Cơ quan công an nhiều địa phương đang thụ lý hồ sơ và mở rộng điều tra vụ án dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng tại sàn ngoại hối FVP Trade. Điều hành sàn này là các cá nhân người Việt Nam.
Nhiều địa phương đã tiếp nhận đơn tố cáo của nạn nhân sàn FVP Trade
Truy quét sàn ngoại hối lừa đảo FVP Trade
Sau gần 4 tháng kể từ ngày sập sàn ngoại hối FVP Trade khiến hàng nghìn nhà đầu tư rơi vào cảnh mất trắng tài sản, đến nay đã sơ bộ hình dung được các cá nhân và tổ chức cầm đầu đường dây lừa đảo quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng này. Bên cạnh đó, cộng đồng nạn nhân sàn FVP Trade cũng rất tích cực gửi đơn thư tố cáo, bằng chứng đến cơ quan cảnh sát điều tra các tỉnh/ thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam…
Theo nhận định của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, đây là một vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lôi kéo nhà đầu tư tham gia các sàn chứng khoán phái sinh không được cấp phép.
Thủ đoạn của các cá nhân như N.V.B, P.T.U, H.C.N …lôi kéo mời chào, hướng dẫn tư vấn các nhà đầu tư mở tài khoản, nộp tiền vào rồi ủy quyền cho các "chuyên gia" của FVP Trade đầu tư Forex.
Nhóm người này hứa chia lợi nhuận cho các nhà đầu tư từ 6% đến 10%/tháng hoặc cao hơn nếu nhà đầu tư mời chào thêm được nhiều người mới tham gia. Sau đó, sàn giao dịch FVP Trade dừng hoạt động, đóng băng toàn bộ tài khoản, xóa bỏ dữ liệu nhằm chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư.
Ông N.V.B trong một buổi kêu gọi đầu tư tại văn phòng FVP Trade tại Hà Nội
Tại Hải Dương và Phú Thọ, cơ quan cảnh sát điều tra bước đầu đã mời nhà đầu tư lên lấy lời khai và cung cấp bằng chứng về nhóm đối tượng.
Tại Quảng Nam, văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra đã chuyển đơn tố cáo của nạn nhân sàn FVP Trade về phòng Cảnh sát hình sự.
Tại Hà Nội và nhiều địa phương khác, cơ quan cảnh sát điều tra bước đầu đã triệu tập một số cá nhân bị tố giác lừa đảo lên lấy lời khai. Đồng thời nạn nhân trên cả nước cũng được kêu gọi gửi đơn thư, bằng chứng về vụ việc này đến Cục Cảnh sát điều tra, Cục An ninh mạng – Bộ Công an.
Tại TP.HCM, phòng Cảnh sát hình sự cũng đã nhận được đơn tố cáo của hàng chục nhà đầu tư là nạn nhân của sàn FVP Trade.
Trước đó, ngày 7/8/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thị Lệ Nhi (SN 1984), trú huyện Quảng Trạch, Quảng Bình về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, có tổng cộng 225 tài khoản của các nhà đầu tư tham gia với số tiền hơn 16 tỉ đồng. Các tài khoản tham gia này đều thuộc Văn phòng đại diện FVP Trade tại Quảng Bình.
Đường dây có dấu hiệu lừa đảo hàng chục nghìn tỷ đồng
Theo như Giáo dục và Thời đại đã phản ánh, ngày 18/7/2022, đại diện ban quản lý của sàn forex FVP Trade đã có thông báo gửi nhà đầu tư.
Theo đó công ty này đã quyết định tạm thời xóa tất cả dữ liệu hệ thống, quyền truy cập và thông tin đồng thời phong tỏa tài khoản của khách hàng.
“Do sự sụp đổ gần đây của tiền điện tử phổ biến Luna cũng như các sàn giao dịch tiền điện tử và các quỹ đầu cơ khác nhau trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương…Trong quá trình công ty trao đổi stable coin USDT sang Fiat rồi chuyển lên hệ thống MT4, khối lượng giao dịch tuyệt đối của công ty đã thu hút được sự chú ý của các tổ chức chống rửa tiền quốc tế và công ty đã được thông báo rằng tất cả các tài sản hiện tại bao gồm tiền gửi ngân hàng sẽ bị phong tỏa”, thông báo của ban quản lý FVP TRADE có ghi.
Điều này đồng nghĩa hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư Việt Nam trên sàn forex này bị đóng băng, thậm chí là mất trắng.
Khám xét và bắt giữ trưởng chi nhánh FVP Trade tại Quảng Bình
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hệ thống FVP Trade đang hoạt động trái phép tại Việt Nam, núp bóng đầu tư tài chính theo hình thức forex.
Tại Việt Nam, những người xây dựng hệ thống này có thể đối mặt với các tội danh liên quan đến hoạt động tài chính và đa cấp trái pháp luật; Phát hành, quảng bá tiền điện tử, cổ phiếu trái phép; Công ty hoạt động không có đăng ký kinh doanh, không có đại diện pháp nhân tại Việt Nam; tổ chức đánh bạc trái phép.
Theo đại diện Bộ Công an, FVP TRADE quảng cáo là có giấy phép của FCA là cơ quan quản lý tài chính của Anh quốc, tuy nhiên khi tra cứu giấy phép trên trang web của FCA, không hề cho kết quả nào liên quan đến FVP TRADE.
Ngoài ra, FVP TRADE thông qua quỹ Pamm để nhận tiền ủy thác đem đi giao dịch forex trên chính tài khoản của nhà đầu tư, nhưng khi truy cập nhà đầu tư không hề nhìn thấy biến động tài khoản lên xuống khi quỹ này giao dịch. Chỉ đến khi hết phiên, nhà đầu tư mới được nhìn thấy kết quả lợi nhuận.
Sau khi bị bắt, các đối tượng là Leader (người đứng đầu) của sàn khai nhận đây chỉ là chiêu trò lừa đảo, họ thuê lập trình ra các website, thực hiện các kỹ thuật đồ hoạ điều khiển các chỉ số để nhà đầu tư tin rằng là tài khoản của mình đang ngày một lãi nhằm đánh lừa họ.
Lợi nhuận được trả cho nhà đầu tư khi tham gia tại sàn này có thể là lấy tiền của người này rồi chia cho người kia, lấy tiền của người tham gia sau chia lại cho người tham gia trước.
Còn thực chất các sàn forex này có thực hiện giao dịch trên thị trường ngoại hối hay không thì chưa được kiểm chứng. Khi mời gọi được số lượng nhà đầu tư đáng kể tham gia, các đối tượng sẽ đánh sập trang web và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Những cá nhân có hành vi tham gia vào các hoạt động này nếu làm phát sinh thiệt hại cho các nhà đầu tư có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…đã bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia. Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà. |