Đìu hiu làng chẻ đá

GD&TĐ - Những tiếng đập, cưa, chẻ đá… tạo ra hỗn âm dọc tuyến đường nhỏ. Làng chẻ đá Hòa Sơn – Đà Nẵng hình thành và tồn tại hàng chục năm bởi những âm thanh đó…

Một xưởng đá ở thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Một xưởng đá ở thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Những tiếng đập, cưa, chẻ đá… tạo ra hỗn âm dọc tuyến đường nhỏ. Làng chẻ đá Hòa Sơn – Đà Nẵng hình thành và tồn tại hàng chục năm bởi những âm thanh đó…

4 bước chẻ đá

Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ đá chẻ bị giảm sút. Các xưởng đá giờ đây chỉ có những người trong gia đình tự làm việc.
Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ đá chẻ bị giảm sút. Các xưởng đá giờ đây chỉ có những người trong gia đình tự làm việc. 

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng hơn 35km về phía Tây, làng chẻ đá ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã tồn tại cách đây hàng chục năm. Nhiều cơ sở sản xuất gia công, chủ yếu là hộ cá nhân nhỏ lẻ tập trung vào các thôn Phú Thượng, Phú Hạ...

Chạy dọc con đường qua thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, TP Đà Nẵng chúng tôi thấy từng tốp người cần mẫn làm việc. Người đập đá, người cưa, người chẻ… Những âm thanh hỗn độn của máy xẻ, tiếng cạch cạch của búa gõ đá vang vọng cả một tuyến đường nhỏ.

Những người công nhân này bảo hộ che mặt bằng chiếc khẩu trang mỏng, đôi găng tay vải cũ. Các công cụ  đơn giản là một cái búa và một cái đục dẹt bằng thanh kim loại để chẻ đá. Đôi bàn tay của những người phu đá nhanh thoăn thoắt, chuẩn xác và xẻ mỏng đến từng millimet mà vẫn không làm cho đá bị vỡ vụn.

Đá chẻ Hòa Sơn rất bền, đạt tiêu chuẩn cao, đáp ứng yêu cầu trong xây dựng. Đá có 3 màu vàng, xanh, lông chuột với nhiều chủng loại, quy cách rất phong phú về kiểu dáng và mẫu mã. Nó có thể được dùng trang trí nội thất, ốp tường, lát đường đi, cầu thang, hòn non bộ...

Xưởng đá của anh Lê Quang Dũng (SN 1970) ở thôn Phú Hạ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Anh cho biết, xưởng thành lập năm 2002 và hoạt động cho đến nay.

Theo anh Dũng, để ra những sản phẩm đá chẻ phải qua 4 công đoạn. Đầu tiên là đập, sau đó là cắt quy cách, tiếp theo đó là tách và tẩy ú rồi đến công đoạn cuối cùng là bó thành phẩm. Các sản phẩm đá chẻ của xã Hòa Sơn hiện được thị trường trong nước và quốc tế rất ưa chuộng. Thành phẩm chủ yếu được đưa đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Bình Dương.

Anh Dũng cho hay, hiện loại đá chẻ ốp tường để trang trí có nhiều kích cỡ như: 10cm x 20cm, 15cm x 30cm, 30cm x 60cm… Nguồn đá thô để chế biến thành sản phẩm được mua với giá 207.000 đồng/khối.

Và giá cả mỗi sản phẩm hoàn thiện tùy theo từng loại, đối với loại đá tẩy, giá tại nơi sản xuất khoảng 40.000 đồng/m2. Riêng loại đá suối để trang trí hoa văn có giá thành cao hơn.

“Mấy năm trước đá dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/m2, đem lại thu nhập đáng kể lắm. Nhưng vài năm trở lại đây nghề đá trầm lại, giá rớt xuống còn 40.000 đồng/m2. Lúc trước khách hàng đông nên tôi kêu công nhân nhiều. Nhưng nay ế quá nên tôi không kêu nữa. Còn lại chủ yếu là anh em trong gia đình làm với nhau thôi. Những người làm đá trước đây bây chừ họ chuyển theo nghề khác hết rồi”, anh Dũng chia sẻ.

Nguy hiểm rình rập

Anh Dũng đang xẻ đá ra theo quy cách.
Anh Dũng đang xẻ đá ra theo quy cách.

Chị Nguyễn Thị Nhân (36 tuổi, trú thôn Phú Hạ) làm thuê theo ngày công. Những năm trước thì thu nhập cao hơn. Gần đây thị trường đá ế ẩm, nên trung bình mỗi ngày làm làm đá của chị còn được 250.000 đồng/ngày.

Còn chị Trần Thị Vân (vợ anh Dũng) cho biết, gần đây xưởng chỉ có 2 vợ chồng chị làm. “Chủ yếu bỏ công ra lấy tiền, chứ kêu công nhân thì không đủ trả lương. Mỗi ngày 2 vợ chồng làm cỡ được 500.000 đồng. Đủ trang trải cho gia đình”, chị Vân nói.

Nghề̀ đá chẻ ở Hòa Sơn nhiều năm nay được UBND TP Đà Nẵng và UBND huyện Hòa Vang quy hoạch thành một làng nghề tập trung, máy móc và trang thiết bị hiện đại, gồm có hệ thống xử lý nước thải... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân làm nhỏ lẻ với công cụ mang tính thủ công, cũng như chưa có sự đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại.

“Nguy hiểm luôn rình rập là những gì chúng tôi phải đối mặt hằng ngày. Những vết thương do các mảnh đá trong khi chẻ bay trúng vào cơ thể là thường xuyên. Có người đã bị vụn đá bắn vào mắt. Chuyện dập, thậm chí gãy chân hay gãy tay là chuyện thường”, anh Dũng bộc bạch.

Vì tai nạn, đã có một số người bỏ nghề. Nhưng vẫn còn gắn bó với nghề chủ yếu vì miếng cơm manh áo. Ngoài ra, một số người khá lớn tuổi còn theo vì bỏ nghề thì không biết làm gì. Cứ thế mà họ tiếp tục làm việc bất chấp những nguy hiểm rình rập.

Đời phu đá đối mặt với sinh tử trong gang tấc. Nhưng vì áo cơm, gạo tiền nên nhiều người đành lòng để sinh nhai.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ