Định hướng học sinh sử dụng mạng xã hội hiệu quả

GD&TĐ - Việc định hướng của nhà trường, phụ huynh trong sử dụng internet, mạng xã hội đối với các em học sinh là điều vô cùng quan trọng.

Liên đội trường THCS Quang Trung tổ chức tập huấn nâng cao năng lực số cho học sinh.
Liên đội trường THCS Quang Trung tổ chức tập huấn nâng cao năng lực số cho học sinh.

Mạng xã hội luôn có hai mặt

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet thì việc học sinh sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng. Chúng ta không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại. Tuy nhiên, việc lạm dụng, phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội của một số các em học sinh sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến sức khoẻ và kết quả học tập. Vì vậy, định hướng, kiểm soát của nhà trường, phụ huynh trong việc sử dụng internet, mạng xã hội đối với các em học sinh là điều vô cùng quan trọng.

Cô Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung, Thái Nguyên, chia sẻ: “Trong thời gian nhà trường tổ chức học online, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, việc sử dụng điện thoại, máy tính đã giúp các em rất nhiều trong quá trình học tập.

Nếu như học sinh biết sử dụng mạng xã hội một cách thông minh thì những trang mạng này sẽ giúp các em cập nhật tin tức, trao đổi việc học, tìm kiếm tài liệu dễ dàng, ngoài ra còn giúp các em giải trí sau những giờ học căng thẳng,…”.

Em Nguyễn Thu Huyền, học sinh lớp 8 (phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên) cho biết: “Trong lúc học bài, gặp một bài toán khó em có thể dùng mạng xã hội để liên lạc trực tiếp với các bạn học tốt môn toán trong lớp nhờ hướng dẫn cách giải bài, điều này đã giúp ích cho em rất nhiều trong việc học”.

Anh Đỗ Tuấn Tùng, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên chia sẻ: “Bên cạnh những lợi ích mà mạng xã hội mang lại, đối với lứa tuổi học sinh, kinh nghiệm sống còn ít thì việc sử dụng mạng xã hội cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như: nghiện game, cận thị, ảnh hưởng đến sức khoẻ, ảnh hưởng đến việc học tập, bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ,...”.

Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết khi sử dụng mạng xã hội của một số bộ phận học sinh đã dẫn đến việc các em có những bình luận không đúng, đăng tải những video, hình ảnh có tính bạo lực lên mạng xã hội,… điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và các mối quan hệ của học sinh.

Quan trọng nhất là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Để phát huy lợi ích, hạn chế tác hại của mạng xã hội đối với học sinh, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ gia đình và nhà trường nhằm nâng cao nhận thức cho các em.

Cô Nguyễn Huệ Oanh cho biết: “Để tăng cường giáo dục ý thức sử dụng mạng xã hội cho học sinh, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại của mạng xã hội để các em có nhận thức đúng đắn khi sử dụng.

Bên cạnh đó, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm kỹ năng sống tổ chức chuyên đề để tuyên truyền đến học sinh toàn trường về việc sử dụng mạng xã hội hiệu quả và thông minh. Buổi tuyên truyền đã được các em chăm chú lắng nghe, tạo hứng thú cho các em.

Nhà trường cũng lồng ghép bài học về ứng xử, những kĩ năng sử dụng mạng xã hội, các tình huống cụ thể và hướng giải quyết trên không gian mạng trong các tiết học giáo dục công dân, tin học,…giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội hiệu quả.

Điều quan trọng nhất là việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh trong việc định hướng cho học sinh, con em cách sử dụng mạng xã hội hợp lý, từ đó giúp các em khai thác và sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả để phục vụ cho việc học tập”.

Trường PTDTNT Thái Nguyên tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao nhằm giúp các em giảm thời gian sử dụng điện thoại và mạng xã hội.

Trường PTDTNT Thái Nguyên tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao nhằm giúp các em giảm thời gian sử dụng điện thoại và mạng xã hội.

Trao đổi về định hướng, sử dụng internet trong học sinh người dân tộc, thầy Hà Văn Thám, Phó Hiệu trưởng trường PTDTNT Thái Nguyên chia sẻ: “Các em học sinh tại trường ở nội trú, vì vậy nhà trường đã quy định thời gian sử dụng điện thoại, ban ngày các em học sinh được phép sử dụng điện thoại để phục vụ học tập; nhưng từ 22h đêm đến 7h sáng hôm sau các em không được phép sử dụng.

Ngoài ra, sau các buổi học nhà trường đã tăng cường các hoạt động ngoại khoá, thể dục, thể thao nhằm tạo ra một môi trường hoạt động lành mạnh, bổ ích cho các em, đồng thời cũng giảm thời gian các em tiếp xúc với điện thoại và mạng xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...