Điều tra vì chính trị hay con người?

GD&TĐ - Cuộc điều tra về Covid-19 đã được khởi động với 13 thành viên trong hội đồng do WHO thành lập, nhằm giải đáp về nguồn gốc của đại dịch và cách ứng phó từ các quốc gia.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

“Chúng tôi sẽ chất vấn về cách mà WHO và chính phủ các quốc gia có thể thực hiện khác như thế nào nếu nắm bắt sớm về đại dịch”, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và là đồng chủ tịch uỷ ban điều tra, phát biểu.

Bà Clark được bổ nhiệm dẫn dắt ủy ban điều tra độc lập về cách ứng phó Covid-19 của thế giới cùng với cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf - người từng đoạt giải Nobel.

Các đồng chủ tịch đã công bố thêm 11 thành viên của ủy ban, bao gồm chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Trung Quốc - Trung Nam Sơn, cựu đại sứ Mỹ Mark Dybul và Preeti Sudan - cựu Bộ trưởng Y tế của Ấn Độ.

Nhiều chuyên gia nhận định, động thái này cho thấy sự ủng hộ về mặt chính trị. Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của nhiệm vụ tìm kiếm câu trả lời trong phản ứng toàn cầu đối với Covid-19 - cuộc khủng hoảng sức khỏe khiến gần một triệu người thiệt mạng và tàn phá nền kinh tế thế giới.

Theo Tikki Pangestu - cựu Giám đốc phụ trách Hợp tác và Chính sách Nghiên cứu của WHO, “phạm vi và giới hạn” về cuộc đánh giá của hội đồng vẫn đang được xem xét. Ông Pangestu bày tỏ hy vọng rằng, hội đồng điều tra sẽ “độc lập”, không thiên vị WHO hay bất kỳ quốc gia thành viên nào. 

Một khía cạnh chưa được làm rõ là mức độ mà hội đồng điều tra sẽ giải quyết với những câu hỏi về cách xử lý ổ dịch chậm trễ tại Trung Quốc. Bà Clark nhấn mạnh, “giai đoạn đầu của đại dịch - sự xuất hiện và lây lan toàn cầu” sẽ nằm trong “các chủ đề rộng” của cuộc đánh giá. 

Song song đó, WHO thông báo sẽ dẫn đầu một nhóm chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc để điều tra khoa học về nguồn gốc của Covid-19 - căn bệnh lần đầu tiên được xác định khởi phát tại thành phố Vũ Hán.

WHO đã phải đối mặt với những lời chỉ trích khi bị cho là “xem nhẹ” căn bệnh mới, khiến đại dịch bùng phát. “Bất mãn” trước động thái của WHO, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi tổ chức này. Tổng thống Trump đồng thời cáo buộc WHO bị “thao túng” và không làm tròn trách nhiệm.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế thế giới nhất trí rằng, vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới và khả năng phối hợp giữa các quốc gia sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình xem xét của hội đồng điều tra.

Antoine Flahault - Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu tại Đại học Geneva của Thụy Sĩ, cho biết: “Điều quan trọng là nhìn vào chính xác những gì WHO có thể làm và so sánh điều đó với việc WHO thực sự không làm”.

Mới đây, WHO cảnh báo, dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại với “tốc độ lây lan đáng báo động”. Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO - Hans Kluge cho biết, chỉ trong hai tuần qua, có tới hơn 50% các quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng trên 10%. WHO cũng khẳng định sẽ không thay đổi khuyến cáo cách ly 14 ngày đối với những người có khả năng mắc Covid-19.

Đại dịch khởi phát vào cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Đến nay, có tới hơn 30 triệu người trên toàn cầu mắc Covid-19. Trong đó, gần 950.000 người tử vong. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, sau đó là Ấn Độ và Brazil.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ