Tuy nhiên, theo các DN, họ không hy vọng sẽ tuyển đủ LĐ vào những phiên đầu năm, do tâm lý người lao động (NLĐ) muốn “ăn Tết” đến hết tháng Giêng, sau đó mới đi tìm kiếm việc làm...
Tỷ lệ công nhân đến làm việc đúng hẹn cao
Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán là thời điểm sôi động nhất của thị trường LĐ. Tuy vậy, khác với mọi năm, năm nay không còn tình trạng NLĐ “nhảy việc” tràn lan, gây ra tình trạng biến động thị trường LĐ như những năm trước.
Theo Liên đoàn LĐ TP Hà Nội, trong tuần đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, gần 100% các DN thuộc các KCN - KCX đóng trên địa bàn đã trở lại làm việc bình thường với số LĐ làm việc trên 95%.
Còn tại TPHCM, tỷ lệ công nhân quay trở lại làm việc sau Tết cũng đạt 95% ngay ngày đầu tiên. Theo đánh giá của đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường LĐ TPHCM, số LĐ chưa đến làm việc chủ yếu là xin nghỉ thêm một vài ngày do nhà xa, đa phần là những người sống ở khu vực miền Trung, miền Bắc, vì họ kết hợp những ngày nghỉ Tết và cắt thêm phép năm để có thêm thời gian sum họp bên gia đình.
Theo đánh giá của các chuyên gia LĐ, rút kinh nghiệm những năm trước, vài năm trở lại đây, DN đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng đời sống NLĐ, cũng như các chế độ đãi ngộ với các chính sách hấp dẫn như: Lương, thưởng và phúc lợi tốt nên mức độ thiếu hụt LĐ sau Tết chỉ dưới 3%, mức độ dịch chuyển LĐ khoảng 15%.
Thậm chí, những Tết gần đây, nhiều DN còn tổ chức các chuyến xe “nghĩa tình” đưa NLĐ về quê và đón ra làm việc. Chị Đỗ Thị Lý, công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ, những năm trước công ty chị chỉ hỗ trợ xe cho NLĐ về quê ăn Tết, nhưng năm nay hết Tết lại bố trí xe đón NLĐ trở lại, nên tỷ lệ NLĐ quay trở lại làm việc đúng ngày đạt 95%, cao hơn những năm trước rất nhiều.
“Năm ngoái, sau kỳ nghỉ Tết, do khó bắt được xe, tôi đã định “nhảy việc”. Năm nay do kinh doanh phát triển, công ty có nhiều chế độ đãi ngộ công nhân hơn.
Trước Tết, chúng tôi được nhận thêm tháng lương thứ 13 và quà. Ngày đầu tiên đi làm, chúng tôi được xưởng bố trí nghỉ sớm hơn ngày thường để mọi người có thời gian gặp gỡ, chúc Tết, được công ty lì xì đầu năm cho nên ai cũng muốn đến sớm. Vì vậy, tôi đã xem đây là ngôi nhà thứ hai và có ý định gắn bó lâu dài” - chị Lý cho biết.
DN vẫn “khát” lao động
Theo đánh giá chung của các DN, năm nay tình hình kinh tế trên đà khởi sắc, nhiều DN có nhu cầu tuyển mới LĐ để sản xuất các đơn hàng mới.
Tuy nhiên, tình trạng khó tuyển LĐ vẫn xảy ra ở một số địa phương. Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường LĐ TPHCM tại 1.800 DN cho thấy, các DN này có nhu cầu tuyển 20.000 LĐ làm ổn định và trên 10.000 LĐ thời vụ.
Trong đó, LĐ phổ thông chiếm 37%, sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 20%, trung cấp 18%, trình độ CĐ, ĐH và trên ĐH chiếm 27%.
Khu vực dịch vụ vẫn tuyển nhân lực nhiều nhất. Trong đó, một số ngành nghề thu hút nhiều LĐ là dệt may, da giày, xây dựng, cơ khí, điện - điện tử.
Tại hầu hết KCN đều bắt gặp những băng rôn, khẩu hiệu tuyển dụng LĐ với số lượng hàng trăm đến hàng nghìn NLĐ, với mức lương hấp dẫn từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, cùng nhiều chế độ phúc lợi và chính sách bảo đảm cuộc sống ổn định cho NLĐ.
Tuy nhiên, theo các nhà tuyển dụng, việc tuyển thêm LĐ tại thời điểm này không hề dễ dàng. Nhiều DN chấp nhận tuyển dụng những LĐ chưa có tay nghề để đào tạo và vẫn trả lương trong thời gian đào tạo. Nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế, về lâu dài, theo các chuyên gia DN cần phải tăng đầu tư máy móc, tự động hoá...
Thực tế, đến nay, hầu hết các DN dệt may, da giày đã có đơn hàng đến hết tháng 6/2017. Một số DN đã đăng thông tin tuyển dụng từ trước Tết Nguyên đán, nhưng đến nay số lượng LĐ mới chỉ đáp ứng được 10%.
Tuy không ít DN đã đưa ra chế độ, chính sách tốt như có thêm lương sản phẩm, chế độ thưởng lễ, tết, sinh nhật, nghỉ mát.. nhưng vẫn khó tuyển được LĐ.