Theo đó, dự án GrabConnect sẽ hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp Việt Nam. Đây cũng là một trong phần trong việc thực hiện sứ mệnh Grab vì cộng đồng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, ủng hộ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Dự án GrabConnect được công bố trong bối cảnh các mặt hàng nông sản, đặc sản an toàn, chất lượng gặp nhiều khó khăn để đến được tay người dùng cuối với mức giá hợp lý, đặc biệt khi tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nông sản ở các địa phương.
Ngoài ưu thế đưa nông sản đến tay người dùng Grab và cộng đồng nói chung một cách nhanh chóng, tiện lợi, dự án GrabConnect còn mở ra khả năng đưa nông sản tiếp cận toàn bộ hệ sinh thái Grab với mạng lưới đối tác rộng khắp cả nước bao gồm nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm, chủ shop online, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống… và các đối tác doanh nghiệp của Grab.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết: “GrabConnect sẽ tận dụng năng lực công nghệ, mạng lưới rộng khắp và sức mạnh của hệ sinh thái Grab để kết nối nông sản từ người nông dân đến người dùng cuối thông qua ứng dụng công nghệ, với quy trình giao nhận nhanh chóng, tiện lợi, an toàn. Chúng tôi tin rằng GrabConnect sẽ đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở các địa phương, giúp bà con nông dân yên tâm canh tác và vượt qua những khó khăn trong đại dịch”.
Tiếp sau vải thiều Lục Ngạn, Grab có kế hoạch làm việc với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT và một số ban, ngành và địa phương để hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch của một số loại nông sản chính ở miền Bắc và Nam Trung Bộ...