Điều quan trọng bố mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc răng cho trẻ

GD&TĐ - “Khi nào tôi nên đưa trẻ đi khám răng? Con tôi 3 tuổi có nên dùng chỉ nha khoa không? Làm cách nào để biết trẻ có cần niềng răng không?”.

Trẻ có thể dùng kem đánh răng chứa fluor để ngừa sâu răng.
Trẻ có thể dùng kem đánh răng chứa fluor để ngừa sâu răng.

Nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc đánh giá xem trẻ cần chăm sóc răng miệng như thế nào và không phải lúc nào họ cũng biết cách tốt nhất để ngăn tình trạng này.

Ngừa sâu răng nhờ fluoride

Bác sĩ nhi khoa người Mỹ Elana Pearl Ben-Joseph cho biết, trẻ em nên đến gặp nha sĩ trước lần sinh nhật đầu tiên. Ở lần khám đầu tiên này, nha sĩ sẽ giải thích kỹ thuật đánh răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách.

Đồng thời, thực hiện kiểm tra răng miệng trẻ. Những lần thăm khám này có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề và giúp trẻ quen với việc đến gặp nha sĩ. Nhờ đó, trẻ sẽ bớt sợ khi đi khám nha khoa lúc lớn hơn.

Theo bà Ben-Joseph, phụ huynh nên cân nhắc đưa con đến nha sĩ chuyên điều trị cho trẻ. Các nha sĩ nhi khoa biết khi nào nên giới thiệu trẻ đến bác sĩ chuyên khoa khác, như bác sĩ chỉnh nha hoặc phẫu thuật.

“Nếu trẻ có nguy cơ bị sâu răng hoặc gặp các vấn đề khác, nha sĩ có thể bắt đầu bôi fluoride tại chỗ, thậm chí là trước khi tất cả các răng mọc. Fluoride có tác dụng làm tăng độ cứng của men răng. Nhờ đó, giúp ngừa bệnh răng miệng phổ biến nhất ở trẻ em - sâu răng”, bác sĩ Ben-Joseph chia sẻ.

Sâu răng xảy ra khi vi khuẩn và thức ăn còn sót lại sau khi ăn, nếu răng không được chải sạch. Axit tích tụ trên răng, gây hại men răng cho đến khi hình thành sâu răng.

Theo bà Ben-Joseph, việc bắt đầu thói quen tốt về răng miệng ngay từ sớm là vô cùng cần thiết. Do đó, phụ huynh cần dạy trẻ chải răng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có fluoride và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.

Theo bác sĩ Ben-Joseph, việc sử dụng florua thường xuyên sẽ làm cứng men răng, khiến axit khó xâm nhập hơn. Mặc dù, nhiều khu vực yêu cầu nước máy phải được fluor hóa, nhưng những nơi khác thì không.

Nếu nguồn nước không có fluor hoặc gia đình sử dụng nước tinh khiết, phụ huynh có thể hỏi ý kiến nha sĩ về việc cho trẻ bổ sung chất này. Hầu hết, các loại kem đánh răng đều có chứa florua. Tuy nhiên, kem đánh răng sẽ không thể bảo vệ hoàn toàn răng của trẻ. Song, phụ huynh cần lưu ý rằng, sử dụng quá nhiều florua có thể gây đổi màu răng.

Để tránh sâu răng, trẻ cũng cần hạn chế hoặc không sử dụng một số loại thực phẩm. Thực phẩm có đường, nước trái cây, kẹo có thể làm mòn men răng và gây sâu răng. Nếu trẻ yêu thích những thực phẩm này, phụ huynh hãy cho con súc miệng hoặc đánh răng sau khi ăn.

“Khi răng vĩnh viễn của trẻ mọc, nha sĩ có thể giúp ngăn sâu răng bằng cách bôi một lớp trám lên các răng sau - nơi thực hiện hầu hết các hoạt động nhai. Lớp phủ bảo vệ này giúp vi khuẩn không lắng đọng trong các kẽ khó tiếp cận của răng hàm.

Tuy nhiên, hãy bảo đảm rằng, trẻ em biết chất này không thể thay thế cho việc đánh răng đúng cách cũng như dùng chỉ nha khoa thường xuyên”, bà Ben-Joseph chia sẻ.

Trẻ được khuyến khích kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ.

Trẻ được khuyến khích kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ.

Những vấn đề răng miệng có thể xảy ra

Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể bị sâu răng. Việc thường xuyên để trẻ ngủ khi vẫn bú bình có thể gây hại cho răng của bé. Đường từ nước trái cây, sữa công thức hoặc sữa sót lại trên răng của trẻ trong nhiều giờ có thể ăn mòn men răng. Khi trẻ 6 tháng tuổi, cha mẹ có thể để bé chuyển từ bình sữa sang cốc có ống hút. Điều đó giúp hạn chế chất lỏng đọng lại ở răng của trẻ. Khi lên 1 tuổi, trẻ sẽ có các kỹ năng vận động và phối hợp để tự sử dụng cốc.

Nếu phụ huynh thường bị sâu răng hoặc có vấn đề về nướu, trẻ có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vì vậy, đôi khi, ngay cả những thói quen đánh răng và dùng chỉ nha khoa tốt nhất cũng không thể ngừa sâu răng hoàn toàn. Điều quan trọng là cha mẹ cần hỏi ý kiến nha sĩ nếu trẻ đau răng.

Bởi, đó có thể là dấu hiệu của sâu răng. Các vật liệu trám được sử dụng hiện nay là ximang silicat, amalgam, sứ và composite. Đối với tình trạng sâu răng lan rộng vào tủy gây ra bệnh lý tủy hoặc bệnh lý quanh chóp răng, nha sĩ sẽ tư vấn áp dụng quy trình điều trị tủy.

“Song, trong những trường hợp răng sữa bị gãy, sâu nhiều, nha sĩ thường lựa chọn phương pháp đặt mão răng. Cách làm này giúp duy trì răng, cũng như ngăn tình trạng sâu lan rộng. Trong một số trường hợp, khi cần thực hiện quy trình nha khoa phức tạp hơn, bác sĩ sẽ đề xuất gây mê cho trẻ”, chuyên gia cho biết.

Theo bác sĩ Ben-Joseph, kiểm tra sức khỏe thường xuyên và vệ sinh răng miệng tốt có thể giúp trẻ không phải trải qua quá trình điều trị như vậy. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần khuyến khích trẻ dùng dụng cụ bảo vệ miệng khi chơi thể thao. Bởi, phương pháp này có thể ngăn các chấn thương răng miệng nghiêm trọng.

Khi trẻ lớn hơn, khớp cắn và độ đều của răng có thể trở thành một vấn đề. Trẻ có thể bắt đầu chỉnh nha từ sớm. Đồng thời, với công nghệ như hiện tại, trẻ có nhiều lựa chọn hơn về các thiết bị chỉnh nha. Bà Ben-Joseph cho biết, theo các bác sĩ chỉnh nha, việc nắn chỉnh răng ở độ tuổi nhỏ có thể dễ dàng và hiệu quả hơn.

“Khi trẻ lớn, hãy lên kế hoạch kiểm tra răng miệng định kỳ từ 3 tháng một lần đến một năm một lần, tùy thuộc vào khuyến nghị của nha sĩ. Hạn chế thức ăn nhiều đường, khuyến khích đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, cũng như tới gặp nha sĩ sẽ mang lại sức khỏe răng miệng tốt”, bà Ben-Joseph cho biết.

Theo Kidshealth

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.