Điều ước của cô Ước

GD&TĐ - Mỗi tháng cô giáo Nguyễn Thị Ước đều dành ra một khoản tiền lương để làm công tác thiện nguyện. Suốt nhiều năm qua, nhờ tấm lòng nhân ái của cô Ước mà hàng trăm hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh được giúp đỡ.

Cô Ước trong một lần thăm và tặng quà cho các em nhỏ mồ côi tại tỉnh Lâm Đồng.
Cô Ước trong một lần thăm và tặng quà cho các em nhỏ mồ côi tại tỉnh Lâm Đồng.

Bà chủ gian hàng 0 đồng

Năm 2019 trở về trước, tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TPHCM), có một gian hàng độc đáo chuyên cung cấp quần áo, giày dép và một số vật dụng cho những người khó khăn với giá 0 đồng. Chủ gian hàng này chính là cô Nguyễn Thị Ước, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (huyện Hóc Môn) cùng người thân của cô.

Theo như cô Ước chia sẻ, hơn 6 năm trước, sau khi chứng kiến những hoàn cảnh của những lao động nghèo trên địa bàn sinh sống, cô đã nảy sinh ý định về một cửa hàng quần áo, đồ dùng cũ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn ngay tại nhà mình. Nghĩ là làm, đầu tiên cô đi xin người thân, đồng nghiệp, hàng xóm các loại quần áo, vật dụng cũ rồi về mở gian hàng mang tên “Từ tâm” và bày bán quần áo vật dụng cho công nhân và người nghèo quanh khu vực với giá 2.000 đồng. Số tiền bán được, cô tích cóp để dùng cho những chương trình từ thiện.

Được biết, thời điểm đó mặc dù công việc dạy học khá bận rộn, nhưng cô Ước luôn tận dụng thời gian rảnh đi xin mọi người, ở nhiều khu vực khác nhau của TPHCM các đồ dùng thiết thực như quần áo, giày dép. Khi thì chạy tít tận Quận 7, lúc lại đến huyện Nhà Bè… hễ ở đâu có người cho, là cô lại chạy xe đến chở về rồi phân loại, giặt sạch sẽ. “Đợt đó ai cho gì, chỉ gần cho thông tin địa chỉ là tôi chạy xe máy đi lấy. Dần dần việc tốt này lan tỏa, nhiều người nghe tiếng cũng tự chở đồ đến ủng hộ gian hàng”, cô Ước chia sẻ.

Thế nhưng, sau hơn 1 năm gian hàng “Từ Tâm” đi vào hoạt động, không may tai họa lại ập đến với gia đình cô Ước. Cuối năm 2017, ngôi nhà cô Ước đang sống bị hoả hoạn đã thiêu rụi, mọi đồ đạc trong nhà đều không dùng được. Biết được thông tin này, có rất nhiều người dân đã đến động viên và hỗ trợ vật chất.

“Sau biến cố cháy nhà tôi luôn tâm nguyện nếu còn sức thì còn làm công tác thiện nguyện để trả ơn cuộc đời. Và rồi tôi quyết định làm lại gian hàng “Từ tâm” nhưng với giá… 0 đồng. Cùng với gian hàng 0 đồng, tôi còn tham gia vào tổ nấu cháo đêm cho người vô gia cư mỗi tuần 1 lần. Ngoài ra, mỗi năm trung bình 2 - 3 đợt, gia đình tôi lại mua tặng gạo cho những hộ khó khăn ở địa phương (khoảng 300 - 500 kg gạo/đợt)”, cô Ước nhớ lại.

Nói về công tác thiện nguyện, cô Ước cho hay, trong suy nghĩ của cô lúc nào cũng khắc ghi lời người cha dạy: “Con cứ làm hết sức những gì mà tâm mách bảo!”. Vậy nên, những năm tháng còn trẻ, cô Ước thường xuyên cùng bạn bạn bè tham gia vào các nhóm thiện nguyện ở các bệnh viện trên địa bàn TPHCM hay đến với bà con nghèo vùng biên giới các tỉnh còn khó khăn.

“Nhìn những hoàn cảnh éo le, tôi thấy mình rất may mắn vì có gia đình, con cái, có nhà, có tiền lương. Tuy bản thân không phải giàu sang nhưng đủ cân bằng cuộc sống. Mỗi lần tặng quà, được nghe và chứng kiến những câu chuyện về mảnh đời khó khăn, tình yêu thương trỗi dậy, thôi thúc tôi phải làm nhiều việc thiện hơn nữa”, cô Ước tâm sự.

Cô Ước tặng gạo và nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn huyện Hóc Môn thời điểm dịch bệnh Covid-19 ở TPHCM phức tạp.
Cô Ước tặng gạo và nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn huyện Hóc Môn thời điểm dịch bệnh Covid-19 ở TPHCM phức tạp.

Bỏ tiền túi giúp đỡ phận nghèo

Trong suốt thời gian 31 năm làm giáo viên tiểu học, ngoài việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, cô Ước còn thường xuyên hỗ trợ những học sinh nghèo nơi công tác. Chứng kiến những lần cô Ước bỏ tiền túi để gây quỹ giúp những em có hoàn cảnh éo le, rất nhiều thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh đồng lòng tham gia đóng góp hỗ trợ.

Cách đây gần 2 năm, cô Ước nghỉ hưu. Thời điểm đó đúng lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nước ta nên gian hàng 0 đồng vì thế mà cũng ngưng hoạt động. Thế nhưng cô vẫn âm thầm giúp đỡ những phận nghèo, có khi là bao gạo, thùng mì tôm, chai nước mắm... Từ khi dịch bệnh được kiểm soát đến nay cô dành nhiều thời gian hơn cho việc làm từ thiện bằng những chuyến đi đến với phận đời nghèo ở tỉnh Bình Phước.

Gần đây nhất, đầu năm 2022, cô Ước đã hỗ trợ Mái ấm An Vũ nơi cưu mang trẻ em mồ côi, các cụ già neo đơn, các mẹ lỡ lầm tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) 67 triệu 656 ngàn đồng. Nguồn kinh phí này dùng để tu bổ và bổ sung đồ dùng vật dụng chứa nước công trình nhà máy nước sạch tại đây. Đặc biệt, hơn một nửa số tiền mà cô Ước hỗ trợ là do bản thân dành dụm, còn lại cô vận động người thân trong gia đình quyên góp.

Theo như chia sẻ của cô Ước, những lần đến với Mái ấm An Vũ, thấy hoàn cảnh của những đứa trẻ mồ côi ở đây rất tội nghiệp, nên lòng cô rất cảm thương. Khi biết tin nhà máy nước của mái ấm vẫn còn thiếu nhiều cơ sở vật chất để phục vụ cho việc sản xuất nước, cô Ước đã quyết định hỗ trợ kinh phí để tu bổ những hạng mục còn dang dở.

Bà Hoàng Thị Lụa, Giám đốc Mái ấm An Vũ cho biết: “Mỗi năm 2 - 3 lần cô Ước lên hỗ trợ gạo, các nhu yếu phẩm cho mái ấm và tặng quà cho các cháu mồ côi tại đây. Đặc biệt đầu năm nay, khi được cô Ước hỗ trợ kinh phí, nhà máy nước sạch cũng đã bắt đầu sản xuất. Số tiền thu được trừ chi phí sẽ giúp cho trẻ mồ côi nơi đây mua sách vở, dụng cụ học tập”.

Hiện nay, vì lí do sức khoẻ nên cô Ước không còn mở gian hàng 0 đồng, tuy nhiên hễ ai cho quần áo, cô đều tích góp lại để gửi đến những gia đình đồng bào dân tộc nghèo ở các địa phương khó khăn. Đặc biệt, mỗi tháng cô Ước đều trích một phần tiền lương để cuối năm hỗ trợ các gia đình bà con dân tộc nghèo ở các huyện Bù Đăng, Bù Đốp của tỉnh Bình Phước.

Chia sẻ về những việc làm của bản thân suốt nhiều năm qua, cô Ước khiêm tốn thổ lộ: “Những việc làm của tôi quá nhỏ nhoi và rất đỗi bình thường. Mong sao tôi có thật nhiều sức khoẻ để giúp đỡ thật nhiều những hoàn cảnh khó khăn. Bản thân cũng mong rằng ngày càng có nhiều tấm lòng vàng đến với những mảnh đời khốn khó để cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn…”.

Với mong muốn làm thật nhiều việc có ích cho đời, cách đây hơn 20 năm, cô Nguyễn Thị Ước cùng chồng là thầy giáo Phan Văn Trung (giáo viên Trường THCS Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) đã đến Trường Đại học Y Dược TPHCM đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời. Ngoài ra, trong những năm qua cô Ước đã có 21 lần tham gia hiến máu tình nguyện để cứu người.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ