Không thể học vì nghèo
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, các trường học phải luôn sẵn sàng cho việc chuyển giữa học trực tiếp và trực tuyến. Dù đã bắt đầu dạy và học trực tuyến được 2 đợt nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều em học sinh chưa có đủ điều kiện, trang thiết bị để học tập theo hình thức này.
Chỉ tính riêng khối THCS, toàn huyện có gần 40% học sinh không thể theo học trực tuyến vì thiếu thiết bị điện tử. Ông Đặng Quang Huy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Đa số học sinh là con em hộ nghèo, cận nghèo, không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh để tải ứng dụng học tập. Có những em ở bản giáp biên, vùng cao chưa có sóng và điện lưới quốc gia. Bởi thế, những nơi mà học sinh có thì thiết bị điện tử thì việc theo học cũng bất khả thi”.
Nằm trên địa bàn biên giới, song trường THCS Thanh Luông (xã Thanh Luông) được cho rằng khá thuận lợi do nằm trong vùng “lòng chảo” Mường Thanh. Họ thuận lợi bởi đây là khu vực phủ sóng tốt hơn so với các trường vùng sâu, vùng xa. Nhưng khi chuyển sang học trực tuyến, vẫn có tới 20% học sinh không đủ điều kiện học tập.
“Số 20% học sinh không thể học được trực tuyến chủ yếu là con em các hộ làm nông nghiệp. Họ làm gì có khả năng bỏ ra số tiền lớn như vậy để sắm điện thoại đắt tiền, cục phát wifi hay chi trả tiền sử dụng mạng internet hàng tháng được (?). Rồi còn chưa tính đến việc một nhà có tới mấy anh chị em cùng đang tuổi đi học. Như đợt dịch trước, nhiều em phải học chung nhóm với nhau. Có 2 em ở bản Hua Pe còn phải sang bản bên cạnh để học nhờ nhà bạn”, thầy Nguyễn Đức Hồng - Hiệu trưởng trường THCS Thanh Luông chia sẻ.
Tương tự, trường Phổ thông bán trú THCS Núa Ngam (xã Núa Ngam) chỉ có hơn 50% học sinh tham gia học trực tuyến. Còn tại trường Tiểu học xã Hua Thanh (xã Hua Thanh) có 2 điểm trường Pá Sáng và Nậm Ty “trắng” thiết bị, không điện, không sóng điện thoại. Vì vậy, nhà trường phải thực hiện cả dạy trực tuyến và giao phiếu bài tập cho học sinh.
Còn ở vùng biên giới, có trường gần như 100% học sinh không thể theo học với hình thức trực tuyến được. Thầy Lò Văn Sơn - Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Mường Lói (xã Mường Lói) chia sẻ: “Trường chỉ có 3, 4 em có thiết bị phục vụ học online. Số còn lại, thầy cô phải phân công nhau đi đến tận các bản giao bài tập. Dù vẫn đảm bảo học sinh được làm bài tập đầy đủ thì về lâu dài đây cũng không phải là biện pháp tối ưu”.
Có kêu gọi, nhưng... vẫn khó!
Trước những thách thức, khó khăn đặt ra trong năm học mới, các trường và cả phòng GD&ĐT huyện đã tích cực rà soát, kêu gọi quyên góp ủng hộ trang thiết bị cho học sinh để việc học tập được duy trì. “Vừa qua huyện trở thành tâm dịch của tỉnh. Các trường trên địa bàn phải tạm dừng đến lớp và chuyển sang học trực tuyến. Công ty Viettel Điện Biên đã hỗ trợ cấp phát hơn 1.000 bộ kit (sim số) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, ông Huy cho biết.
Tuy nhiên, đấy chỉ là số lượng học sinh đã có điện thoại nhưng không thể bắt sóng cũng như chi trả cho gói cước dịch vụ tốc độ cao. Còn lại, phần lớn học sinh đều chưa có thiết bị điện tử, việc kêu gọi quyên góp, ủng hộ vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Cô Quàng Thị Xuân - giáo viên trường THCS Thanh Luông chia sẻ: “Lớp tôi chủ nhiệm có 2 học sinh ở bản vùng cao thuộc diện khó khăn nhất xã. Mỗi khi học online, các em đều phải sang bản bên cạnh học nhờ cùng bạn. Ở đấy không có mạng internet, không có điện lưới quốc gia. Trong khi, nếu để đủ điều kiện học trực tuyến phải có ít nhất 3 thiết bị cơ bản là: Điện thoại, cục phát sóng wifi và máy phát điện. Tính ra chi phí lên đến hơn chục triệu đồng. Thời buổi dịch bệnh như thế này, mình huy động cũng khó khăn lắm”.
Thầy Sơn cũng chung nỗi niềm như vậy khi kêu gọi ủng hộ các trường hợp học sinh không thể tham gia lớp học trực tuyến vì thiếu phương tiện: “Như trường tôi gần như không học sinh nào có thể học online, để giảm xuống một nửa cũng là một khoản tài trợ lớn rồi. Đợt dịch trước cũng có làm đơn xin hỗ trợ nhưng chưa thấy gì cả. Toàn huyện còn nhiều trường như thế, không phải nói khó khăn là được ngay”.
Ông Đặng Quang Huy cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ được tài trợ 5.000 bộ kit từ công ty Viettel Điện Biên và 121 máy tính bảng cho học sinh. Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi cá nhân, tập thể ủng hộ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Quan điểm của ngành là phấn đấu để học sinh có đủ điều kiện tối thiểu phục vụ cho việc học trực tuyến.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"