Điều kiện tiên quyết

GD&TĐ - Mới đây mạng xã hội lan truyền đoạn video clip việc học sinh Trường quốc tế TPHCM (ISHCMC) có hành vi bạo lực.

Liên quan đến vụ việc này, Bộ GD&ĐT đã đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý kịp thời, đúng quy định, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Đến nay, phía ISHCMC đã báo cáo Sở GD&ĐT TPHCM khá chi tiết, trong đó thừa nhận: “Trường nhìn nhận có một phần trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đáng tiếc giữa các học sinh với nhau, làm cho phụ huynh lo lắng. Ngoài ra, trường cũng sẽ rút kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống nhanh chóng để tránh gây hiểu lầm cho phụ huynh và tạo thông tin trái chiều trên mạng xã hội”.

Trách nhiệm của nhà trường, giáo viên và học sinh vi phạm đã và đang được quan tâm giải quyết theo thẩm quyền. Vấn đề đọng lại hiện nay là những trăn trở về cách thức ứng xử trong quan hệ phụ huynh với nhà trường qua vụ việc này. Hình ảnh, lời nói của nhóm phụ huynh có con bị đánh qua clip được đưa lên mạng xã hội, có lẽ đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với những ai làm giáo dục và quan tâm đến giáo dục. Một facebooker  tên tuổi sau khi xem video clip đã phải thốt lên: “Muốn giáo dục con, xin các bạn hãy tôn trọng thầy cô!”.

Mạng xã hội phát triển giúp phụ huynh có thể dễ dàng, nhanh chóng đóng góp ý kiến với giáo viên, nhà trường, đó là mặt tích cực. Thế nhưng thời gian qua có không ít cha mẹ đã lạm dụng kênh thông tin này để bày tỏ sự bức xúc khi chưa tìm hiểu kỹ càng, chưa trao đổi, chưa tuân thủ quy trình làm việc với nơi con em theo học. Dư luận có dạo từng xôn xao trước nội dung video clip của một phụ huynh tố giáo viên trường THCS ở TP Cà Mau “đì” con mình, cảnh các nhóm phụ huynh TPHCM căng băng rôn “biểu tình” về học phí trường quốc tế… Thậm chí có trường hợp còn cố ý đưa thông tin không chính xác, như một phụ huynh ở Hải Phòng đã dàn xếp chụp ảnh con đứng trước cổng trường đưa lên mạng xã hội với chú thích con không được vào trường do đi học sớm.

Liên quan đến vụ việc bạo lực ở Trường Quốc tế  TPHCM, trong báo cáo gửi Sở GD&ĐT TP, trường này cũng đã khẩn thiết nêu: “Trường đang rất lo ngại các bên liên quan có xu hướng lạm dụng truyền thông và phương tiện trực tuyến thực hiện thái độ hoặc hành vi kích động, bắt nạt trực tuyến bằng cách phát tán một số thông tin cá nhân của học sinh như địa chỉ nhà, hình ảnh cá nhân... Trường mong nhận được sự hỗ trợ của quý Sở trong việc giải quyết vấn đề này”.

Để giáo dục học sinh về kiến thức và xây dựng nhân cách cho các em, bên cạnh trách nhiệm của nhà trường, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong một số sự việc, vấn đề, cha mẹ học sinh có thể đối lập, thậm chí đối đầu với nhà trường nhưng nhất quyết không phải là đối địch, bởi tất cả đều cùng mục tiêu chung là giáo dục con em tốt hơn. Phụ huynh có quyền bày tỏ ý kiến về những bất cập, song nên tìm hiểu rõ quy trình, lựa chọn cách thức góp ý mang tính xây dựng, văn minh, hài hòa về phương diện tình cảm, văn hóa và giáo dục.

Thực tế cho thấy sự bức xúc của phụ huynh có thể hợp lý, có căn cứ, song nếu cách hành xử thiếu văn minh thì không chỉ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường mà còn khiến việc giáo dục con em trở nên khó khăn hơn. Sự tôn trọng, thấu hiểu lẫn nhau luôn là điều kiện tiên quyết để mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên/nhà trường trở nên tốt đẹp, bảo đảm tốt nhất hiệu quả giáo dục học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.