Đồ chơi nguy hiểm bủa vây trường học

GD&TĐ - Mới đây, 30 học sinh một trường tiểu học ở Kiên Giang phải nhập viện vì nghi ngộ độc đồ chơi “quả bom thối”. Chuyện không mới và đã xảy ra ở một số địa phương, khiến giáo viên và phụ huynh bất an, báo chí cũng đã lên tiếng cảnh báo.

Đồ chơi nguy hiểm bủa vây trường học

Tuy nhiên đồ chơi, quà vặt bán xung quanh trường học vẫn nhan nhản khắp nơi và khâu kiểm duyệt dường như bị bỏ ngỏ…

Trẻ dễ tiếp cận đồ chơi nguy hiểm

Vụ ngộ độc tập thể nghi do đồ chơi xảy ra vào ngày 14/10 tại Trường TH Thuận Hòa III (xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang) làm nhiều phụ huynh bất an. Vụ việc xuất phát từ việc một số học sinh chơi đồ chơi mang tên "quả bom thối". Khi bị tác động, món đồ phát nổ và có mùi hôi khó chịu. Ngay sau đó có khoảng 30 học sinh bị ngất xỉu, trong đó có nhiều học sinh phải chuyển đi bệnh viện huyện cấp cứu. Riêng những học sinh bị nhẹ được điều trị tại các cơ sở y tế trong xã.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu được xác định là do một số em học sinh chơi món đồ chơi nhựa “quả bom thối” với nhiều hình dáng khác nhau, có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi đó, một số em ra cổng trường mua loại đồ chơi này và cùng nhau chơi đùa nhưng sau đó “quả bom thối” bị tác động, phát nổ, tỏa ra mùi hôi ngột ngạt khó chịu làm hàng loạt em ngất xỉu.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hải - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang: Tất cả các học sinh bị nghi ngộ độc từ các món đồ chơi Trung Quốc xảy ra tại Trường TH Thuận Hòa III đến nay đã khỏe mạnh và bác sĩ đã cho xuất viện về nhà. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc… Trước đó, vào đầu năm 2014, tại Trường Tiểu học Chu Văn An (thị trấn Đức An, Đắk Song, Đắk Nông) cũng đã có khoảng 30 em học sinh đang vui đùa món đồ chơi “bom thối” thì bất ngờ nổ, xì hơi khiến các em đồng loạt co giật, mẩn ngứa, ngất xỉu chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại đồ chơi được gọi là “quả bom thối” bên ngoài có dán nhiều hình ảnh bắt mắt, bên trong có túi nilon chứa hóa chất. Khi dùng tay chân đạp, túi nilon phồng lên sẽ gây nổ, bay ra loại khí mùi rất khó chịu. Người chơi chỉ cần tác động một lực nhỏ là túi đồ chơi này lập tức phát ra một tiếng nổ kèm dung dịch lạ có màu trắng đục, vàng cam sền sệt. Cùng với sự phát nổ của quả bom, mùi hôi thối nồng nặc tỏa ra gây khó chịu cho những người xung quanh. Tại một số cửa hàng tạp hóa và hàng quán gần khu vực các trường học, loại đồ chơi này được chào bán công khai với giá chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/gói.

Theo nhận định của một số giáo viên dạy môn Hóa học, muốn biết bom thối làm bằng chất gì phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng và làm xét nghiệm. Qua quan sát bằng mắt thường, theo mùi cũng như cách phát nổ của chúng, nhiều người cho rằng có thể chất dùng để sản xuất “bom thối” là muối bicarbonat. Theo đó, loại muối này không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể người nếu bắn vào da và quần áo. Tuy nhiên, dung dịch trong bom thối bắn vào mắt sẽ gây hại rất lớn. Thậm chí, có thể dẫn tới bị mù nếu không được chữa trị kịp thời.

“Tấn công” trường vùng sâu, vùng xa

Các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ thường được bày bán ở khu vực trường học ở vùng sâu, vùng xa. Ở khu vực thành thị, xung quanh các trường hàng quán chủ yếu bán bánh kẹo, chứ đồ chơi không có nhiều. Tại vùng nông thôn, những thứ quà vặt mà các em học sinh tiểu học và THCS ưa thích và thường gọi là chả xiên, thịt bò chua cay, bỏng ngô cay hương dâu, vitamin C hình ngôi sao, thịt hổ, trứng khủng long, thạch rau câu...

Các món quà vặt này được bày bán công khai, giá cả rất rẻ, chỉ cần 1.000 đồng trở lên là đã có một món yêu thích. Khi đặt câu hỏi tại sao thích ăn những món này, hầu hết các em đều trả lời vì ngon mà lại rẻ. Theo quan sát, hầu hết các loại quà vặt, đồ chơi nhãn mác không rõ ràng, không ghi hạn sử dụng, ngoài bao bì chủ yếu là hình ảnh và chữ nước ngoài. Nguy hiểm hơn là những thông tin về thành phần và hướng dẫn sử dụng lại không có. Tuy nhiên, các quán bán hàng ở nhiều cổng trường học vẫn ngang nhiên bán những sản phẩm này và hầu như không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.

Theo một số chủ cửa hàng tạp hóa ngay tại huyện An Minh, vì hình dáng bên ngoài bắt mắt, quá rẻ nên các loại quà vặt, đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán ở gần các trường học, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Riêng loại đồ chơi được gọi là “quả bom thối” được đóng vỉ, 24 cái/vỉ hoặc 30 cái/vỉ, giá chỉ vài chục ngàn đồng/vỉ. Tuy nhiên, các quán tạp hóa hay cửa hàng hầu như rất ít bán loại này; chủ yếu là những người bán dạo hoặc bán hàng rong đến cổng trường để chào mời học sinh mua chơi.

Sau khi vụ việc học sinh ở Kiên Giang nghi bị ngộ độc tập thể từ đồ chơi “quả bom thối”, phía nhà trường lẫn phụ huynh đều lo ngại cho sức khỏe của con em. Bởi từ lâu nay nhiều đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn âm thầm bao quanh trường học. Nếu ngành chức năng không tăng cường kiểm tra, giám sát, bom thối hay những đồ chơi nguy hiểm vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh.

“Ngay sau khi có việc học sinh nghi bị ngộ độc đồ chơi, Phòng GD&ĐT An Minh đã có buổi làm việc với các hiệu trưởng trường học trên địa bàn huyện để chấn chỉnh công tác quản lý các hoạt động ngoài trường. Đặc biệt là việc mua bán các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra…”, ông Trần Văn Chẳm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Minh, cho biết.

Được biết, Sở GD&ĐT Kiên Giang đang làm việc với các đơn vị trường học để siết chặt công tác quản lý các hoạt động ngoài trường. Tập trung vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhắc nhở học sinh tránh xa các loại đồ chơi không có tính giáo dục, không rõ nguồn gốc…

Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên và lãnh đạo các trường cho biết: Để hạn chế học sinh tiếp cận với các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi bạo lực hiện nay chủ yếu qua việc nhắc nhở, giáo dục trong trường là chính. Vì các hàng quán bày bán bên ngoài khu vực trường học nên trường không thể cấm được. Để làm được việc quản lý các loại đồ chơi này, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ngành chức năng; chứ một mình ngành Giáo dục không thể đảm đương nổi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.