Nam Cực
Với tổng cộng 14 điều khoản, hiệp ước được kí kết bởi 47 nước thành viên với mục tiêu bảo vệ châu Nam Cực vì mục đích tự do nghiên cứu khoa học và nghiêm cấm các hoạt động quân sự trên châu lục này. Điều 1 của hiệp ước đã nêu rõ, “Khu vực này chỉ dành cho các mục đích hòa bình; các hoạt động quân sự như thử nghiệm vũ khí bị tuyệt đối nghiêm cấm, trừ các lực lượng quân đội và các trang thiết bị của quân đội được sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học và các mục đích hòa bình khác”.
Điều 5 của hiệp ước cũng nhấn mạnh về sự nguy hiểm của các vũ khí hủy diệt hàng loạt, khi nêu rõ: “Cấm các vụ nổ hạt nhân và sự phát tán của chất thải phóng xạ.” Những tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực châu Nam Cực, là toàn bộ khu vực lãnh thổ và các tảng băng ở phía Nam vĩ tuyến 60 độ Nam, cũng được ràng buộc bởi Hiệp ước qua Điều 4 và Điều 11. Theo đó, Hiệp ước không thừa nhận hay xác nhận các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ, và các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình bởi các bên liên quan hoặc bởi tòa án quốc tế vì công lý. Những điều kiện trên chính là những lý do tiên quyết, đưa Nam Cực trở thành khu vực phi quân sự lớn nhất trên Trái đất.
Cũng theo Hệ thống Hiệp ước châu Nam Cực, các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ phê chuẩn, giải thích và chỉnh sửa hiệp ước. Do vậy, đã có rất nhiều thỏa thuận được kí kết bổ sung nhằm nâng cao tối đa sự hiệu quả của khu vực phi quân sự quốc tế này. Điển hình trong số đó là Công ước về bảo tồn hải cẩu Nam Cực (1972), Công ước về bảo tồn sinh vật biển Nam Cực (1980) hay Công ước điều chỉnh các hoạt động khai khoáng ở châu Nam Cực (1988).
Có thể thấy rằng, những vấn đề môi trường ở cực Nam của Trái đất đã và đang ngày càng được quan tâm hơn. Vào ngày 4/10/1991, Nghị định thư về bảo vệ môi trường ở vùng Nam Cực được ký kết nhằm phòng ngừa và quy định về việc bảo vệ môi trường vùng Nam Cực. Thỏa thuận này được soạn thảo và thông qua trong mối lo ngại về những tác động ngày càng lớn của con người tới môi trường biển và các vấn đề sinh thái tại khu vực Nam Cực.
Thông qua 5 phụ lục cụ thể về ô nhiễm biển, động thực vật, đánh giá tác động của môi trường, quản lý rác thải và bảo vệ các khu vực tự nhiên, Nghị định là nỗ lực quốc tế đáng quý trong những giai đoạn đầu của cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Nghị định thư cũng nghiêm cấm mọi hoạt động liên quan đến khai thác khoáng sản trừ mục đích khoa học. Phụ lục thứ 6 về trách nhiệm liên đới trong các trường hợp khẩn cấp về môi trường đã được thông qua vào năm 2005, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có hiệu lực. Hệ thống Hiệp ước Nam Cực có thể được xem là một trong số những đại diện tiêu biểu nhất cho các nguyên tắc pháp lý quốc tế về di sản chung của nhân loại.