Điều 'khó xử' ở trường có học sinh đa dân tộc

GD&TĐ - Chương trình môn tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số áp dụng đối với 8 ngôn ngữ gồm Bahnar, Chăm, Êđê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái.

Học sinh dân tộc Mông tại Nghệ An nhiều năm nay được dạy tiếng mẹ đẻ.
Học sinh dân tộc Mông tại Nghệ An nhiều năm nay được dạy tiếng mẹ đẻ.

Ở những trường học sinh đa thành phần dân tộc, xuất hiện tình trạng, có nhóm được học tiếng dân tộc mình, có nhóm không có cả tài liệu, lẫn giáo viên.

Khó khăn của trường đa dân tộc

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nhôn Mai đóng tại xã biên giới xa xôi nhất của huyện Tương Dương, Nghệ An. Cho đến nay, trường vẫn là một trong những đơn vị duy trì nhiều điểm lẻ nhất của huyện tại bản Na Hỉ, Na Lật, Xói Voi, Piêng Luống, Huồi Măn, Huồi Cọ…

Có nơi đóng chân trên dốc núi cao, có bản lại nằm ở bên kia lòng hồ thủy điện Bản Vẽ như ốc đảo tách biệt với trường chính và các bản khác. Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, 3 năm qua, trường xây dựng mô hình bán trú nên hầu hết điểm lẻ chỉ còn lớp 1 - 2. Năm học này, trường có hơn 400 học sinh, trong đó, 160 em đã về bán trú tại trường chính.

Trường Tiểu học Nhôn Mai có học sinh của 3 dân tộc Mông (chiếm số lượng nhiều nhất), tiếp đến là Khơ Mú và Thái. Với học sinh dân tộc Mông, nhà trường hiện duy trì lớp dạy chữ cho các em lớp 3 - 5 với 4 tiết/tuần. Đây là chương trình tăng tiết, nằm ngoài giờ chính khóa theo hướng dẫn của Nghị định 82/Bộ GD&ĐT.

Theo chương trình mới, tiếng Mông và Thái - là 2 trong 8 ngôn ngữ dân tộc nằm trong môn tự chọn, vì vậy nhà trường đăng ký cho học sinh của 2 dân tộc tham gia. Tuy nhiên, điều “khó xử” là trong trường còn lại nhóm học sinh người Khơ Mú, với số lượng thậm chí nhiều hơn dân tộc Thái, nhưng lại không có tài liệu hoặc giáo viên dạy ngôn ngữ của mình.

Thầy Trần Đức Quỳ, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Học sinh tiểu học còn nhỏ tuổi nên chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của tiếng nói, chữ viết trong bản sắc văn hóa dân tộc mình. Vì thế, việc dạy môn tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số phụ thuộc chủ yếu vào sự quan tâm, vận động của thầy cô. Nhưng về phía phụ huynh, bà con, nếu chỉ triển khai dạy tiếng Thái, Mông mà không có tiếng Khơ Mú sẽ có so sánh và băn khoăn.

Một khó khăn khác là ngoài điểm chính, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nhôn Mai hiện có 7 điểm lẻ, chủ yếu còn duy trì khối 1 - 2 và nằm rải rác trong xã. Nhà trường sẽ khó bố trí giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số cho các em vì khoảng cách di chuyển quá xa, vất vả. Giải pháp là giao cho giáo viên của điểm trường lẻ. Như vậy số giáo viên cần tập huấn, trang bị năng lực dạy tiếng dân tộc thiểu số không dừng lại ở một vài người.

Bà Võ Tuyết Chinh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho hay, địa phương là huyện miền núi rộng nhất tỉnh Nghệ An, tập trung học sinh, phụ huynh của nhiều dân tộc cùng sinh sống, học tập.

“Dạy tiếng dân tộc thiểu số là giải pháp nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc dân tộc cho học sinh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của giáo dục vùng cao. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn cả về tài liệu dạy học, đội ngũ giáo viên… Chúng tôi mong sớm có hướng dẫn cụ thể trước khi bắt tay vào thực hiện”, bà Võ Tuyết Chinh chia sẻ.

Giờ học của cô trò điểm bản Huồi Cọ, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nhôn Mai (huyện Tương Dương, Nghệ An).

Giờ học của cô trò điểm bản Huồi Cọ, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nhôn Mai (huyện Tương Dương, Nghệ An).

Phát huy hiệu quả môn tự chọn

Thầy Tăng Xuân Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thông Thụ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) vẫn đang cân nhắc giải pháp tối ưu nếu triển khai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số. Theo thầy Sơn, học sinh của trường đại đa số là con em đồng bào dân tộc Thái. Các em đều sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp trong cộng đồng của mình. Về chữ viết, cho tới thời điểm này, trong chương trình hiện hành nhà trường chưa triển khai dạy chữ Thái.

Một mặt do ngôn ngữ Thái ở địa phương có khác biệt nhất định cả về tiếng nói, chữ viết so với tài liệu được xây dựng hiện nay. Mặt khác, dù trường có tới 23/26 giáo viên là người bản địa, trong đó nhiều thầy cô là người dân tộc Thái và đã từng theo học, thi lấy chứng chỉ tiếng Thái nhưng để thực hành dạy học còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Vì vậy, nhà trường tính đến phương án sẽ sử dụng 2 tiết tự chọn/tuần dành cho ngoại ngữ (tiếng Anh) hoặc để tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Qua đó giúp các em thuận tiện trong giao tiếp, góp phần hiệu quả vào tiếp cận kiến thức Chương trình SGK mới.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều năm qua vẫn đang duy trì dạy tiếng Mông cho học sinh lớp 3 - 5. Theo thầy Hiệu trưởng Trần Hữu Trường, 100% học sinh là con em đồng bào Mông, vì vậy, các em tỏ ra hứng thú, háo hức với việc được học, đọc, viết được tiếng mẹ đẻ của mình.

Chương trình dạy chữ Mông được thực hiện theo Nghị định 82 với hình thức là tiết học tăng cường, thời lượng 4 tiết/tuần. Kinh phí triển khai được cấp theo hướng dẫn của Nghị định 82. Giáo viên được cử đi tập huấn, dạy học và trả chế độ như tiền dạy tăng tiết. Đây là nền tảng thuận lợi để nhà trường thực hiện dạy môn tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình mới.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại huyện Kỳ Sơn, thầy Trường cũng cho rằng, dạy tiếng dân tộc thiểu số sẽ gặp khó khăn đối với trường có đa thành phần dân tộc thay vì chỉ một như xã Đoọc Mạy. Theo thầy Trường, với học sinh các dân tộc khác, nhà trường có thể linh hoạt dành 2 tiết tự chọn này cho học tiếng Anh (nếu đủ giáo viên) hoặc tăng cường tiếng Việt.

Nguyên nhân bởi học sinh dân tộc thiểu số, nhất là các em tiểu học gặp nhiều hạn chế về tiếng phổ thông, tốc độ tiếp thu kiến thức chậm hơn so với học sinh vùng thuận lợi. Nếu được tăng cường tiếng Việt, hoặc cho các em làm quen với tiếng Anh ở lớp 1, 2 để chuẩn bị lên lớp 3 môn Ngoại ngữ là bắt buộc cũng là giải pháp khả thi và phù hợp với nhu cầu học sinh.

Ông Thái Bình Dương, chuyên viên phụ trách lĩnh vực dân tộc miền núi, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhiều thành phần như Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Thổ, Đan Lai. Sở đã hướng dẫn phòng GD&ĐT các huyện miền núi có học sinh người Thái, Mông chỉ đạo trường học đăng ký. Trên cơ sở đăng ký của các trường, sở sẽ tổng hợp và triển khai khi đủ điều kiện về tài liệu giảng dạy, giáo viên phụ trách. Đồng thời có phương án thay thế môn học cho những em không thuộc nhóm 8 ngôn ngữ trong môn tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số theo Chương trình GDPT mới để đảm bảo quyền lợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ