Điều kiện hưởng trợ cấp tai nạn lao động

GD&TĐ - Chồng tôi là giáo viên dạy môn Vật lý của một trường THPT, trên đường từ nhà đến trường để làm việc không may bị tai nạn giao thông. Vậy chồng tôi có được tính là bị tai nạn lao động không? Nguyễn Thị Công - huyện Kim Bôi, Hòa Bình (nguyenthiconghb@gmail.com)

Điều kiện hưởng trợ cấp tai nạn lao động

* Trả lời:

Theo điểm c Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm Xã hội 2006 thì người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Khoản 3, Điều 19 Nghị định 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đã hướng dẫn khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc.

Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.

Căn cứ vào quy định nêu trên và theo thư bạn viết, trường hợp của chồng bạn nếu như bị tai nạn lao động trên đúng tuyến đường đi làm từ nhà đến trường học để công tác giảng dạy thì sẽ được xác định là tai nạn lao động và chồng bạn sẽ được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về hồ sơ xin hưởng chế độ khi bị tai nạn lao động được thực hiện theo các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 14 Quyết định 01/QĐ-BHXH năm 2014 Quy định hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành (Có hiệu lực ngày 01/04/2014).

Riêng đối với trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm một trong các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông (bản sao); Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội (bản sao);

Trường hợp bị tai nạn giao thông trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì ngoài các giấy tờ quy định trên, có thêm bản sao hộ khẩu thường trú hoặc bản sao giấy đăng ký tạm trú (theo Khoản 6 Điều 14 Quyết định trên).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.