Trên đường về tôi khóc như mưa, Sơn an ủi: "Em đừng giận mẹ nhé, mẹ nghĩ sao nói vậy chứ không để bụng đâu. Khi tiếp xúc mẹ nhiều hơn, em sẽ thấy bà là người rất vui tính".
Sơn giải thích thế nào cũng không có tác dụng, tôi vẫn khóc tức tưởi: "Em có cảm giác mình bị xúc phạm quá đáng. Mẹ anh nói thế khác gì ví em như mấy cô gái không đứng đắn ngoài kia". Sơn nài nỉ: "Thôi mà em, coi như anh thay mặt mẹ anh xin lỗi em. Nhưng em cứ chờ mà xem, mẹ không hề định kiến gì về em đâu".
Ngày hôm sau Sơn hí hửng gọi cho tôi, thông báo: "Em ơi! Mẹ đồng ý cho anh cưới em rồi". Tôi tạm quên câu nói của ngày hôm trước và tin rằng mẹ anh không phải người quá đáng như tôi từng nghĩ.
Chúng tôi kết hôn và nhanh chóng có "tin vui". Lẽ ra tôi phải nhận được những lời ngợi khen, động viên của mẹ chồng, ai ngờ, toàn là những lời khiến tôi cảm thấy đau lòng. Bà chưa bao giờ dành cho tôi một lời nói yêu thương, tình cảm hay tỏ thiện chí. Nghĩ mà buồn nhưng tôi vẫn tin lời chồng, bà chỉ ác miệng chứ không ghét con cháu trong nhà.
Nhưng gần đây, những biểu hiện của mẹ chồng lại khiến tôi phải suy nghĩ theo chiều hướng xấu. Chuyện bà ấn tượng không tốt về tôi ngay lần đầu là sự thật. Không làm thế nào ngăn cản được tình cảm của con trai nên bà tìm mọi cách trút giận lên con dâu và cả đứa cháu nội sắp chào đời.
Tôi còn nhớ như in ngày mình thông báo sắp sinh con gái đầu lòng, bà phán một câu xanh rờn: "Con gái thế nào chứ mặt mũi, tính cách lại giống mẹ nó thì chán phát ốm". Biết tôi không vui, tối hôm đó Sơn chủ động ôm tôi rồi thủ thỉ rất tình cảm: "Có một cô con gái là mơ ước của cả đời anh đấy. Nó mà giống em thì sẽ rất xinh đẹp". Nhưng lời phán của mẹ chồng vẫn văng vẳng trong đầu khiến tôi không làm thế nào vui vẻ trở lại: "Anh có nghĩ mẹ quá đáng lắm không? Gái hay trai thì cũng là cháu nội bà, sao mẹ có thể nói...". "Em biết tính mẹ rồi đấy, mẹ hơi ác miệng nhưng không ác ý".
Dù chồng cố gắng giải thích thế nào tôi cũng không thể thay đổi suy nghĩ về mẹ chồng. Giai đoạn bùng nổ chính là lúc con tôi chào đời. Ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên với cháu nội, mẹ chồng tôi đã chẹp miệng: "Đấy, biết ngay mà, nó giống mẹ nó như đúc, xấu ơi là xấu".
Tôi nghe mà nhói lòng, trên đời này có bà nội nào chê cháu thế không. Người ta luôn dành những câu khen ngợi tốt đẹp nhất khi nhìn thấy một đứa trẻ, bất kì người nào cũng hiểu đạo lý đó. Huống hồ đây là đứa trẻ mới sinh, lại là cháu ruột của bà. Biết tôi ức chế, chồng tôi lại cố gắng giải thích: "Em phải hiểu thế này, người ta thường tránh khen một đứa trẻ xinh hay bụ bẫm. Thay vào đó phải nói là xấu, đáng ghét..."
Nhưng lần này tôi không thể tin lời chồng được nữa, rõ ràng mẹ chồng tôi có ý xấu khi cố tình chê cháu nội. Hàng xóm tới chơi, họ khen con tôi xinh. Mẹ chồng tôi lại cho một câu phũ thế này: "Nó giống con mẹ nó, xinh gì mà xinh. Sao không được nét nào của thằng bố, sau này lớn lên có vớt vát được gì không chứ thế này thì… lo lắm".
Có lẽ người hàng xóm cũng sốc trước lời bình luận quá đáng của mẹ chồng tôi nên cố gắng "đánh trống lảng": "Thế bà nội đặt tên cúng cơm cho cháu chưa?". Không ngờ mẹ chồng tôi còn buông thêm một câu phũ hơn: "Cháu nó xấu thế này thì cứ gọi là con Ỉn cho xong".
Quá đáng đến mức này thì tôi không thể chịu đựng thêm nữa. Đợi hàng xóm về, tôi đến bên mẹ chồng, góp ý thẳng thắn: "Mẹ ạ! Đành rằng cháu còn nhỏ, còn trộm vía như vậy, còn chưa biết cháu như thế nào, phát triển ra sao nên con nghĩ mẹ không nên chê cháu nó xấu như thế, tội nghiệp cháu."
"Ơ hay nhỉ! Tôi chỉ nói đúng sự thật, bây giờ thì cô giỏi rồi, còn "nắn" cả mẹ chồng. Cô nhớ lấy cái chiêu này để dạy con gái của cô nhé". Trước phản ứng quá quắt của mẹ chồng, tôi ngậm miệng, không nói thêm gì nữa. Đợi chồng đi làm về, tôi sẽ nói thẳng: "Nếu anh không chịu ra ở riêng thì mẹ con tôi sẽ về nhà ngoại".