Mỹ vẫn có số ca mắc Covid-9 cao nhất thế giới với hơn 6,6 triệu ca, trong đó có gần 197 ngàn ca tử vong và hơn 2,5 triệu ca hồi phục. TT Donald Trump cho biết Mỹ có thể có vaccine Covid-19 vào giữa tháng 10 - sớm hơn vài tuần so với thời điểm cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11. TT Trump nói rằng Mỹ dự kiến phân phối 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2020, trong khi đó Bộ Y tế và dịch vụ con người (HHS) cho biết chính phủ có kế hoạch bắt đầu phân phát miễn phí 100 triệu liều vaccine được phê chuẩn sớm nhất vào tháng 1/2021.
Ấn Độ hôm qua lại lập kỷ lục mới về số ca mắc mới trong ngày với 97.895 ca, cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Tổng số ca mắc ở đây là 5.118.254 ca - Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi gia đình Harsh Vardhan cho biết. Số ca tử vong ở Ấn Độ đạt mức 83.198 ca, gồm 1.132 ca mới và số ca hồi phục ở nước này là hơn 4,02 triệu ca. Ấn Độ có số ca mắc Covid-19 nhiều thứ 2 sau Mỹ - quốc gia có hơn 6,62 triệu ca. Bộ trưởng Harsh Vardhan nói rằng Ấn Độ sẽ có vaccine Covid-19 vào đầu năm sau.
Giám đốc Khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge hôm qua bày tỏ lo ngại về sự gia tăng Covid-19 ở châu Âu và nhấn mạnh số ca mắc hàng tuần hiện đã vượt quá mức báo cáo hồi đỉnh dịch tháng 3. Trong 24 giờ, châu lục này có khoảng 54.000 ca mắc mới. Ông xem đây là “tình huống nghiêm trọng” và là “tiếng chuông cảnh tỉnh” đối với các nước.
“Tuần trước, số ca mắc hàng tuần trong khu vực đã vượt quá 300.000 ca. Hơn một nửa số nước châu Âu báo cáo mức tăng số ca mắc hơn 10% trong 2 tuần qua. Trong đó, 7 nước có số ca mắc mới tăng gấp hơn 2 lần trong cùng khoảng thời gian” – ông Kluge cho biết.
Ông Kluge cho rằng các biện pháp y tế công nghiêm ngặt ở châu Âu đã mang lại lợi ích khi số ca mắc Covid-19 hồi tháng 6 ở mức thấp nhất, “tuy nhiên số ca mắc trong tháng 9 sẽ là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Mặc dù những con số này phản ánh quá trình xét nghiệm toàn diện hơn, nhưng nó cũng thấy tỷ lệ lây truyền đáng báo động trong toàn khu vực”.
Trong một diễn biến khác, Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO cho biết cứ 7 ca mắc Covid-19 báo cáo tới tổ chức này thì 1 ca là nhân viên y tế. Tại một số quốc gia tỷ lệ này là 1/3. WHO kêu gọi nhân viên y tế được cung cấp đầy đủ đồ bảo hộ để ngăn chặn việc lây nhiễm dịch. Ông Tedros cho rằng “không chỉ có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, hàng ngày nhân viên y tế dễ bị căng thẳng, kiệt sức, bị xa lánh và thậm chí bạo lực”.
Tại Nga, trung tâm nghiên cứu Vector của Nga cho biết vaccine Covid-19 do trung tâm phát triển không tạo ra sự miễn dịch suốt đời, nhưng ít nhất sẽ kéo dài 6 tháng. Theo trung tâm này, ít nhất 3.000 tình nguyện viên sẽ tham gia vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 đối với vaccine Covid-19 khi tính hiệu quả của vaccine được nghiên cứu.