng vừa xôn xao chiều đã im ắng. Chuyển động của thị trường thường bất ngờ và khó đoán.
Mỗi diễn biến của thị trường có lẽ được biểu thị qua từng động thái của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp dạn dày kiến thức, kinh nghiệm kinh tế, nắm bắt sát sao thông tin cung cầu. Doanh nghiệp luôn nhạy cảm với tín hiệu thị trường như con tôm, con cá nhạy cảm với độ mặn, độ ngọt của nước, như côn trùng nhạy cảm với trời nắng, trời mưa.
Ở khía cạnh này, bộ máy quản lý chuyên ngành khó có thể cập nhật thông tin kịp thời, nhanh chóng và chuẩn xác. Chuẩn mực, đặc điểm, quy luật vận động,… của thị trường, thường vượt khỏi khả năng dự báo trong các bảng kế hoạch của cơ quan quản lý nhà nước.
Tư duy phát triển tiên tiến quan tâm đến việc tạo dựng mối quan hệ hài hoà “Nhà nước - Thị trường - Xã hội”. Phát triển nông nghiệp bền vững cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp và người nông dân. Cơ quan nhà nước giữ vai trò cầu nối từ cộng đồng doanh nghiệp đến người nông dân.
Cộng đồng doanh nghiệp giới thiệu, dẫn dắt người nông dân từng bước tiếp cận các quy chuẩn của thị trường, xu thế tiêu dùng, điều chỉnh từ quán tính “tự cung tự cấp” sang sản xuất theo tín hiệu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn kiến thức kinh tế, cập nhật thông tin thị trường cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Đó là mối quan hệ tương hỗ và bình đẳng, cần nhau, bổ trợ lẫn nhau, chứ không phải “xin cho”.
Như vậy, với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp là đối tác, hoàn toàn không phải đối tượng để quản lý. Chúng ta luôn cần có nhau, chung bước trên hành trình phát triển nông nghiệp bền vững.
Suốt quá trình công tác của mình, thật ấm lòng khi tôi thường xuyên nhận được nhiều chia sẻ, động viên, cổ vũ, hiến kế. Đồng thời, tôi cũng nhận được không ít những phản ánh về bất cập trong quản lý chuyên ngành: không phù hợp, không theo kịp sự vận động của xã hội, sự biến động của thị trường, gây khó khăn, cản trở cho các doanh nghiệp,...
Những ý kiến mang tính đóng góp, những phản ánh mang tính xây dựng như thế có ý nghĩa rất lớn trong việc điều chỉnh, hoàn thiện chính sách. Cộng đồng doanh nghiệp không chỉ đóng góp vào nguồn thu ngân sách, tạo nên cơ hội việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, mà còn giữ vai trò phản biện và góp ý chính sách, tư vấn kinh tế, định hình đường hướng phát triển của địa phương, của quốc gia.
Tôi luôn ước ao và có niềm tin rằng, các doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại một địa phương, không chỉ hướng đến doanh thu, lợi nhuận, mà còn hỗ trợ các nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp, lan toả tri thức, nâng cao chất lượng sống người nông dân, chung tay tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp.
Doanh nghiệp cường, đất nước thịnh. Với tôi, thành quả của doanh nghiệp nông nghiệp cũng là thành tựu của ngành nông nghiệp. Rào cản, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải cũng là trở lực cho sự phát triển một ngành nói riêng và của cả nền kinh tế đất nước nói chung.
Trong thời gian dài, đây đó vẫn còn cái nhìn định kiến với doanh nghiệp. Nào là chỉ biết “buôn đầu chợ, bán cuối chợ”. Nào là “ngồi mát ăn bát vàng”. Nào là khéo léo tận dụng những điểm chưa hoàn thiện của hệ thống chính sách, pháp luật.
Nhưng đâu hẳn là vậy. Đâu phải là vậy. Sử dụng ô tô để thuận tiện phục vụ công việc, gặp gỡ đối tác kinh doanh, đôi chân vẫn thân thuộc bờ ao, thửa ruộng. Mâm cao cỗ đầy nhưng nhiều hôm vẫn nuốt vội chiếc bánh, hộp mì cho qua đi cơn đói rồi lại tất bật vào việc. Rồi nào còn bao nhiêu là chi phí, toan lo,… chưa thể tính được hết.
Đằng sau mỗi người chủ doanh nghiệp là sinh kế của biết bao người lao động. Quy mô nhỏ, chi phí nhỏ. Quy mô lớn, chi phí lớn. Thuyền to gặp sóng lớn, người lèo lái thuyền lớn ra khơi thì luôn phải lường trước bão giông và bao chuyện bất ngờ xảy ra. Nhanh một chút thôi, có khi kịp đón cơ hội đến: đơn hàng được ký kết, thông quan. Chậm một chút thôi, có khi “lãi mẹ đẻ lãi con”, thậm chí khánh kiệt tài sản cả đời.
Quan sát từ góc độ cá nhân, tôi cảm nhận chính sách pháp luật đôi khi bỏ sót một số tồn tại, chưa điều chỉnh, giải quyết thấu đáo, kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống.
Nhưng vượt lên tất cả, khi tôn trọng và trân quý nhau như những người bạn đồng hành, chúng ta luôn có thể giãi bày, lắng nghe để thấu hiểu, hoá giải những khác biệt. Cùng ngồi lại, thì không gì là không thể.
“Buôn có bạn, bán có phường”. Giờ đây, hầu hết các doanh nghiệp đều tham gia các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội nghề nghiệp, cùng nhất quán triết lý: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau!”.
Cạnh tranh trong thị trường là điều đương nhiên, nhưng ngày nay, người ta cạnh tranh để cả hai đều thắng, tất cả cùng thắng.
Ở những đất nước phát triển mà tôi có dịp đến thăm, học hỏi, văn hoá hợp tác chính là nguồn vốn xã hội tạo nên sức mạnh và sự thịnh vượng cho cộng đồng doanh nghiệp. Xu thế hợp tác mới nói không với quan niệm cạnh tranh “một mình một chợ”, chợ thật và cả “chợ ảo”.
Hợp tác lại, nguồn lực sẽ lớn hơn. Thị trường lớn hơn, “chiếc bánh doanh thu” cũng lớn hơn, mỗi người được nhận lại đủ “phần bánh” lợi nhuận tương xứng.
Có một câu chuyện thật đáng suy ngẫm: “Mỗi sáng ở Châu Phi có một con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị chết. Mỗi sáng ở Châu Phi có một con sư tử thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, nếu không nó sẽ bị chết đói. Điều quan trọng không phải việc bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời mọc bạn nên bắt đầu chạy”.
Này những người bạn đồng hành, chúng ta cùng chạy nhé!