Tuy nhiên, bất chấp những thông tin tích cực này, WHO dự báo cuộc sống của người dân trên thế giới vẫn chưa thể trở lại bình thường trước năm 2022.
Khoa học gia trưởng của WHO, bà Soumya Swaminathan, hôm 17/9 cho biết, toàn bộ 170 quốc gia thành viên Tổ chức y tế toàn cầu này sẽ chỉ nhận được khoảng vài trăm triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, thông qua dự án đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vắc-xin mang tên COVAX. Số lượng này quá nhỏ so với nhu cầu người dân cần được tiêm vaccine nên sẽ không đủ để có thể sớm khống chế hoàn toàn được đại dịch.
Bà Swaminathan cũng giải thích thêm rằng thời gian để vắc-xin ngừa Covid-19 được sử dụng đại trà trên toàn thế giới cũng không diễn ra sớm như nhiều người đang kỳ vọng. Theo đó, phải đến nửa cuối năm 2021 thế giới mới thực sự có các loại vắc-xin hiệu quả đã trải qua các thử nghiệm một cách đầy đủ.
Như vậy nhanh nhất phải đến năm 2022, mọi hoạt động trên toàn cầu mới có thể trở lại bình thường như trước khi có dịch. Cựu Chủ tịch Microsoft, tỷ phú Bill Gates, cũng có chung quan điểm với chuyên gia WHO khi đưa ra nhận định cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay sẽ kết thúc vào khoảng năm 2022.
Trong khi đó, quá trình thử nghiệm và sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 đang có những bước tiến nhanh tại 3 cường quốc trong lĩnh vực này là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nga tuyên bố đã có vắc-xin từ tháng trước, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang kỳ vọng nước này cũng có vắc-xin ngay trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào đầu tháng 11 tới.
Cuộc chạy đua để đưa vắc-xin ngừa Covid-19 vào sử dụng rộng rãi ngay trong năm nay còn có sự tham gia tích cực của Trung Quốc. Thời gian nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm diễn ra ngắn hơn nhiều so với quy trình tiêu chuẩn của một loại vắc-xin cũng dẫn đến lo ngại rằng các công ty dược phẩm đang phải chịu áp lực chính trị trong hoạt động của mình.
Việc các nước lớn có đủ năng lực đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 cũng dẫn đến cảnh báo xuất hiện “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” trên thế giới, khi các nước nghèo và đang phát triển sẽ ít có cơ hội tiếp cận sớm loại dược phẩm này. Dự án COVAX của WHO nhằm giúp bảo đảm quyền tiếp cận công bằng với vắc-xin cũng khó phát huy hiệu quả khi cả hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc đều không tham gia.
Với bối cảnh sản xuất và phân phối vắc-xin nói trên, ngày thế giới hoàn toàn trở lại bình thường vẫn còn khá xa. Tuy nhiên, các nước cũng không còn đủ nguồn lực và sự kiên nhẫn để duy trì giãn cách hoàn toàn với nhau thêm. Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đang bắt đầu mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, một hoạt động vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
Một số nước như Hàn Quốc và Maldives thậm chí cho mở cửa biên giới hoàn toàn và chào đón khách du lịch với những quy định đặc biệt về y tế để phòng dịch. Còn tại châu Âu, phần lớn các nước đã quyết định sống chung với dịch dù tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn tăng cao.
Người dân châu Âu đang trở lại nhịp sống bình thường với hình ảnh khác so với trước là khẩu trang xuất hiện khắp nơi.