DMZ: Những khu vực phi quân sự nổi tiếng thế giới

Cộng hòa Síp là một quốc đảo ở phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Là hòn đảo có diện tích và dân số lớn thứ ba trong khu vực Địa Trung Hải.

Biển cảnh báo khu vực có mìn trên đảo Síp
Biển cảnh báo khu vực có mìn trên đảo Síp

“Đường xanh”, Cộng hòa Síp

Cộng hòa Síp là một quốc đảo ở phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Là hòn đảo có diện tích và dân số lớn thứ ba trong khu vực Địa Trung Hải, nơi đây nổi tiếng với những địa điểm du lịch được ưa chuộng, cùng nền kinh tế tiên tiến và chỉ số phát triển con người thuộc top 30 thế giới. Dù vậy, tình hình chính trị tại quốc đảo này luôn là tâm điểm của các cuộc xung đột trong suốt quá trình hình thành và phát triển của lục địa già.

Với vị trí địa lý thuận lợi, đảo Síp là nơi cư trú của hơn một triệu người, với phần lớn dân số có nguồn gốc từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng dẫn tới những mâu thuẫn giữa các tầng lớp cư dân trên đảo. Năm 1963, bạo lực giữa hai cộng đồng lớn nhất ở trên bùng phát, buộc Lực lượng Hòa bình Anh Quốc (tiền thân của Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ) phải can thiệp. Đây là tiền đề cho sự ra đời của Vùng đệm, hay còn gọi là “Đường xanh” (green line), khu vực phi quân sự chia cắt hòn đảo thành hai phần với cộng đồng gốc Hy Lạp ở phía Nam và cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc.

Nguồn gốc của cái tên “Đường xanh” được giải thích bởi một câu chuyện thú vị. Thiếu tướng Peter Young, chỉ huy của lực lượng hòa bình, đã kẻ một đường ngừng bắn trên tấm bản đồ đảo Síp sau khi hoàn tất phân bố quân lực tại nhiều khu vực khác nhau của thành phố Nicosia. Hành động này được cho là giải pháp nhằm giảm thiểu các vụ xung đột ngày một gia tăng giữa các nhóm cộng đồng trên khắp lãnh thổ đảo. Chiếc bút được vị thiếu tướng này sử dụng là một chiếc bút sáp có màu xanh lá cây, do đó, khu vực ngừng bắn sau này cũng được lấy tên là “Đường xanh”.

Lực lượng LHQ làm nhiệm vụ tại khu vực Đường xanh
  • Lực lượng LHQ làm nhiệm vụ tại khu vực Đường xanh

Ngày 15/7/1974, các phần tử dân tộc chủ nghĩa gốc Hy Lạp tiến hành đảo chính trong nỗ lực nhằm hợp nhất đảo vào Hy Lạp. Động thái này dẫn tới sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Síp vào ngày 20/7 và chiếm được lãnh thổ mà nay là Bắc Síp. Cũng trong tháng 7 năm đó, một hội nghị ba bên được chỉ đạo bởi LHQ diễn ra tại Geneva giữa Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh.

Theo đó, các cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nắm quyền kiểm soát 37% lãnh thổ của đảo, 58% thuộc về cộng đồng gốc Hy Lạp, và 4% vẫn nằm trong quyền kiểm soát của LHQ. Đường xanh được chỉ định làm giới tuyến phân cách giữa hai nhóm cộng đồng chính. Năm 1983, với sự ra đời của Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ (Bắc Síp) tại lãnh thổ cũ của quân đội Thổ, khu vực phi quân sự nằm dọc theo Đường xanh cũng được coi như là đường biên giới trên thực tế của quốc gia mới này với Cộng hòa Síp ở phía Nam của đảo.

Tình hình căng thẳng tại đảo Síp vẫn còn tiếp diễn sau khi Thổ Nhĩ Kỳ duy trì một lượng lớn binh lính tại Bắc Síp, với sự ủng hộ của đại đa số người dân nơi đây. Tuy vậy, vẫn có những ngôi làng nằm trong khu vực 346 km2 của vùng đệm nổi tiếng với việc có các gia đình người Síp gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sống xen lẫn nhau. Nhiều quy định cũng đã được gỡ bỏ, điển hình là lệnh cấm xâm nhập trong 30 năm của Bắc Síp đối với những người láng giềng của mình đã được xóa bỏ vào năm 2003, giúp các phương tiện có thể lưu thông trên toàn bộ hòn đảo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ