Doanh nghiệp cung cấp thiết bị giáo dục ứng biến trước dịch bệnh Covid-19

GD&TĐ - Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành giáo dục (GD)… cũng tăng cao. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp phải ứng biến để duy trì hoạt động.

Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát cung ứng mô hình đồ chơi cho trường mầm non trong tỉnh Thanh Hóa.
Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát cung ứng mô hình đồ chơi cho trường mầm non trong tỉnh Thanh Hóa.

Ảnh hưởng đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh

Năm 2021 là năm đất nước chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19, với các doanh nghiệp tại Thanh Hóa cũng không ngoại lệ. Trong đó, phải kể tới những doanh nghiệp cung cấp thiết bị giáo dục, gồm: Bàn ghế, bảng viết, thiết bị phục vụ dạy và học, khu vui chơi giải trí, đồ chơi cho trẻ học mầm non,…

Ông Lê Thế Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát (TP Thanh Hóa) cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành GD nói riêng.

Đối với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp các thiết bị GD, công nghệ thông tin thời gian qua phải đối mặt với không ít khó khăn. Trước hết đó là tình trạng giảm sút mạnh về doanh số bán hàng do các địa phương thực hiện giãn cách, cách ly xã hội khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

“Tình trạng ngưng, tạm ngưng sản xuất do thiếu nhân lực và vật tư, nguyên liệu đầu vào đã khiến nhiều công ty sản xuất phải đóng cửa. Bên cạnh đó, tình trạng đóng băng đường biên do dịch bệnh cũng làm cho việc xuất nhập khẩu của doanh nghiệp gặp khó.

Chưa kể, giá nguyên vật liệu, thiết bị công nghệ thông tin tăng cao hơn so với thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, dao động từ 20-30% thậm chí có sản phẩm tăng gấp đôi”, ông Thế Anh nói.

Dụng cụ đồ chơi cho trường mầm non được Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát (TP Thanh Hóa) cung cấp cho Trường Mầm non Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).
Dụng cụ đồ chơi cho trường mầm non được Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát (TP Thanh Hóa) cung cấp cho Trường Mầm non Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Theo ông Thế Anh, giá cả hàng hóa tăng cao do dịch bệnh khiến doanh nghiệp rất khó nhập hàng. Cũng vì vậy, khả năng cung ứng hàng hóa cho khách hàng không thuận lợi như mong muốn. Đặc biệt, các sản phẩm như máy tính để bàn, máy tính xách tay tăng từ 25 – 35%.

“Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường phải chuyển sang tình thế dạy học trực tuyến. Do đó, nhu cầu về thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến, như: máy tính xách tay, máy tính bảng, webcam hay tai nghe,… cũng tăng cao dẫn tới tình trạng khủng hoảng thiếu. Nhất là nguồn hàng thiết bị nêu trên phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài nên rất bị động.

Nhiều doanh nghiệp đôi khi không kịp đáp ứng nhu cầu cho khách hàng. Có những đơn hàng đến thời hạn, nhưng doanh nghiệp không nhập được nguồn hàng đành phải gia tăng thời hạn hoặc hủy hợp đồng”, ông Anh nói thêm.

Cũng theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát, thời gian qua người dân trong nước rất quan tâm đến vấn đề đấu thầu, đấu giá… nhất là lĩnh vực mua sắm thiết bị.

Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm thiết bị hỗ trợ giảng dạy tại các trường, đơn vị quản lý giáo dục. Kéo theo doanh số bán hàng của các công ty cung cấp thiết bị giáo dục bị ảnh hưởng.

Ứng biến trước khủng hoảng dịch bệnh

Đối với Nghị định 128 do Chính phủ ban hành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát, cho rằng; Nghị định cơ bản đã giải quyết được một phần việc gián đoạn sản xuất, và dịch vụ giáo dục trực tiếp,..

Tuy nhiên, việc tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo, đặc biệt loại hình đào tạo trực tiếp còn nhiều hạn chế.

Mặc dù, hàng hóa đã được lưu thông nhưng vẫn còn rất hạn chế do cần thời gian để nhập nguyên liệu, vật tư đầu vào tổ chức sản xuất. Nhu cầu đối với hàng hóa GD còn yếu, nên việc cung ứng hàng hóa đối với doanh nghiệp còn chậm.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát đã đưa ra nhiều giải pháp tạm thời để vực dậy doanh nghiệp.

Với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát, học sinh Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) được nhận hỗ trợ điện thoại theo Chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát, học sinh Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) được nhận hỗ trợ điện thoại theo Chương trình "Sóng và máy tính cho em".

“Công ty đã ứng biến với dịch bệnh bằng hình thức kinh doanh thêm lĩnh vực điện lạnh, điện công nghiệp, điện nhẹ. Mặc dù, đây không phải ngành hàng chủ lực song lại giúp công ty duy trì hoạt động trong tình hình dịch bệnh.

Ngoài ra, với những trường học không đủ kinh phí nhưng trước nhu cầu cấp thiết về trang thiết bị để dạy học trong thời điểm dịch bệnh. Chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện cho đơn vị mua hàng trả chậm, không tính lãi giúp họ vượt qua khó khăn”, ông Anh chia sẻ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát vẫn dành kinh phí, thời gian để chia sẻ với ngành GD trong thời điểm đại dịch Covid-19 phức tạp.

Vừa qua, hưởng ứng Chương trình "Sóng và máy tính cho em", công ty này cũng đã chúng tay đóng góp một phần kinh phí, để trao tặng điện thoại cho học sinh ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa), giúp các em có điều kiện học trực tuyến. 

Sắp tới, công ty dự định sẽ tham gia chức chương trình thiện nguyện với Báo GD&TĐ, giúp đỡ học sinh ở vùng cao Thanh Hóa, với mong muốn các em được mặc đủ ấm khi tới trường.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ