Tôi về làm dâu ở nhà anh chưa đầy một năm đã được chứng kiến vô vàn tình huống dở khóc dở cười vì thói quen cãi nhau của bố mẹ chồng.
Mẹ chồng tôi khá điềm đạm, hiền lành, nhưng từ ngày về hưu, bà bỗng dưng trở nên khó tính kì lạ. Mọi người nói đó là sự thay đổi rất bình thường, càng có tuổi thì người ta càng hay để ý những chuyện nhỏ nhặt.
Con cái chỉ cần quan tâm rồi cư xử cho đúng mực là được, nhưng đúng mực như thế nào thì cũng thật khó để định ra giới hạn.
Ban đầu bà rất hay hờn dỗi và so đo với tôi. Trong bữa cơm, chồng tôi gắp thức ăn cho bà rồi tiện gắp luôn cho vợ. Không khí bữa ăn đang bình thường thì bỗng nhiên mẹ chồng tôi buông đũa, nói đã no không muốn ăn thêm nữa rồi đi thẳng vào phòng.
Nghĩ bà mệt nên vợ chồng tôi cũng không làm phiền, để yên cho bà nghỉ. Ai ngờ, hôm sau bà dỗi ra mặt, tức tốc dọn đồ đòi về quê.
Tôi cứ nghĩ mình là con dâu nên bà mới đối xử “đặc biệt” với mình như vậy. Nhưng về sau, bố chồng tôi cũng trở thành “nạn nhân đau khổ” của bà.
Có lần cả nhà đang ăn uống vui vẻ, bố chồng tôi không nói gì, nhưng chả hiểu bà nghĩ gì mà chen vào trách móc chồng thậm tệ. Thậm chí hôm ấy bà chửi rất tục: “Cả đời tôi vất vả hi sinh cho chồng con, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc mà thằng chồng không ra gì”. Tôi sốc quá, buông bát cơm, không nuốt được miếng nào nữa.
Chồng tôi gàn: “Thôi mẹ đừng nói nữa, ngày nào cũng một câu chuyện mà mẹ kể hết năm này qua năm khác”. Trong lúc mẹ chồng tôi đang nóng, lời can ngăn của anh không khác gì đổ thêm dầu vào lửa, bà càng mắng chửi hăng hơn.
Bực quá, bố chồng tôi ném cái chén rồi bảo: “Nếu bà vẫn nói, tôi sẽ ném từng cái, ném bằng hết thì thôi”.
Tôi không thể thích nghi được với việc bố mẹ chồng hay giận dỗi, cãi nhau nhau vì những lý do không đâu vào đâu. Xong xuôi, đến sáng hôm sau lại thấy bà hì hụi dậy sớm chuẩn bị quần quần áo áo đi bộ với ông, lại cùng nhau tưới cây, cười vui như chưa hề có cuộc “khẩu chiến” tối hôm trước.
Nhiều lần tôi hỏi chồng: “Sao bố mẹ anh kỳ lạ thế nhỉ? Hôm trước cãi nhau như kẻ thù, hôm sau lại tình cảm thắm thiết như đúng rồi”. Chồng tôi nửa đùa nửa thật: “Có khi sau này chúng mình cũng thế”.
Quan sát mẹ chồng kĩ hơn, tôi phát hiện tính bà rất trẻ con, khẩu xà tâm phật, chỉ cần không vừa lòng một tí là bà dằn dỗi, làm mình làm mẩy với chồng.
Những chuyện cãi nhau giữa hai ông bà toàn là những việc nhỏ nhặt, nếu bình tĩnh nói chuyện thì sẽ giải quyết được vấn đề. Nhưng tính mẹ chồng tôi lại bảo thủ, chỉ khăng khăng theo ý mình, bà lại có tật nói nhiều nên nhà cửa lúc nào cũng như đang có chiến tranh.
Hơn nữa, bà đang tuổi hồi xuân, thích được cưng nựng, chiều chuộng nhưng bố chồng tôi không hưởng ứng nên cũng làm bà bức bối, mặt nặng mày nhẹ suốt ngày.
Lắm khi hai ông bà lục đục, cãi nhau chán chê rồi gọi vợ chồng tôi ra để phân xử đúng sai, nhưng hễ chúng tôi cất lời thì một trong hai lại mất lòng.
Nói ông đúng thì bà giận, bảo ông sai thì ông phật ý. Kiểu gì vợ chồng tôi cũng phải hứng chịu một trận mắng oan lây lan từ cơn tức giận của ông bà. Đôi khi chưa kịp nói gì ông bà còn vu cho tội lôi kéo phe cánh vì nhân cơ hội hai ông bà có chuyện để tranh thủ lấy lòng.
Được cái, dù cuộc “khẩu chiến” căng thẳng đến mức nào đi nữa thì khi kết thúc, bố mẹ chồng tôi vẫn có thể vui vẻ trở lại, tôi và chồng đôi khi mạnh dạn ngồi lại góp ý, nhưng ông bà chỉ cười ngượng và nói: “Thỉnh thoảng cãi nhau cho nó vui cửa vui nhà. Hai đứa cứ có con đi là bố mẹ hết cãi nhau…”.