Đìu hiu làng gốm Tân Vạn

GD&TĐ - Làng gốm Tân Vạn (nay thuộc các phường - xã: Tân Vạn - Bửu Hòa - Hóa An, TP Biên Hòa) làm gốm đất đen từ thế kỷ 19 với đặc thù sản xuất của làng nghề là bám sát bờ sông Đồng Nai. 

Đìu hiu làng gốm Tân Vạn

Những năm trở lại đây, khi khách hàng chú ý đến các vật dụng sinh hoạt gia đình và đồ trang trí bằng chất liệu khác, thì những hộ làm gốm cũng dần “tắt lửa”. Làng gốm lừng danh một thời giờ chỉ còn là “vang bóng” mà thôi.

Mặn mòi mùi đất, rát bỏng mặt người

Nói cho đúng thì nghề gốm Tân Vạn đang trong giai đoạn lụi tàn chứ chưa phải đã tắt hẳn. Vẫn còn không ít hộ cố bám trụ, chủ yếu để giữ gìn nghề truyền thống cha ông.

Trong cái nóng hầm hập từ lò nung vào buổi trưa cuối tháng, ông Hồng Văn Chính miệt mài nhào nặn những vốc đất bằng cả sức khỏe cơ bắp lẫn sự khéo léo của đôi tay đã gần 30 năm lăn lộn với nghề. Chẳng mấy chốc, từ tảng đất vô tri, cái lu, cái khạp đã hình thành; lớn có, nhỏ có, đầy đủ hoa văn mà không cần khuôn mẫu nào. “Đây là cách làm mà cha ông tôi truyền lại, chứ bây giờ hầu hết người ta đổ theo khuôn hết rồi. Sản phẩm nào thích làm hoa tròn thì có khuôn hoa tròn, thích hoa xoáy có khuôn hoa xoáy. Đó cũng chính là sự khác biệt của thợ nặn với thợ in. Thợ in thì có mẫu, có khuôn, học vài bữa có thể làm được; còn với thợ nặn, làm được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Muốn thành thợ nặn làm được việc, nhanh cũng mất 1 năm, chậm thì vài năm; cũng có những người học hoài không thành nghề, bởi nặn đều và đẹp đòi hỏi mắt thẩm mỹ và phải truyền tình cảm bản thân vào đất. Đó cũng là lý do hàng làm thủ công luôn có giá thành cao hơn và được chuộng hơn” - ông Chính chia sẻ.

Năm nay mới xấp xỉ 50 tuổi, ông Hồng Văn Chính đã có chừng 30 năm theo nghề và là một trong số ít ỏi những thợ nặn gốm cuối cùng ở lò gốm Kim Lan. Qua ông Chính, chúng tôi được giới thiệu tới ông Tam Gụ (ngụ tại phường Tân Vạn), một trong những thợ lửa hiếm hoi của các lò gốm trong vùng. Gần như quanh nằm trở trần, rát mặt với lửa hàng ngày nên đôi mắt ông luôn trong tư thế khép mờ, dù mới 53 tuổi. Ông chia sẻ: Củi để nung gốm phải được bổ thành các khối bằng nhau, xếp đều đặn, không được đổ; chỉ cần sai hỏng một khâu, lửa sẽ không đều, gốm ra lò sẽ bị cháy nám một bên. Mỗi lần đốt lò, lượng nhiệt phải được duy trì khoảng 1.2000C trong vòng 4 ngày. Thợ lửa là người có nhiệm vụ đảm bảo nhiệt giữ đều, bao tỏa khắp lò trong những ngày này để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất, do đó họ cũng đóng vai trò quan trọng không khác gì thợ nặn.

“Nghề này cực ở chỗ suốt ngày tiếp xúc với lửa, liên tục uống nước nên vật không thể thiếu khi làm việc là ca nước đá giải nhiệt. Sau khi được truyền nghề, tôi làm riết rồi quen, đến nay theo nghề chắc cũng 30 năm có lẻ rồi. Không biết sau tôi có còn đứa nào trong nhà chịu theo nghề này không, bởi tụi nhỏ có điều kiện học hành, kiếm công việc tốt hơn, thu nhập ổn định hơn” - ông Gụ tâm sự.

Qua rồi thời vàng son

Hồi xa xưa thì không rõ thế nào, nhưng trước năm 1975, làng gốm Tân Vạn có 3 lò nổi tiếng là Quảng Hưng Long, Lâm Trường Phong và Trần Lâm. Sau này, đặc biệt là từ thập niên 1990, rất nhiều lò gốm đua nhau mọc lên, trong đó có các lò đã thành thương hiệu như lò bà Lửng, ông Lèo, ông Một, quận Cơ, hai Sữu... Khắp các lò gốm, cũng nào cũng nườm nượp lái thương về đánh hành, phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu nhộn nhịp, lò nào cũng đỏ lửa ngày đêm, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động ở những tỉnh miền Tây tìm về.

Sở dĩ làng nghề ăn nên làm ra là khi ấy người ta rất chuộng loại gốm đất đen, chỉ có nguyên liệu trong vùng và bàn tay người thợ là nghề nơi đây mới chế tác được. Sau khi nặn thành hình thù, những khối đất được đưa vào lò nung, với kinh nghiệm của thợ lửa, đất chuyển dần sang màu đen, được phủ bởi tro bụi của củi và lượng nhiệt để tạo nên một lớp men tự nhiên rất đặc biệt và bền chắc. Thế nhưng theo thời gian, nguồn nguyên liệu khai tác từ tự nhiên cạn dần, củi nhiên liệu cũng khan hiếm, mà nhất là thợ lành nghề ngày càng thưa do lớp trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống. Người tiêu dùng cũng ưu tiên sử dụng những vật dụng trong nhà bằng vật liệu nhựa, hợp kim nhẹ nhàng, dễ vận chuyển và bền chắc so với gốm sứ nặng nề và dễ vỡ. Các lò gốm cứ thế teo dần hoặc có cố tồn tại thì cũng chỉ sản xuất cầm chừng…

Sau một thời gian dài bế tắc, một vài năm gần đây, những hộ gia đình còn cố giữ nghề truyền thống đã tìm ra hướng đi mới: Sản xuất gốm mỹ nghệ. Vẫn là gốm đất đen, vẫn nung bằng củi, được làm ra nhờ các bàn tay nghệ nhân lành nghề; nhưng thay vì làm ra lu, khạp... phục vụ sinh hoạt gia đình, giờ đây các sản phẩm đó được chăm chút tỉ mỉ hơn để cung cấp cho những nhà hàng, khu du lịch, các hộ gia đình… dùng để trang trí. Bà Nguyễn Mộng Lành (61 tuổi, chủ cơ sở gốm Kim Lan ở KP.2, phường Tân Vạn) cho biết: “Cơ sở tôi từng làm gốm đất đen phục vụ tiêu dùng; lu, khạp đều là các mẫu mã truyền thống bao đời với cách làm cũ, khách hàng cũ. Còn bây giờ, cơ sở tôi làm các loại lu, chậu kích thước lớn và các sản phẩm gốm trang trí được làm rất tinh xảo, như: Đèn, các loài động vật, ngói có hoa văn... Nhờ đó, lò gốm của tôi mới duy trì được như hiện nay, thậm chí gần đây đã có một số đơn hàng xuất khẩu”.

Tìm được thị trường mới, một số lò gốm ở Tân Vạn cũng thay đổi để vươn tới những khách hàng tiềm năng vì tất cả các chủ lò đều làm nghề gia truyền, ai cũng muốn giữ lại những gì được tổ tiên bao đời xây đắp. Tuy nhiên, khó khăn lại phát sinh, bởi kỹ thuật làm gốm đất đen phải nung bằng củi với hệ thống lò kiểu cũ, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường. Nhiều hộ cũng thử dùng lò nung bằng gas hay dùng hóa chất, nhưng không ra được màu đen với lớp men ưng ý - yếu tố vốn làm nên tên tuổi của dòng gốm này. Do đó, dù vẫn còn lượng khách hàng nhất định, nhưng hầu hết các lò đều phải sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng, với số lượng hạn chế. Đó cũng là lý do mà những người vẫn còn cố theo nghề đến giờ như ông Hồng Văn Chính, ông Tam Gụ hay bà Mai Ngọc Nhi đều lo lắng cho tương lai của làng nghề…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ