Bộ TT&TT đã có góp ý với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72 năm 2013 của Chính phủ, về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 72.
Định danh tài khoản mạng xã hội
Trong báo cáo vừa hoàn tất, Bộ TT&TT cho biết, sau khi có được sự nhất trí của Chính phủ, Bộ đang phối hợp xây dựng dự thảo và hoàn thiện để trình Chính phủ trong quý II/2023.
Đáng chú ý, dự thảo có nêu quy định mạng xã hội (MXH, nội địa lẫn xuyên biên giới) phải định danh người dùng và cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Dữ liệu cần khai báo cho yêu cầu này gồm tên thật và số điện thoại.
Dự kiến các MXH hoạt động ở Việt Nam chỉ cho người dùng đã định danh được viết bài đăng, bình luận, sử dụng tính năng livestream (phát trực tiếp).
Nếu không đáp ứng yêu cầu trên, người dùng chỉ được xem nội dung và tài khoản không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.
Cũng theo dự thảo, MXH chịu trách nhiệm định danh người dùng, phải quản lý nội dung livestream, gỡ bỏ ngay trong vòng 3 giờ khi có yêu cầu.
Trường hợp các kênh và tài khoản có nhu cầu cung cấp dịch vụ phát sinh doanh thu, người dùng cần đăng ký với Bộ TT&TT.
Hiện người dùng MXH Facebook ở nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam, phải sử dụng tên thật. Quy định này sau đó được nới lỏng, nhưng khi có vấn đề liên quan tới tài khoản, người dùng sẽ phải gửi thông tin cá nhân như ảnh chụp giấy tờ tùy thân cho MXH xét duyệt.
Trong khi đó, một số nền tảng MXH khác như YouTube, Google, Twitter... không có yêu cầu này đối với người sử dụng thông thường và chỉ bắt buộc phải xác thực đối với những người có hoạt động kiếm tiền từ các nền tảng này.
Quy định cần thiết
PV Báo GD&TĐ thử khảo sát nhỏ với một nhóm người dùng MXH cho thấy tất cả các ý kiến tỏ ra tán đồng với đề xuất phải định danh người dùng MXH.
Chị Nguyễn Thu Hồng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị hoàn toàn tán đồng với đề xuất trên.
Theo chị Hồng, ngoài những MXH quen dùng như Facebook, Zalo, Twitter… cơ quan chức năng cũng nên áp quy định định danh người dùng với tất cả các nền tảng MXH khác.
Chị Hồng cho rằng, khi quy định trên được áp dụng vào thực tiễn, MXH sẽ bớt “hỗn độn” hơn như hiện nay.
“Nếu thông tin cá nhân được định danh sẽ giảm bớt được tình trạng các tài khoản ảo xuất hiện, đăng tải những thông tin sai sự thật, quảng cáo tràn lan gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân”, chị Hồng cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Võ Huy Dũng (Hà Nội) đánh giá, việc định danh tài khoản MXH sẽ khiến cho người muốn dùng MXH buộc phải sử dụng danh tính thật của mình.
Với việc đăng tải, bình luận thông tin trên danh nghĩa thật, họ sẽ có trách nhiệm với những phát ngôn của mình, không phải thích nói gì thì nói, hay chửi bới, xúc phạm tổ chức, doanh nghiệp một cách thoải mái…
“Ngoài ra, việc định danh này cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế được tình trạng lừa đảo trên không gian mạng đang diễn ra tràn lan như hiện nay.
Trường hợp nếu có sự việc xảy ra, cơ quan chức năng cũng căn cứ vào thông tin định danh để dễ dàng phát hiện, xử lý các cá nhân vi phạm”, anh Dũng nêu quan điểm.
Sẽ có thách thức
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS. |
Ông Vũ Ngọc Sơn (Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS) đánh giá việc định danh tài khoản MXH là điều cần làm.
Theo ông Sơn phân tích, thực tế người dùng Việt đang thực hiện nhiều hành vi cá nhân qua mạng ngày càng nhiều hơn.
Khi đó, việc xác thực một cá nhân cụ thể được chuyển đổi từ gặp mặt trực tiếp sang tài khoản MXH hoặc số điện thoại, email... là cần thiết, là việc phải làm.
“Việc định danh các tài khoản số là rất cần thiết vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh, giống như đời sống thực. Việc quản lý, định danh các tài khoản số sẽ giúp hệ thống luật pháp được áp dụng thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng.
Từ đó góp phần loại bỏ các nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật hoặc gây hại cho xã hội trên không gian mạng. Nó giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia không gian mạng”, ông Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc áp dụng vào thực tế sẽ có khó khăn nhất định do nhiều nền tảng số hiện nay sử dụng định danh thông qua tài khoản của một dịch vụ khác.
Chẳng hạn như tài khoản MXH Facebook được lập thông qua email của Google; tài khoản mua bán trực tuyến được lập thông qua tích hợp từ tài khoản Facebook…
Việc chồng chéo này sẽ rất khó khăn khi chỉ cần một trong chuỗi các nền tảng liên quan không tuân thủ yêu cầu thì tính định danh sẽ bị phá vỡ. Do đó, cần đòi hỏi tính đồng bộ, thống nhất cao của tất cả các nền tảng.
Còn theo ông Nguyễn Đoàn (kỹ sư công nghệ thông tin), việc yêu cầu chủ tài khoản MXH phải định danh sẽ giảm bớt các vấn đề về an toàn trên mạng như: Lừa đảo, tấn công mạng và việc phát tán thông tin sai lệch hoặc gây hại.
“Việc lập tài khoản không cần định danh sẽ dẫn đến nhiều người lạm dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều đối tượng cũng dễ dàng dùng tài khoản ảo, tài khoản đánh cắp của người khác để lừa đảo, tuyên truyền nội dung độc hại gây hậu quả nặng nề. Vì đó, cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu phải định danh là rất cần thiết”, ông Đoàn cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn, quá trình thực hiện việc định danh sẽ không đơn giản, khi đòi hỏi phải cung cấp những thông tin cá nhân như số CCCD với dữ liệu quê quán, địa chỉ cư trú... hay số điện thoại, họ tên thật.
Việc này sẽ mang đến nhiều thách thức và lo lắng về quyền bảo mật của mỗi cá nhân. Nếu không bảo mật chặt chẽ sẽ dẫn đến thông tin cá nhân người dùng có thể bị lạm dụng hoặc xâm phạm.
“Việc định danh tài khoản có thể làm giảm khả năng của những người dùng muốn nói lên suy nghĩ của mình mà không bị liên kết với danh tính thực của họ (ẩn danh).
Việc thực hiện yêu cầu này có thể gặp khó khăn, đặc biệt là đối với những nền tảng có người dùng từ khắp nơi trên thế giới. Làm gì để quản lý khi người dùng có thể tạo tài khoản từ nước ngoài để dùng ở trong nước?”, ông Đoàn đặt câu hỏi.