Điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch: Không phải bệnh nhân nào cũng chỉ định điều trị

Thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân mắc ung thư tại Việt Nam đang kỳ vọng vào phương pháp điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch mới được trao giải Nobel Y học năm 2018. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế không phải bệnh nhân nào cũng áp dụng được phương pháp điều trị này.

Điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch: Không phải bệnh nhân nào cũng chỉ định điều trị

Đa phần bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn muộn

khong phai benh nhan nao cung chi dinh dieu tri
TS.BS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K chia sẻ với báo chí.

Theo TS.BS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K, tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, gánh nặng ung thư ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo ghi nhận ung thư năm 2018, mỗi năm ở nước ta có khoảng 164.671 ca mới mắc, tỷ lệ mới mắc trên 100.000 dân là 151,4 đứng thứ 87/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư; và 114.871 ca tử vong do ung thư.

Tỷ lệ tử vong trên 100.000 dân là 104,4 đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư. Đáng lo ngại, phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám ở giai đoạn muộn nên việc điều trị trở lên khó khăn và tốn kém.

Phó giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, hiện nay, ngoài các phương pháp điều trị ung thư phổ biến như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, thì liệu pháp miễn dịch là thành tựu nổi bật nhất trong vài năm qua. “Khái niệm điều trị miễn dịch rất đơn giản là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công tế bào ung thư”, bác sĩ Lê Văn Quảng cho biết. Tại Việt Nam, các loại thuốc miễn dịch điều trị ung thư ra đời từ công trình nghiên cứu đạt giải Nobel Y học 2018 cũng đã được Bộ Y tế cho lưu hành, sử dụng ở Việt Nam từ cuối năm 2017. Hiện liệu pháp này được áp dụng tại các bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM...

Tại Bệnh viện K, cách đây 4 năm, bệnh viện đã tham gia thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch. Từ cuối năm 2017, Bệnh viện K chính thức điều trị cho hàng chục bệnh nhân bằng liệu pháp này. Thuốc miễn dịch được chỉ định cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối như phổi, hắc tố melanoma tiến triển, đầu mặt cổ, thận tiết niệu… Ở Bệnh viện K, thuốc được xem có hiệu quả ưu việt đối với bệnh nhân ung thư phổi và đang được mở rộng nghiên cứu với các loại bệnh khác như: Gan, thận, dạ dày, đại tràng, cổ tử cung, buồng trứng.

Đơn cử như với nam bệnh nhân ngoài 60 tuổi bị ung thư phổi di căn đang điều trị tại Bệnh viện. Theo chẩn đoán ban đầu của bác sĩ, bệnh nhân này chỉ sống được 4 – 5 tháng, thế nhưng, từ cách đây 7 tháng, bệnh nhân được chỉ định dùng thêm thuốc điều trị miễn dịch, bệnh nhân đã đáp ứng tốt khi khối u di căn không tiến triển. Được biết, bên cạnh việc điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thì bệnh nhân này vẫn phải điều trị kết hợp bằng các phương pháp truyền thống như hóa chất, xạ trị.

khong phai benh nhan nao cung chi dinh dieu tri

Hay một trường hợp khác là bệnh nhân bị ung thư hắc tố, vào viện, không đi lại, tổn thương di căn xương lan tràn. Sau khi điều trị bằng 1 trong số các thuốc miễn dịch thì u tan rất nhanh, u ở da biến mất, tổn thương xương đỡ đi nhiều, bệnh nhân đi lại được. Theo các bác sĩ Bệnh viện K, hiện chưa có kết quả đánh giá chung, nhưng trên từng bệnh nhân cho thấy, tình trạng sau khi điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch được cải thiện, khối u không còn bị di căn.

Liệu pháp kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư

Hiện nay, ở Việt Nam, Pembrolizumab là một trong những thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng trong thực hành lâm sàng điều trị ung thư từ cuối năm 2017 và đang được sử dụng ở một số bệnh viện. Chi phí điều trị ung thư từ loại thuốc này cho một chu kỳ từ 60 - 120 triệu đồng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, liều dùng, độ tuổi, cân nặng của bệnh nhân.

Bệnh nhân sẽ phải truyền 3 tuần/lần, mỗi lần 1 lọ và truyền liên tục. Hiện bảo hiểm chưa thanh toán cho những loại thuốc này. Tuy nhiên, để chia sẻ với bệnh nhân trong quá trình điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, Bệnh viện K đã liên hệ và hãng thuốc đã đồng ý hỗ trợ các bệnh nhân dùng thuốc với phương thức, khi bệnh nhân dùng 4 lọ thì sẽ hỗ trợ 2 lọ, lần lượt các đợt điều trị khác cũng như vậy.

Mặc dù triển vọng về hiệu quả của phương pháp điều trị miễn dịch là rất lớn, tuy nhiên không phải bệnh nhân ung thư nào nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này. TS. BS Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K cho hay: “Cùng một loại ung thư nhưng không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, mà tuỳ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u. Thông thường thuốc điều trị ung thư này được dùng cho giai đoạn di căn. Hiện tại Bệnh viện K đã điều trị cho hàng chục bệnh nhân nhưng vẫn cần thời gian theo dõi thêm đủ dài để tổng kết, đánh giá hiệu quả”.

Lý giải thêm về phương pháp điều trị mới này, các bác sĩ Bệnh viện K cho biết, liệu pháp điều trị miễn dịch không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, qua đó giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Hơn nữa trong điều trị ung thư, tuyệt đại đa số các trường hợp để điều trị hiệu quả cần phối hợp đa mô thức và toàn diện, không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công.

“Liệu pháp miễn dịch được các nghiên cứu chứng minh tốt hơn so với hóa trị liệu đối với những bệnh nhân phù hợp.Trên thế giới, việc kết hợp hóa trị liệu với thuốc miễn dịch mang lại hiệu quả rất cao”, bác sĩ Quảng cho hay.Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định liệu pháp miễn dịch ra đời không có nghĩa những phương pháp trước đây như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nội tiết, nhắm trúng đích... không còn hiệu quả.Tùy bệnh trạng mỗi bệnh nhân, mỗi giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp, phối hợp đa mô thức một cách nhuần nhuyễn để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

Theo Laodongthudo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ